“Dế” thông minh, mồi ngon của hacker

Các dòng điện thoại cao cấp có hệ điều hành, đơn cử như iPhone sẽ xuất hiện với số lượng lớn, các giao dịch tiền tệ trên điện thoại di động ngày càng phổ biến khiến điện thoại di động trở thành đối tượng của hacker.

Hacker chạy theo công nghệ

Khác với máy tính và cũng là thói quen của người tiêu dùng, phần lớn điện thoại di động hiện nay ít chú trọng đến việc bảo mật. Điều này khiến thiết bị này dễ dàng bị xâm nhập với các dòng virus lây qua dịch vụ tin nhắn, Bluetooth(*), các phần mềm chat trên điện thoại di động hoặc từ máy tính (PC) sang.

Theo thống kê của Công ty Cổ phần An ninh-An toàn thông tin CMC, tính đến thời điểm này, trên thế giới đã có gần 1.000 loại virus lây lan trên di động, hàng chục ngàn chiếc điện thoại bị nhiễm. Các dòng virus này tập trung nhiều nhất vào các thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows Mobile hoặc Symbian bởi hầu hết các hãng sản xuất điện thoại di động lớn đều lựa chọn sử dụng những hệ điều hành này.

Hãng bảo mật F-Secure (Phần Lan) phát hiện ra một loại virus phát tán qua giao thức Bluetooth của 20 quốc gia khác nhau, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Nga... Virus này không phá hoại điện thoại mà chỉ tiếp tục lây lan tới các thiết bị khác. Nó cũng gây ra một số tác hại phụ như thời lượng sử dụng pin sẽ sụt giảm đi rõ rệt do điện thoại luôn phải dò tìm các điện thoại khác mở kết nối Bluetooth xung quanh. Một loại virus ít phổ biến hơn có tên CommWarrior, được phát hiện tại Indonesia trong tháng 3 vừa qua, có thể lây lan thông qua các tin nhắn đa phương tiện MMS. Bị nhiễm virus này, khổ chủ sẽ phải trả cước cho những tin nhắn mà virus gửi tới các điện thoại khác.

“Dế” thông minh, mồi ngon của hacker ảnh 1

Người tiêu dùng các sản phẩm công nghệ ngày càng đối mặt với hiểm họa hacker.

Tại Việt Nam, tình trạng tấn công hay thả virus cũng bắt đầu xuất hiện từ thời điểm các dòng điện thoại thông minh phát triển. Thực tế đã xảy ra không ít vụ khách sử dụng các dòng điện thoại thông minh mà đơn cử là iPhone bị hack. Một hacker có nick là LK tấn công và đọc tin nhắn của một cô gái đang dùng iPhone truy cập vào Internet Wi-Fi làm xôn xao dư luận. Trên các diễn đàn tin học hiện nay cũng xuất hiện khá nhiều báo cáo kết quả đã thử nghiệm xâm nhập iPhone thành công từ các lỗ hổng.

Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena đã thử nghiệm tại một số tiệm cà phê Wi-Fi và kết quả là có thể xâm nhập vào những chiếc điện thoại iPhone đang vào mạng trong quán. Chủ nhân của những chiếc điện thoại iPhone mở tính năng Wi-Fi truy cập Internet không hề hay biết tất cả cuộc điện thoại, tin nhắn, danh bạ... của mình đều đã bị kiểm soát.

Dễ tấn công, ít bị chú ý

Các chuyên gia cho rằng virus tấn công điện thoại di động gây nguy hiểm hơn bởi điện thoại 3G sẽ có các ứng dụng giao dịch thanh toán tiền tệ.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Athena, cho biết mặc dù hacker di động chỉ nhen nhúm, điện thoại di động thông minh đa phần là doanh nhân sử dụng. Khi người dùng lưu trữ thông tin cá nhân trên đó như: mật khẩu mail, số thẻ tín dụng, mật khẩu các dịch vụ mạng xã hội... dễ trở thành đối tượng cho các tên tội phạm mạng.

Theo Tiến sĩ Võ Văn Khang, Trưởng ban Chứng thực số và Thương mại điện tử, cho biết mạng 2G tốc độ, đường truyền thấp cùng với tính năng hạn chế của máy đầu cuối nên việc hacker thực hiện các cuộc tấn công là gần như không thể. Nhưng với mạng 3G, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Thực chất thời gian qua có rất nhiều vụ tấn công, tuy nhiên đa phần người sử dụng di động không biết mình bị tấn công nên chưa có con số thống kê chính xác về mức thiệt hại.

Theo ông Ngô Trần , Giám đốc điều hành NTS nhà phân phối Kaspersky, cho biết thời gian qua, Kaspersky cũng đưa ra nhiều cảnh báo. Đơn cử như phần mềm gián điệp có thể theo dõi điện thoại và sao chép các cuộc gọi, văn bản được thực hiện trên điện thoại di động. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chỉ là cảnh báo vì theo dự đoán đến khoảng cuối năm nay, khi mà 3G được dùng nhiều và các dòng điện thoại thông minh phát triển số lượng lớn mới thực sự là hiểm họa.

Thực tế hiện nay, vẫn ít người quan tâm đến việc bảo mật trên di động dù đã xuất hiện khá nhiều trường hợp bị nghe lén và virus tấn công, ngay cả các mạng cung cấp hệ thống mạng 3G, cũng như iPhone cũng chưa dám mạnh miệng với chuyện bảo mật. Mới đây nhất, trên điện thoại di động iPhone xuất hiện một phần mềm độc hại mang tên Ikee. Tuy chưa gây ra thiệt hại nhưng loại sâu này có thể được chỉnh sửa để ăn cắp thông tin của người sử dụng.

Doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến bảo mật

Theo ông Nguyễn Tử Quảng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng, BKIS có sẵn sản phẩm phần mềm chống virus cho điện thoại di động. Hiện phần mềm này đang được chạy trong phòng thí nghiệm và khi thị trường có nhu cầu sẽ sẵn sàng cung cấp.

Còn theo thông tin từ MobiFone, mạng này dự kiến sẽ phát miễn phí phần mềm chống virus cho khách hàng 3G, căn cứ trên điểm khách hàng trung thành hay khuyến mãi theo từng gói dịch vụ. MobiFone đang nghiên cứu đến khả năng hợp tác với các nhà phân phối để cài sẵn các phần mềm chống virus, chống lấy cắp cơ sở dữ liệu cá nhân của khách hàng. Ngoài ra, MobiFone đang nghiên cứu để phát các thẻ chống virus cho khách hàng tự cài khi sử dụng các dịch vụ 3G.

Mới đây, đại diện Trung tâm Ứng cứu máy tính Việt Nam cũng khẳng định đơn vị này sẽ đưa ra quy trình để quản lý về mặt an toàn thông tin mạng và các nhà cung cấp dịch vụ di động 3G sẽ phải có trách nhiệm với dịch vụ và phải công bố chuẩn về an toàn thông tin của mình.

BÁ HUY

(*) Bluetooth là công nghệ để thay thế dây nối các thiết bị cá nhân trong một khu vực mạng cá nhân. Bluetooth sử dụng sóng radio, tần số không đăng ký 2,4 Ghz. Có khả năng kết nối cùng lúc bảy thiết bị khác nhau.

Đọc thêm