"Hàng hiệu" BlackBerry - Giá nào cũng có!

Nhưng đằng sau sự xuất hiện ồ ạt với đủ mức giá cao-thấp khác nhau ấy, liệu người dùng có đủ tinh để biết mình đang “tiêu” và “dùng” loại hàng gì?

“Tam quốc” tranh hùng

“Trận đồ” của BlackBerry giờ không còn phân theo định nghĩa hàng xách tay và hàng nhập khẩu chính hãng mà theo quan niệm của dân trong nghề, đã được phân ra 3 loại hàng: hàng Viettel, hàng xách xịn, và hàng xách dựng. Với sự xuất hiện của Viettel Telecom trong lĩnh vực BlackBerry từ đầu năm, rõ ràng là ở cả mức giá lẫn những ràng buộc hợp đồng chưa tạo được một sự thu hút tới người sử dụng thiết bị đầu cuối, và đương nhiên người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm giá thành thấp hơn, không ràng buộc.

Một điều tréo ngoe là, những model BlackBerry hàng xách dựng lại là những model hot hàng nhất, đa dạng nhất. Nhớ lại cách đây chừng 2 năm, để tìm được một chiếc BlackBerry Pearl 8100 màu đỏ của AT&T, người viết đã phải tốn không ít kỳ công để đặt mua từ Mỹ kèm code mở máy, thì giờ đây, những chiếc điện thoại BB đủ màu sắc tràn ngập thị trường.

Nhà sản xuất RIM đã rất tinh tế khi phân loại đối tượng sử dụng với những dòng BB kèm mã số, màu sắc khác nhau như 8x10 dành cho những sản phẩm có GPS, 8x20 là series tích hợp wifi và 8x30 là những chú dế có khả năng kết nối CDMA. Nếu màu đỏ, ghi bạc là màu đặc trưng xuất xứ của AT&T, màu trắng và tím là của T-Mobile, thì khi dựng lại ở Việt Nam, những chiếc vỏ “hàng lô” hồn nhiên được gắn mác loạn xạ với logo mạng cũng như series chỉ được ghi chung chung là 8300 series, 8800 series trên tem cho tiện bề “ráp xác”.

"Hàng xách tay" lắp ráp tại... Việt Nam

Nếu trước đây hàng xịn xách tay phải nhập code để mở máy, giá cho mỗi code khoảng 400 ngàn đến 800 ngàn đồng, thì giờ đây hàng xách dựng cũng nhập code như thường. Nhiều cửa hàng kinh doanh treo biển bán BB xịn, nhập code xịn, IMEI trùng vỏ hộp nhưng thực chất đó chỉ là những chiếc máy “lắp ráp” bởi thợ máy Việt Nam. Bảng mạch (main), pin, màn hình, chipflash… được mua theo lô và trò chơi BlackBerry với những tay thợ giống như chơi xếp hình. Lắp, ráp và dán tem sao cho khớp là những gì cần làm để tạo ra một chiếc BlackBerry "hàng xách tay" hoàn thiện.

Những tem IMEI được in tại Việt Nam với dòng chữ nhòe nhoẹt: Made in Canada by RIM cùng số IMEI, serial, mã vạch rất dễ đánh lừa người tiêu dùng ngay cả khi đã từng cầm máy xịn. Trên thị trường hiện nay, mẫu 8320 của BlackBerry với khả năng kết nối wifi, máy ảnh số 2.0 Mpixel, chân cắm tai nghe 3.5mm là được “đặc cách” dựng nhiều nhất bởi sở hữu những tính năng thời thượng mà model này sở hữu.

Thật khó tin, với cùng một chiếc máy nhưng nếu so giá với hàng xách tay xịn rơi tầm giá 6,5 triệu, giá Viettel Telecom 8 triệu 200 ngàn (chưa kèm phí dịch vụ hàng tháng) thì giá hàng dựng chỉ…xấp xỉ 4 triệu. Cũng nguyên hộp, IMEI trùng, đủ phụ kiện tai nghe, thẻ nhớ, holster như ai.

Một đại diện của Viettel khi được hỏi về sự cạnh tranh giá cả với hàng ngoài cũng lắc đầu, trả lời rằng: “Viettel không tham gia thị trường đầu cuối, mà chỉ là một hình thức cung cấp giải pháp, do đó không có ý kiến về sự xuất hiện của những chủng loại mặt hàng ngoài”.

Dù có sẵn tiền, để mua được một chiếc BlackBerry xách tay xịn 100% cũng không hề đơn giản. (Ảnh: tccom)
Dù có sẵn tiền, để mua được một chiếc BlackBerry xách tay xịn 100% cũng không hề đơn giản. (Ảnh: tccom)

Nan giải bài toán hàng dựng

Nếu như những chiếc điện thoại hàng lắp ráp tại Việt Nam kia có chất lượng và chức năng như các máy được bán ra trong nước thì sẽ chẳng có gì để nói. Tuy nhiên, những vấn đề rắc rối mà người dùng gặp phải đã và đang tạo những tiếng xấu cho những quả dâu đất của RIM. Đầu tiên phải kể đến là những cái chết “bất đắc kỳ tử” của những thiết bị hàng dựng.

Anh Dũng, trưởng phòng kỹ thuật một công ty viễn thông đã rất hào hứng khi sở hữu chiếc BB Bold 9000 gần như cao cấp nhất, mà anh mua tại một cửa hàng trên phố Thái Hà – HN với giá 9 triệu đồng. Nhưng chỉ chưa đến 10 ngày sử dụng, anh đã gặp phải vấn đề với viên bi lăn trackball, mất khả năng điều hướng sang bên phải/trái. Khi đem lại cửa hàng, mặc dù vẫn nằm trong hạn bảo hành đổi mới, nhưng nhân viên tại đây giải thích chỉ là lỗi đơn giản, và xử lý bằng cách mở máy vệ sinh trackball. Anh Dũng cho biết, những tưởng Bold 9000 là model mới ít làm dựng hay đóng mới nên mới quyết định mua thì rốt cuộc vẫn bị lừa.

Một trường hợp hy hữu khác của một khách hàng giấu tên, anh mua Curse 8300 tại cửa hàng cầm đồ Đặng Dung. Sau một tháng ậm ạch với những biểu hiện máy nhanh hết pin, đang gọi treo máy, xử lý chậm chạp, thì một ngày đẹp trời máy lăn ra chết hẳn, bật lên chỉ có màn hình trắng. Đem đi bảo hành tại một cửa hàng ngoài thì nhận được báo giá sửa chữa lên tới gần 800 ngàn. Là người cẩn thận, sau khi bảo hành và nhận máy, anh kiểm tra lại IMEI thì thấy lệch so với IMEI lúc mới mua. Hỏi lại nơi bảo hành được biết, máy anh chết chip flash phải thay, đương nhiên IMEI…cũng phải thay!

Trong một vài trường hợp khác, như pin mau hết, không kết nối đồng bộ được với phần mềm Desktop Manager (phần mềm đồng bộ đi kèm BB), đang dùng treo máy… là những lỗi quá cơ bản khiến người dùng đành tặc lưỡi, chẹp môi “sống chung với… hàng dựng”.

Theo Vương Long (VNN)

Đọc thêm