Điện thoại bị “thổi giá” khi chào sân

Ăn theo các xu thế ngày càng nhiều người thích công nghệ, việc làm giá các thiết bị mới trên thị trường với các sản phẩm xách tay ngày càng dữ dội. Nhiều sản phẩm mới về Việt Nam giá đội lên gấp đôi, thậm chí là gấp ba. Điều này khiến những người đón chờ công nghệ mới luôn lâm vào cảnh méo mặt.

Kiểu nào cũng bị làm giá

Theo ghi nhận trên thị trường thì hiện nay phần lớn sản phẩm công nghệ mới xuất hiện đều bị giới kinh doanh đẩy giá lên khá bạo trong thời gian đầu. Đơn cử như các dòng iPad mini mới xuất hiện thời gian gần đây, lúc mới xuất hiện phiên bản iPad mini 4G LTE có giá khởi điểm 459 USD (khoảng 9,6 triệu đồng), thế nhưng nhiều doanh nghiệp nhập hàng xách tay về đã hét giá đến 15,9 triệu đồng. Điều này oái oăm khi chiếc iPad mini cấu hình thấp lại cao hơn giá chiếc iPad 3 mới xuất hiện từ đầu năm 2012. Hay trường hợp của iPhone 5, thời điểm mới xuất hiện, mức giá của Apple là 199 USD (kèm theo hợp đồng của nhà mạng) cho bản 16 GB. Thế nhưng khi về Việt Nam lại đã bị rao bán ra thị trường và mức giá cho phiên bản 16 GB lên tới 25 triệu đồng, thậm chí có doanh nghiệp rao bán với mức giá 29,5 triệu đồng trong khi đó hiện nay mức giá sản phẩm này chỉ còn khoảng 17,5 triệu đồng.

Điện thoại bị “thổi giá” khi chào sân ảnh 1

LG Nexus 4 - điện thoại giá bình dân, dù mới xuất hiện trên thị trường và bị rao bán giá gần gấp đôi.

Hay vào cuối tháng 11, chiếc điện thoại LG Nexus 4 được đánh giá là smartphone giá bình dân được công bố bán ra thị trường cũng tạo được sự quan tâm. Ưu điểm của LG Nexus 4 tích hợp hệ điều hành Android 4.2 mới nhất của Google cho tốc độ khá nhanh và mượt. Dòng điện thoại mới được hãng rao bán với phiên bản 8 GB có giá khởi điểm là 299 USD (tương đương 6,2 triệu đồng), trong khi bản 16 GB có giá 329 USD (tương đương 6,9 triệu đồng). Thế nhưng khi về Việt Nam, một số trang web đã hét giá khá sốc là trên 11,6 triệu đồng bản 8 GB và 13,6 triệu đồng cho bản 16 GB, mức giá khá cao khiến cư dân các diễn đàn mạng liên tục ca thán, bực bội.

Mặc dù thường các thiết bị được hét giá khá cao, thế nhưng chỉ khoảng 1-2 tháng thì lập tức “xì hơi” trở lại mức giá ban đầu. Điều này khiến không ít người tiêu dùng phải ấm ức vì lỡ mua sản phẩm, vì mức giá người dùng bị lỗ là khá cao so với mức mất giá của thị trường với một sản phẩm thông thường.

Cần tỉnh táo chờ

Theo anh Phương, một dân chuyên sửa và kinh doanh iPhone ở quận 10, TP.HCM, hiện tượng làm giá trong giới công nghệ cũng khiến dân kinh doanh đau đầu, đặc biệt là giới kinh doanh nhỏ lẻ. Điều này khiến doanh nghiệp kinh doanh dễ bị lâm vào tình trạng ôm hàng. Chính anh cũng đã phải thở phào nhẹ nhõm khi “gả” kịp chiếc iPhone 5 16 GB giá trên trời. Anh mua một chiếc iPhone 5 về định bán lại, khi anh mua về ban đầu giá khoảng 23,5 triệu đồng nhưng sau đó giá rớt chỉ còn khoảng 19,5 triệu đồng.

Theo anh H., một doanh nghiệp ngành hàng công nghệ ở quận 1, việc làm giá hiện nay ở một số sản phẩm là quá đáng. Thực ra với các chi phí xách tay một sản phẩm về thì chỉ cao hơn giá hãng bán trên dưới 2 triệu đồng. Đó là giá sản phẩm chính ngạch có thuế, còn những sản phẩm xách tay thì chi phí chỉ khoảng 80 USD cho một sản phẩm. Thế nên việc đẩy sản phẩm lên mức giá gấp mấy lần là khó có thể chấp nhận.

Anh Duy, thành viên của một diễn đàn công nghệ, phân tích: “Việc đổ xô đi mua các dòng sản phẩm mới sẽ tạo thành thói quen xấu cho thị trường smartphone trong nước. Khi bất kỳ chiếc điện thoại nào mới ra mắt cũng bị làm giá thẳng tay như iPhone 5 và LG Nexus 4. Tất nhiên, cũng có nhiều người không quan tâm đến đến giá và vẫn tìm mua bằng được sản phẩm mình thích”.

Vẫn có sản phẩm ổn định giá

Theo khảo sát trên thị trường, bên cạnh các dòng sản phẩm cao cấp thường bị làm giá, các dòng sản phẩm công nghệ chính hãng hay các dòng máy tính bảng xách tay như Kindle, Nexus dù mới xuất hiện thì hầu như rất ít bị làm giá. Nguyên nhân là các sản phẩm này mang công nghệ vừa phải và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, việc đẩy giá quá cao cũng sẽ khó tiêu thụ.

NHƯ VŨ

Đọc thêm