Dễ bị lừa vì điện thoại “hàng dựng”

Theo một số dân chơi điện thoại chuyên nghiệp, “hàng dựng” thực chất là những sản phẩm chính hãng sản xuất bị lỗi, hoặc các dòng hàng đã hết thời. Các cửa hàng mua lại linh kiện rồi tái chế như mới, sau đó bán cho khách hàng với giá như hàng xách tay.

Loạn giá bán

Ăn theo nhu cầu phát triển của thị trường, điện thoại hàng nhái, “hàng dựng” xuất hiện tràn ngập. Giá bán sản phẩm này cũng “trời ơi đất hỡi”, mỗi cửa hiệu mỗi giá khiến khách hàng chóng mặt.

Chỉ cần gõ từ khóa dòng điện thoại BlackBerry 9000 trên Google, người tiêu dùng lập tức nhận được năm mức giá bán khác nhau. Được giới thiệu cùng tính năng nhưng có nơi bán hơn 10 triệu đồng, có nơi bán 8,9 triệu đồng, thậm chí có cửa hàng còn rao bán 4,5 triệu đồng/máy và tất cả đều cam kết bảo hành và không bán hàng nhái!

Chúng tôi lần theo một địa chỉ rao bán iPhone chỉ với giá 4 triệu đồng trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú). Thế nhưng khác với lời quảng cáo trên mạng, những chiếc điện thoại mới được rao bán với giá khá cao. Riêng những chiếc iPhone giá 4 triệu đồng, sau một lúc dò hỏi, anh chủ tiệm mới chịu thừa nhận đây là hàng nhái làm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu người mua không có kinh nghiệm thì rất dễ bị mắc lừa vì được làm lại khá tinh vi. Còn tại một cửa tiệm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), chủ cửa tiệm bán BlackBerry đưa ra hai mức giá khác nhau: một là “hàng dựng” và một là hàng xách tay mới với mức giá chênh lệch 500.000-2 triệu đồng.

Theo một số dân chơi công nghệ, thị trường điện thoại cao cấp khá phức tạp. Do bị giả quá nhiều, dòng điện thoại BlackBerry giờ được phân ra ba loại hàng: hàng Viettel, hàng xách tay xịn và “hàng dựng”. Trong đó, những model BlackBerry “hàng dựng” lại là những model hot hàng nhất, đa dạng nhất khiến khách hàng rất khó lựa chọn.

Dễ bị lừa vì điện thoại “hàng dựng” ảnh 1

Chiếc iPhone nhái này rất khó phát hiện nếu nhìn từ bên ngoài.

Ngoài BlackBerry, dòng điện thoại được ưa thích là iPhone cũng không ngoại lệ. Đa phần là các máy hết đời, hoặc sản phẩm lỗi, sản phẩm cũ được dựng lại từ Trung Quốc và nhập qua Việt Nam. Dạo qua các trang web bán hàng online, nhiều cửa hàng, iPhone chính hãng giá hơn 10 triệu đồng được rao bán với giá từ 6,5 đến 7,5 triệu đồng, các phiên bản 4-16 GB.

Ôm hận vì “hàng dựng”

Ngoài số ít khách hàng may mắn mua được “hàng dựng” còn tốt, không ít khách hàng phải ôm hận. Anh MT, một tín đồ iPhone ở Sài Gòn, than thở anh ra một cửa hàng điện thoại trên đường Ba Tháng Hai, được chủ cửa hàng đưa ra một chiếc iPhone 3GS nguyên hộp và khẳng định hàng mới 100%. Rất cẩn thận, anh T. đưa cả laptop ra để thử up firmware. Kiểm tra serial thấy đều trùng khớp nên quyết định mua và được chủ cửa hàng cam kết bảo hành ba tháng. Thế nhưng sau ba tháng, chiếc máy liệt phím home dù xài rất kỹ lưỡng. Hết bảo hành nên anh T. mang ra cho một người bạn của mình chuyên sửa mặt hàng này để khắc phục. Rã chiếc máy ra, anh và người bạn tá hỏa khi phát hiện đây là một chiếc điện thoại “dựng”, main và camera đều bị thay thế!

Một trường hợp khác là anh Minh Hùng (quận 7) mua một chiếc BlackBerry 8800 ở một cửa tiệm trên đường Hùng Vương. Ban đầu máy chạy khá tốt, thế nhưng chỉ sau ba tháng, máy anh liên tiếp bị treo. Bực tức báo với cửa hàng thì chủ tiệm cho rằng đã hết hạn bảo hành và đổ thừa là do anh sử dụng ẩu. Nhờ một chủ tiệm tháo máy kiểm tra thì mới biết đây là “hàng dựng” vì main đã bị đóng lỗ và có nhiều mối hàn lạ.

Tiền nào của nấy

Theo anh VN, chủ cửa hàng Bách Khoa, sản phẩm “hàng dựng” xuất phát phần lớn từ Trung Quốc. Họ mua các main và linh kiện là hàng bị thải loại từ Mỹ và một số nước khác sau đó bán cho các thị trường khác, hoặc tự gia công thành sản phẩm mới. Thực chất, “hàng dựng” không phải là điện thoại nhái. Máy vẫn sử dụng bộ ruột với các trang bị về phần cứng bên trong của một model cũ. Nhưng vỏ ngoài do sử dụng lâu sẽ được thay hoặc mài lại giống như điện thoại mới.

Cũng theo anh VN, giá hàng dựng khá rẻ, đơn cử một chiếc BlackBerry 8320 dựng hoàn chỉnh có giá bán lẻ chỉ nhỉnh hơn 2 triệu đồng một chút. Khi hàng về Việt Nam, nếu chủ tiệm có lương tâm thì giá bán nhỉnh hơn 1-2 triệu đồng, còn không thì để như giá hàng xách tay chính hãng.

Theo bà Nguyễn Thu Hồng, phụ trách truyền thông VinaPhone, đơn vị phân phối iPhone, thực tế thị trường iPhone xuất hiện ngày càng nhiều hàng trôi nổi. Do nhu cầu giá cả mua hàng khác nhau, thị trường nhiều thành phần, ngay cả các nhà phân phối cũng không thể quản lý, can thiệp. Tốt nhất là khách hàng nên chọn những sản phẩm chính hãng có bảo hành và luôn đảm bảo chất lượng.

Cách phân biệt “hàng dựng”

Với iPhone “dựng”, người dùng có thể nhận biết qua lớp vỏ ngoài. Phần lớn lớp vỏ ngoài có màu đậm, nhám và không có độ bóng, hình quả táo phía sau lõm xuống chứ không ép sát như iPhone nguyên bản. Một trường hợp khác là pin mau hết, không kết nối đồng bộ được với phần mềm. Máy “hàng dựng” rất dễ chết khi cập nhật firmware. Còn với các sản phẩm BlackBerry, người dùng cần kiểm tra thật kỹ vỏ, sơn, tem. Vỏ của máy xịn thường đóng khít, không ọp ẹp so với các loại vỏ chế. Đặc biệt là hệ thống nút bấm, bi lăn “hàng dựng” không thể nhạy hơn hàng thật.

NHƯ VŨ

Đọc thêm