Hay - dở với "dế" 12 Megapixel

Làng điện thoại đã có sự xuất hiện của các mẫu điện thoại mang camera 12 Megapixel, từ Sony Ericsson (Idou), Samsung (Pixon12) và LG.

Với di động 12 Megapixel, lần đầu tiên người dùng có được các bức ảnh với độ phân giải lên tới 4.000 x 3.000 pixel, hiển thị chi tiết và lớn gấp hai lần một màn hình máy tính to nhất, hoặc xem rõ trên các loạt HDTV đang bán trên thị trường.

Ngoài ra, bạn cũng có thể in các bức ảnh lớn. Việc cắt gọn, tinh chỉnh để chọn lựa các phần trong toàn cảnh bức hình cũng dễ dàng hơn. Do độ phân giải ảnh lớn nên việc in hình to bằng kích thước poster cũng không khó khăn, tất nhiên, nếu chất lượng ảnh tốt.

Tuy nhiên, chụp ảnh bằng điện thoại chấm cao như thế này cũng tốn nhiều dung lượng thẻ nhớ, ổ cứng. Mỗi bức hình thường khoảng từ 2 đến 3 MB, nên khó khăn trong việc truyền dữ liệu thông qua Bluetooth, gửi e-mail trực tiếp hay chia sẻ ảnh lên các trang cộng đồng.

Chất lượng ảnh không tùy thuộc vào số "chấm". Ảnh: Sony Ericsson.
Chất lượng ảnh không tùy thuộc vào số "chấm". Ảnh: Sony Ericsson.

Một bức hình chụp bằng camera 12 Megapixel cũng mất thời gian để lưu vào bộ nhớ/thẻ nhớ điện thoại hơn. Điều này có nghĩa là bạn sẽ mất thời gian hơn cho những bức ảnh khác. Ngoài ra, khi xem lại trong gallery, trình duyệt cũng tải chậm hơn so với điện thoại 3 hay 5 "chấm".

Nhiều người thường hiểu nhầm, điện thoại nhiều Megapixel không làm cho ảnh tốt. Thực tế, ảnh đẹp hầu hết phụ thuộc vào các trang bị đi kèm như ống kính, khả năng xử lý của cảm biến, các tùy chỉnh về độ tương phản, màu sắc, đèn flash... Tuy nhiên, khi chụp với camera 12 Megapixel, để resize về kích thước nhỏ hơn, ảnh có thể triệt tiêu các điểm ảnh chết so với máy ảnh ít "chấm".

Theo Huy Nguyễn (Sohoa)

Đọc thêm