Máy tính sẽ thông minh như người

Máy tính sẽ thông minh như người ảnh 1

Thế hệ chip 48 nhân mới của Intel.

Tham vọng thiết kế chíp 48 nhân của Intel giờ đã thành hiện thực với hy vọng chip mới này sẽ tạo cảm hứng cho các nhà sản xuất phần cứng cũng như phát triển phần mềm tạo ra các sản phẩm mang tính cách mạng trong ngành điện toán hiện đại. Chip công nghệ 45 nm high-k metal-gate mới tiêu thụ chỉ 25 Watt ở mức độ hoạt động thông thường, còn nếu hoạt động với công suất tối đa cũng chỉ hết 125 Watt. Intel đã có kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý song song bằng việc cung cấp khoảng hơn 100 chip thử nghiệm cho các nhà công nghiệp hàng đầu và các nhà nghiên cứu trong năm 2010. Một trong các mục tiêu của sáng kiến nghiên cứu thực nghiệm này là nhằm tìm ra một mô hình lập trình mới có thể tận dụng được năng lực khổng lồ của công nghệ xử lý song song và theo đó là các ứng dụng phần mềm từ gốc.

Xử lý song song vốn là cách mà não người sử dụng trong giao tiếp với thế giới và việc đem nó vào trong máy tính sẽ mang lại những ứng dụng tiềm năng không giới hạn cho cả phần cứng và phần mềm. Intel đang mong muốn tạo ra một thế giới mới, nơi mà những chiếc máy tính xách tay cũng có thể "nhìn" với một nhãn quan con người thực thụ.

Nhưng sẽ phải mất một thời gian dài thì những ý tưởng công nghệ này mới đi được vào cuộc sống, bởi lẽ thách thức về lập trình không phải là nhỏ. Mỗi chip mới chứa tới 48 nhân đều có khả năng lập trình riêng biệt, trong khi phần mềm hiện tại mới chỉ khai thác năng lực với 2 nhân. Tuy nhiên, mô hình mẫu 48 nhân không dừng lại ở đó mà còn hỗ trợ những kỹ thuật lập trình song song hiện tại như các ứng dụng trong phần mềm dữ liệu đám mây. Intel hy vọng rằng kết nối tốc độ cao giữa các nhân trong việc chia sẻ thông tin và dữ liệu sẽ phần nào hỗ trợ các lập trình viên thử nghiệm những nghiên cứu mới của mình. Tận dụng mạng liên kết tốc độ như vậy có nghĩa rằng các ứng dụng có thể truyền thông tin giữa các nhân trong thời gian chỉ tính bằng micro giây, giảm thiểu được nhu cầu truy cập dữ liệu trong hệ thống bộ nhớ ngoài vốn chậm chạp.

Một trong các tính năng thú vị khác mà chip mới hỗ trợ đó là khả năng quản trị cơ động các nhân, cho phép phần mềm có thể sử dụng chỉ đúng số nhân cần thiết để hoàn thiện một tác vụ, từ đó đảm bỏ hoạt động và tiêu thụ năng lượng một cách tối ưu nhất. Các nhân cũng có thể kích hoạt các tác vụ liên quan theo cơ chế hợp tác như kiểu trên một dây chuyền, gửi kết quả của tác vụ trước cho các nhân sau xử lý tiếp.

Hiện Intel, HP và Yahoo đã bắt đầu hợp tác nghiên cứu điện toán đám mây với dự án Open Cirrus với mục tiêu có thể áp dụng thử nghiệm các ứng dụng đám mây cho chip mới này. Microsoft cũng đã bắt tay với Intel để bắt đầu khai thác cơ hội trong các ứng dụng đám mây và những nghiên cứu ban đầu với chíp này đã dẫn đường cho một vài kế hoạch xây dựng kỹ thuật lập trình và ứng dụng trong tương lai của hãng.

Theo Nguyễn Hà (Sohoa)

Đọc thêm