Giấc mơ “siêu smartphone” trị giá 32 triệu USD

Canonical, hãng phần mềm đứng sau hện điều hành Ubuntu nổi tiếng (một biến thể của hệ điều hành Linux) đang kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng công nghệ để xây dựng số quỹ 32 triệu USD trong tháng tới để sẵn sàng xây dựng dự án một “siêu smartphone” có khả năng thay thế cho một chiếc laptop. Chỉ 5 tiếng sau khi Canonical kêu gọi ủng hộ, đã có hơn 1 triệu USD được cam kết ủng hộ.
Đầu năm nay, Canonical đã khiến giới công nghệ bất ngờ khi giới thiệu Ubuntu Touch, một biến thể của hệ điều hành Ubuntu nổi tiếng được tối ưu dành cho smartphone và máy tính bảng.
Theo Canonical, Ubuntu Touch sẽ là một phiên bản đầy đủ của hệ điều hành Ubuntu trên máy tính cá nhân, nhưng với một giao diện được xây dựng và tối ưu cho thiết bị di động. Điều này giúp khai thác sức mạnh của hệ điều hành Ubuntu trên máy tính trong “hình hài” của một thiết bị di động.

Giấc mơ “siêu smartphone” trị giá 32 triệu USD ảnh 1

Ý tưởng thiết kế của “siêu smartphone” Ubuntu Edge
Ý tưởng của Canonical đó là khi một chiếc smartphone hay máy tính bảng sử dụng Ubuntu Touch kết nối với một màn hình hay bàn phím ngoài, nó sẽ hoạt động như một chiếc máy tính cá nhân chạy Ubuntu hoàn chỉnh về cả hiệu suất lẫn giao diện.
Tuy nhiên, nếu không có được cấu hình phần cứng tương đương với một chiếc máy tính cá nhân thì smartphone hay máy tính bảng chạy Ubuntu Touch sẽ chẳng có gì khác biệt so với những smartphone hay máy tính bảng chạy nền tảng di động khác. Và đó chính là tham vọng mà Canonical đang hướng tới.
Theo đó, Canonical đang tham vọng xây dựng một chiếc “siêu smartphone” với tên gọi Ubuntu Edge, với một cấu hình “khủng” tương đương một chiếc laptop, chẳng hạn như có bộ nhớ RAM 4GB và ổ cứng lưu trữ 128GB. 
Mặc dù Ubuntu chưa quyết định sẽ sử dụng bộ vi xử lý nào tuy nhiên theo CEO Mark Shuttleworth của Canonical  tuyên bố thì bộ vi xử lý sử dụng trên Ubuntu Edge sẽ cho hiệu suất tương đương những chiếc laptop cấp thấp.
Canonical hy vọng chiếc “siêu smartphone” của mình sẽ xuất hiện trên thị trường vào tháng 5 năm sau nếu dự án thành công. Chiếc smartphone này có thể hoạt động trên cả nền tảng Ubuntu Touch và Android và sẽ không bị bó buộc bởi bất kỳ nhà mạng cụ thể nào, nghĩa là có thể sử dụng ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Sở dĩ Canonical kêu gọi sự ủng hộ về tài chính từ phía cộng đồng, thay vì muốn nhận được một sự đầu tư lớn là bởi lẽ hãng muốn áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất như pin silicon hay màn hình cảm ứng bằng tinh thể sapphier… những công nghệ chưa từng được áp dụng thực tiễn trên các sản phẩm đại chúng, vào trong sản phẩm của mình. Đó là lý do tại sao Canonical muốn nhận được sự ủng hộ từ những người đam mê, thay vì  từ những nhà đầu tư vì mục đích kinh tế.

Giấc mơ “siêu smartphone” trị giá 32 triệu USD ảnh 2

Smartphone sẽ biến thành máy tính hoàn chỉnh khi kết nối với màn hình và bàn phím
Chiếc “siêu smartphone” này là sản phẩm phần cứng đầu tiên của Canonical, tuy nhiên CEO Shutteworth vẫn thừa nhận rằng hãng không muốn đặt chân vào thị trường phần cứng, chí ít là trong thời gian sắp đến.
“Dự án này không có nghĩa rằng chúng tôi sẽ đặt chân vào thị trường sản xuất phần cứng để cạnh tranh với các hãng sản xuất khác”, Shutteworth cho biết. “Thay vào đó, nếu dự án này thành công, chúng tôi sẽ hợp tác với các hãng sản xuất phần cứng lớn để sản xuất sản phẩm này”.
Theo Shuteworth, dự án của Canonical như là một thử nghiệm cho những công nghệ mới mà chưa hãng sản xuất smartphone nào dám áp dụng vào sản phẩm đại trà. Đây được xem là một bước đi táo bạo và mạo hiểm của Canonical, nhất là khi đây chỉ là một hãng phần mềm và chưa từng có kinh nghiệm trong phát triển phần cứng.
Nói cách khác, dự án của Canonical được xem như là một “cuộc trưng cầu dân ý” để xem thực sự người dùng có muốn thử nghiệm những tính năng mới nhất chưa từng được thử nghiệm thực tế hay không. Tuy nhiên, để dự án của này thành công thì bước đầu tiên, Canonical phải nhận được đủ 32 triệu USD ủng hộ từ phía cộng đồng công nghệ mới có thể bắt tay vào thực hiện.
Theo T.Thủy (Dân trí)

Đọc thêm