Mất tiền oan vì ham ĐTDĐ giá 'bèo" trên mạng

Tâm lý "sính ngoại" nhưng lại ham của rẻ nên khi nhiều trang web quảng cáo điện thoại E71,72, 8800… với giá chỉ 3-4 chai (tiếng lóng 1chai= 1triệu) nên nhiều người dù là sành sỏi cũng nhảy vào giao dịch.

"Đang cần tiền, bán lại gấp chiếc điện thoại Nokia N97-32GB xài kỹ, zin 100%, đủ linh kiện theo máy, chính hãng, camera 5.0M, kiểu sành điệu. Tiếp người thiện chí. Liên hệ:09321……, gặp P". Đây là một mẫu quảng cáo trên trang Web: raovat.vn. Cũng với mẫu quảng cáo này, số điện thoại liên hệ này nhưng tại một số trang web khác tên của chủ nhân "cần tiền gấp" lại là N.K. T.A, T.T, H.T…

Là nạn nhân của trò lừa đảo này, anh H.T.D. (Giám đốc của một công ty ở quận 10, TP HCM) muốn chia sẻ: "Vì cần mua một "con" điện thoại có thể chạy chương trình Symbian giúp nhân viên thực tập trên máy. Nếu mua chính hãng, giá một "con" N97 không dưới 13 chai nên anh D. lên mạng tìm. Khi đọc được mẫu quảng cáo này, anh "chịu đèn" liền và bấm số liên lạc. Đầu dây phía bên kia, một người xưng tên P. "ok" đồng ý bớt chút đỉnh và hẹn sáng hôm sau giao hàng tại khu vực chợ Tân Bình.

Mất tiền oan vì ham ĐTDĐ giá 'bèo" trên mạng ảnh 1

Chiếc N97 nhái đầy đủ vỏ, hộp, phụ kiện

Đúng hẹn, anh D ngồi đợi ở một quán cà phê thì thấy một thanh niên bước vào. Người thanh niên này mở hộp lấy ra chiếc điện thoại N97 mới cáu với đầy đủ tem chống giả, số Imei, phiếu bảo hành, thẻ Cub, tem phân phối của FPT nên sau khi kiểm tra anh D. đồng ý và móc bóp trả 4,7 triệu đồng. Tuy nhiên, khi về công ty kiểm tra lại, anh D. sững sờ vì chiếc điện thoại không giống như lúc anh dùng thử khi kiểm tra hàng. Liên lạc lại với số máy trên anh D. chỉ còn nghe tiếng "bíp… bíp".

Để làm rõ những hành vi lừa đảo trên mạng, chúng tôi theo chân các trinh sát Công an quận 10 tiếp cận các đối tượng mua bán ĐTDĐ trên mạng. Nổi bật nhất qua các tin rao vặt trên mạng là cái tên H.B. Theo nguồn tin của một số trinh sát, H.B. cầm đầu một nhóm lừa đảo bán điện thoại qua mạng với một số điện thoại liên hệ là 093211…. nhưng với những tên người bán khác nhau. Mỗi thành viên trong nhóm của B. được giao giữ số điện thoại này trong 1-2 ngày sau đó đổi luân phiên. Khi có con mồi rơi vào tròng, lập tức người phụ trách giữ số điện thoại này trực tiếp giao dịch với khách hàng. Sau nhiều lần bị động, B. đã thay đổi số điện thoại này bằng đầu số 09087…

Mất tiền oan vì ham ĐTDĐ giá 'bèo" trên mạng ảnh 2

Số Imei, thẻ bảo hành được cạo sửa trùng khớp với thân máy

Liên hệ với số điện thoại mới của B. chúng tôi được một người tên H. bốc máy và đồng ý bán "con" N97 với giá 4,5 chai. Chúng tôi đồng ý. H. yêu cầu đến đường Phan Xích Long (Phú Nhuận) giao hàng. Đúng hẹn, H. đi cùng một thanh niên trên chiếc Attilla màu trắng, biển số: 52S3-6… nhưng chỉ có H. là bước đến điểm hẹn, còn người thanh niên kia lượn lờ xe dọc đường. Cầm hai hộp điện thoại N97 và E72 chìa ra cho chúng tôi xem. Kiểm tra xong, chúng tôi móc bóp giao tiền. Cùng lúc này một nhóm trinh sát bí mật bám theo hai đối tượng trên. Trên đường bám gót, chúng tôi phát hiện hai đối tượng này giao dịch với một khách hàng trong hẻm Đống Đa (quận Bình Thạnh). Sau khi giao hàng trong hẻm xong, bất chấp đèn đỏ, đường cấm, hai đối tượng phóng xe bạt mạng, lao vào hẻm nhỏ, mắt liên láo dò xét...

Theo các trinh sát, nhóm người này là nhân viên bán ĐTDĐ trên đường Lý Thái Tổ, Ba Tháng Hai (quận 10). Ngoài nhóm này, còn một số nhóm nữa chuyên buôn bán hàng lừa đảo qua mạng. Để tránh bị "hốt" những nhóm này thường lấy địa chỉ "ma" để giao dịch, khi người mua "hố hàng" tìm đến địa chỉ trên thì chúng đã "cao chạy xa bay".

Qua bài viết này, mong rằng những người mua hàng qua mạng cần cảnh giác hơn với những nhóm đối tượng lừa đảo bán ĐTDĐ "xịn" giá "bèo", để tránh rơi vào bẫy của chúng.

Làm nhái, làm giả từ A-Z

Với mức độ lừa đảo ngày càng tinh vi và còn nhiều người "dễ dụ" nên các nhóm lừa đảo liên tục xuất hiện. Bà Nguyễn Ngọc Trà My (Phụ trách sản phẩm công nghệ của FPT) cho biết: "Việc lấy tem thật của các máy điện thoại chính hãng để dán vào máy giả cho đến việc làm tem nhái, tem giả giống y khuôn nên rất khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Tuy nhiên, một số nhận dạng ban đầu để chống hàng giả, hàng nhái là tên thương hiệu bị thay đổi một số chữ khó phân biệt: " Ví dụ Nokia sẽ thành là NokLa"…Tuy nhiên khi mua về, qua một thời gian sử dụng, điện thoại sẽ xuống màu, trầy xước, bong tróc… Các tính năng nghe nhạc, chụp hình, xem phim thì loa phát rất to nhưng sau đó chuyển qua "rè". 

Theo M.Đ (CAND)

Đọc thêm