Đồ nghề máy ảnh - bao nhiêu cho đủ?

Bước chân vào nhiếp ảnh, hầu như ai cũng chỉ cần có một thân máy DSLR với ống kit là đủ. Hành trang lúc này quả thực vô cùng đơn giản.

Nhưng rồi càng đi, càng chụp, nhu cầu và sở thích càng tăng, bạn sẽ lại càng mua thêm càng nhiều đồ nghề. Cho đến một lúc nào, đó bạn mới giật mình khi thấy mình bị bao bọc bởi một đống các vật dụng đều liên quan đến nhiếp ảnh: ống kính, kính lọc, đèn, các thẻ nhớ dự phòng, bộ lau máy ảnh, túi, thân máy dự phòng, chân máy, đầu đọc thẻ, điều khiển từ xa… cứ thế phát triển không ngừng.

Liệu tất cả những đồ nghề này đều thực sự cần thiết và giá trị cho bạn trên bước đường chụp ảnh?

Bất cứ khi nào mua một món đồ chơi mới, có thể bạn sẽ nghĩ về việc liệu có đủ tiền mua không, có nên đợi đến khi họ hạ giá không? Mua hàng tên tuổi hay hàng trôi nổi? Nhưng ít người ý thức được rằng khi nào mua một món đồ mới, đồng nghĩa bạn đã phải trả giá cho những mức giá vô hình gắn kèm món đồ đó nữa. Sự trả giá có thể bao gồm:

* Quá nhiều đồ nghề sẽ chiếm nhiều không gian, gây nên mất tập trung và áp lực.

* Phải liên tục mang các món đồ này trong túi máy ảnh, hay mang trên xe dể tới chỗ chụp rồi lại mang về nhà.

* Khi chuyển nhà, bạn phải mất công chuyển tất cả đống đồ này nữa.

* Đối với ống kính hay thân máy, bạn phải mất công lưu lại giấy tờ bảo hành ở những nơi an toàn.

* Nếu một trong các món đồ bị hỏng, bạn phải sửa chữa hoặc thay thế, đồng nghĩa với việc sẽ mất thêm tiền hoặc thời gian.

* Nếu mua nhiều quá dẫn đến phải vay mượn, bạn sẽ luôn phải lo lắng về các khoản nợ.

* Thậm chí, kể cả khi đã quyết định từ bỏ, bạn cũng cần phải tiêu tốn không ít thời gian, thậm chí cả tiền bạc để "tống" chúng đi.

Theo Digital Photography School, một trong những cái giá mà chắc hẳn ai cũng từng phải đối mặt là sự băn khoăn - sẽ mang đồ nào đi khi chụp hình. Ít đồ và tất cả nhét vừa vào ba lô thì sẽ không vấn đề gì. Nhưng khi quá nhiều phụ kiện mà túi máy ảnh thì có hạn, việc mang gì, bỏ lại gì khiến không ít người phải đau đầu suy nghĩ.

Cái làm nên một bức ảnh đẹp là nhiếp ảnh gia. Ảnh: Hoàng Hà.
Cái làm nên một bức ảnh đẹp là nhiếp ảnh gia. Ảnh: Hoàng Hà.

Mặc dù rõ ràng là có những phụ kiện tối cần thiết cho việc chụp một ảnh nào đó, như ống tele để chụp cận cảnh chim, các phụ kiện khác thực ra không phải là cái quan trọng nhất. Trong nhiếp ảnh, cái làm nên một bức ảnh đẹp không phải phụ kiện mà chính là nhiếp ảnh gia.

Để minh họa, không gì có thể lấy ví dụ tốt hơn một quyển sách có tựa đề The Best Camera is the One That’s With You (Máy ảnh tốt là máy bạn mang theo bên mình) của Chase Jarvis. Trong quyển sách này, tác giả đã trình diễn toàn bộ những bức ảnh ấn tượng của mình chỉ với chiếc iPhone nhỏ bé, thậm chí còn không cần dùng đến cả Photoshop để chỉnh sửa mà chỉ dùng các phần mềm có sẵn.

Tất nhiên, với những người yêu thích nhiếp ảnh, không chỉ một iPhone là đủ, nhưng vấn đề là bạn cần biết cách hạn chế tối đa phụ kiện và chỉ tập trung vào những món đồ thực sự cần.

Khai thác toàn bộ năng lực đồ nghề sẵn có. Ảnh: Hoàng Hà.
Khai thác toàn bộ năng lực đồ nghề sẵn có. Ảnh: Hoàng Hà.

Dưới đây là một số mẹo giúp bạn tối giản được đống đồ đạc ảnh của mình.

1. Lập danh sách những gì cần và không cần khi đi chụp ảnh.

Mẹo này thích hợp cho những tay máy dã ngoại phải mang ba lô máy ảnh kè kè theo người cả quãng đường dài. Khi bắt đầu chuẩn bị đi chụp ảnh, tốt nhất, nên lập danh sách những phụ kiện sẽ phải sử dụng để cho buổi chụp ảnh đó. Trong quá trình chụp, thứ nào được lấy ra sau này sẽ được giữ lại, cái gì hết buổi vẫn không cần phải dùng đến, lần sau sẽ được để ở nhà.

2. Khai thác toàn bộ năng lực đồ nghề sẵn có.

Tìm hiểu và khai thác toàn bộ răng lực các đồ nghề bạn đang có và nếu thực sự có nhu cầu xa hơn, lúc đó hẵng mua ống kính, thân máy hoặc phụ kiện khác.

3. Tập trung vào việc bổ sung kiến thức hơn là bổ sung phụ kiện.

Đây là phương pháp hiệu quả nhất để gọn nhẹ hóa đồ nghề máy ảnh của bạn. Hãy đọc sách, báo, tìm hiểu trên net… về các kinh nghiệm và thực hành trên những đồ nghề đang có sẵn. Cố gắng học càng nhiều càng tốt, vì kiến thức có thể thu nhận không giới hạn trong khi lại không chiếm giữ bất kỳ khoảng không nào trong túi đồ nghề của cả.

Theo Nguyễn Hà (Sohoa)

Đọc thêm