Đầu tư máy chiếu cho phòng giải trí gia đình

Trong khi giải pháp mua màn hình TV kích thước lớn 84 inch hiện nay ít nhất cũng phải đến hàng trăm triệu đồng, việc lựa chọn đầu tư máy chiếu và màn chiếu chỉ tốn khoảng hơn 20 triệu đồng cho các model phổ thông với kích thước màn ảnh tối đa lên đến 100 inch, lớn hơn rất nhiều so với kích thước TV 40 inch phổ biến hiện nay.

Máy chiếu giải trí gia đình

Trong những năm gần đây, một số hãng sản xuất máy chiếu đã thiết kế lại một số model sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp của họ thành máy chiếu dành cho mục đích giải trí gia đình. Bạn có thể nhận dạng các mẫu máy chiếu giải trí gia đình nhờ độ tương phản cao hơn và tỉ lệ trình chiếu màn ảnh rộng mặc định 16:9.

Trong vô số tính năng cần cân nhắc khi chọn mua máy chiếu, loại cổng kết nối có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà bạn cần quan tâm, nhất là khi có ý định treo máy lên trần hay tường. Đó có thể là lý do mà bạn cần phải sử dụng cáp HDMI dài hơn để kết nối máy chiếu với đầu AV Receiver.

Đầu tư máy chiếu cho phòng giải trí gia đình ảnh 1

Màn chiếu ngày nay thường được chọn để trình chiếu trong phòng giải trí gia đình thay cho TV kích thước lớn.

Hiện nay máy chiếu có 3 công nghệ phổ biến là 3LCD (Liquid-Crystal Display), DLP (Digital Light Processing) và LCoS (Liquid-Crystal on Silicon), trong đó, 2 loại công nghệ đầu được sử dụng phổ biến nhất còn loại công nghệ LCoS thường chỉ được một số ít hãng sản xuất máy chiếu sử dụng chẳng hạn như công nghệ SXRD của Sony hay D-ILA của JVC.

Về chất lượng hình ảnh, máy chiếu công nghệ D-ILA nổi tiếng về độ tương phản mặc định cực cao giúp tái tạo màu đen rất sâu. Trong khi đó, công nghệ SXRD lại đứng thứ hai về hiệu năng so với công nghệ 3LCD, còn DLP lại thấp nhất. Nhưng về khả năng trình chiếu 3D thì cả 3LCD và DLP đều có thể cho ra hình ảnh độ sáng cao hơn so với LCoS.

Thay vì sử dụng một chip xử lý hình ảnh cho mỗi màu RGB chính như công nghệ máy chiếu 3LCD, D-ILA và SXRD, hầu hết các phiên bản DLP chỉ sử dụng duy nhất một chip cùng với một bánh xe quay lọc màu. Tuy nhiên, hầu hết máy chiếu DLP chip đơn thỉnh thoảng xảy ra hiện tượng “cầu vồng” khi trình chiếu, vốn là hiện tượng khi các vật thể sáng (nhất là trên một hậu cảnh tối) xuất hiện các vệt ánh sáng với các màu khác nhau như đỏ, xanh lục và xanh dương. Trong khi đó, các loại máy chiếu dùng 3 chip như LCD, LCoS và các model DLP cao cấp thường không có hiện tượng cầu vồng.

Máy chiếu cự ly ngắn (short-throw) có thể cung cấp kích thước màn ảnh lớn hơn từ một khoảng cách gần hơn so với các loại máy chiếu thông thường. Khi đó, chức năng zoom trên ống kính tích hợp sẽ giúp xác định kích thước màn hình. Chẳng hạn, một model máy chiếu cự ly ngắn với khả năng zoom 2,1x có thể cung cấp màn ảnh 100 inch từ khoảng cách 3 mét. Đây là một yếu tố rất quan trọng cần cân nhắc đối với những người dùng có phòng chiếu kích thước nhỏ.

Do thiết kế phòng chiếu nên không phải lúc nào bạn cũng có thể bố trí máy chiếu trực diện ngay giữa màn chiếu mà đôi khi phải đặt hơi xéo. Lúc đó, máy chiếu có tính năng Lens Shift và Keystone Correction sẽ rất hữu ích, cho phép người dùng có thể điều chỉnh ống kính của máy vào giữa và hạn chế tình trạng méo hình.

Lens Shift là một tính năng phổ biến đối với hầu hết các loại máy chiếu. Tính năng này giúp di chuyển ống kính trong máy theo chiều dọc và chiều ngang về mặt vật lý. Còn tính năng Keystone Correction chỉ giúp xử lý hình ảnh về mặt kỹ thuật số và có thể gây ra hiện tượng làm mất chi tiết.

Màn chiếu

Một màn chiếu chất lượng cao thường có tuổi thọ lâu hơn hầu hết các loại máy chiếu. Do đó, bạn nên chọn mua loại màn chiếu tốt dù một số model màn chiếu cao cấp có giá tương đương với máy chiếu.

Bạn có thể lựa chọn giữa màn chiếu cố định hay loại có thể kéo lên xuống. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm. Lợi ích chính của loại màn chiếu kéo là có thể thu gọn lên trần khi không sử dụng. Tuy nhiên, các nếp gấp có thể xuất hiện trên màn sau một thời gian sử dụng và làm ảnh hưởng chất lượng hình ảnh trình chiếu. Một số loại màn chiếu kéo cao cấp còn được trang bị motor cũng như khả năng làm căng bề mặt màn chiếu.

Đầu tư máy chiếu cho phòng giải trí gia đình ảnh 2

Loại màn chiếu kéo lên xuống có thể thu gọn khi không sử dụng, đồng thời tránh bụi bặm và mốc ẩm.

Trong khi đó, loại màn chiếu cố định thường được làm từ vật liệu có tính co giãn giúp đảm bảo bề mặt luôn bằng phẳng và không hề nhăn. Hơn nữa, đường biên của loại màn chiếu cố định còn được bọc bằng loại vải đặc biệt để hấp thụ ánh sáng tràn ra khỏi màn hình. Nhưng do loại màn chiếu này không thu gọn lại nên bạn sẽ dành toàn bộ một diện tích tường để bố trí nó. Bên cạnh tình trạng tích tụ bụi, nấm mốc có thể xuất hiện trên màn chiếu do bề mặt tiếp xúc với hơi ẩm quá lớn.

Về tỉ lệ trình chiếu, màn chiếu ngày nay có phiên bản màn ảnh rộng (widescreen) và phiên bản màn ảnh rạp hát (cinemascope). Khi trình chiếu bằng màn chiếu widescreen với hầu hết các đầu phim phổ biến hiện nay, luôn có hiện tượng thanh đen phía trên và dưới màn hình. Các hãng sản xuất cũng đã giới thiệu một hệ thống mặt nạ điện tử để che các thanh đen này nhưng chúng thường khá tốn kém.

Màn chiếu cinemascope thường có tỉ lệ trình chiếu tương đương với màn chiếu trong các rạp chiếu phim. Điều này có nghĩa là bạn sẽ xem được hình ảnh đầy đủ kích thước mà không xuất hiện thanh đen như màn chiếu widescreen. Nhưng hầu hết máy chiếu sử dụng với màn chiếu này đòi hỏi phải được trang bị ống kính Anamorphic gắn ngoài đắt tiền để “kéo giãn” hình ảnh. Dù vậy, một số model máy chiếu đời mới có sẵn ống kính chức năng có thể thực hiện việc chuyển đổi này.

Một xu hướng đang phổ biến hiện nay mà “dân chơi” trong giới nghe nhìn đang ưa chuộng là màn hình cinemascope dạng cong, được thiết kế để giảm thiểu sự biến dạng có thể dẫn đến tình trạng hình ảnh đồng hồ cát không tự nhiên.

Đầu tư máy chiếu cho phòng giải trí gia đình ảnh 3

Màn chiếu cinemascope dạng cong mang lại trải nghiệm ấn tượng.

Trước đây, màn chiếu màu xám thường được sử dụng phổ biến để nâng cao mức độ đen cho máy chiếu. Với những tiến bộ gần đây trong công nghệ và máy chiếu với độ tương phản cao, màn chiếu màu trắng với độ trung tính thay vào đó hiện được dùng nhiều hơn.

Trong các trường hợp để mang lại hình ảnh sáng hơn cho máy chiếu 3D, màn chiếu làm bằng bạc và hạt thủy tinh thường được dùng. Tuy nhiên, loại màn chiếu này sẽ làm giảm góc nhìn và có độ sáng không đồng đều.

Nhìn chung, nếu tính luôn cả chi phí màn chiếu thì giải pháp sử dụng máy chiếu cho phòng giải trí gia đình vẫn là cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, lưu ý là máy chiếu sẽ mất thời gian khởi động lâu hơn và không tích hợp bộ dò đài như TV. Điều quan trọng hơn là bạn phải thiết kế phòng chiếu càng ít ánh sáng càng tốt khi sử dụng máy chiếu cho phòng nghe nhìn để đảm bảo chất lượng hình ảnh tối ưu.

Theo Huy Thắng (VNE)

Đọc thêm