Cuộc đấu khẩu không hồi kết của người yêu - ghét Apple

Cuộc đấu khẩu không hồi kết của người yêu - ghét Apple ảnh 1

Ảnh: CNet.

Các sự kiện do Apple tổ chức được chờ đón trước cả tháng với hàng loạt tin đồn rằng hãng này sẽ công bố một sản phẩm đột phá nào đó như là iPhone với chip lõi kép, MacBook Pro giá rẻ... Báo chí cùng các diễn đàn, blog đua nhau tường thuật trực tiếp còn người dùng không ở Mỹ cũng thức trắng đêm lắng nghe bài phát biểu của Giám đốc điều hành Steve Jobs và hồi hộp đón "điều kỳ diệu" mà ông mang lại.

Ngày ra mắt, hàng dài người hâm mộ kiên trì đứng trong giá lạnh chỉ để trở thành người đầu tiên sở hữu thiết bị và sau đó, các trang web sẽ tràn ngập hình ảnh vui mừng, phấn khích của iFan (người yêu sản phẩm Apple). Nếu là một hãng khác thì người ta sẽ lập tức quy kết rằng đó chỉ là một chiêu PR bởi "làm gì có ai xếp hàng mua điện thoại của Nokia hay HTC?" hay "Bạn có thể thích laptop Toshiba nhưng hẳn chưa bao giờ nghe thấy 'hội fan cuồng' Toshiba cả".

Các bài viết liên quan đến Apple cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt bởi iFan luôn có lý lẽ để giải thích cho những thiếu hụt trong sản phẩm. Cạnh viền của iPad quá thô và to? Không hề gì, Apple thiết kế như vậy để người sử dụng không chạm tay vào màn hình. Tại sao tỷ lệ màn hình iPad là 4:3 thay vì 16:9? Vì thiết bị được sử dụng để đọc sách, duyệt web hơn là xem phim. iPhone không có Flash? Chuyện nhỏ, vì YouTube đã có ứng dụng riêng trên điện thoại và nhiều trang web cũng xây dựng video với định dạng phù hợp cho iPhone...

Nói một cách công bằng, nhiều người yêu sản phẩm Apple vẫn có cái nhìn khách quan. Tuy vậy, không ít fan tỏ ra quá đà với các bình luận "ồn ào" kiểu "Apple vô đối", "Thua xa iPhone", "Đã xài Mac, miễn bàn về bà già Windows"... nhưng lại không lý giải rõ ràng khiến người khác có cái nhìn thiếu thiện cảm và làm nổ ra các cuộc tranh cãi bất tận.

Độc giả duahaudo phải thốt lên: "Sức hút của Apple lớn thật, mỗi lần có bài là có người nhảy vào bình luận ngay" hay độc giả Nam Nguyễn cho biết thú vui của anh là... đọc các bình luận trên báo chí liên quan đến Apple vì mỗi khi thấy bài viết về hãng này, anh đã đoán ngay sẽ có nhiều comment của cả người yêu và ghét "Quả táo".

Câu hỏi đặt ra là vì sao quá nhiều người yêu Apple và cũng không ít người ghét sản phẩm của hãng này? Giáo sư Semir Zeki thuộc Đại học London (Anh) cho biết câu trả lời cũng giống như khi nói về tình yêu nam nữ. Khi yêu, người ta tỏ ra mù quáng nhưng lại rất "tỉnh táo" nếu không ưa ai đó. Bạn không thể giải thích vì sao cô gái/chàng trai đó quyến rũ trái tim bạn. Nhưng nếu hỏi tại sao bạn ghét, bạn có thể liệt kê hàng chục lý do.

Tương tự, nhiều người thừa nhận thật khó để diễn đạt thành lời, nhưng sản phẩm của Apple có sức hút kỳ lạ mà một khi đã dùng thì họ không muốn chuyển sang sản phẩm của hãng khác nữa. Trong khi đó, người ghét Apple lại có thể phân tích rành mạch nguyên nhân Apple chẳng có gì đáng tôn thờ, như hãng này bán thiết bị với giá cao ngất ngưởng, cấu hình tầm thường, thiếu hụt tính năng, kiểu kinh doanh bảo thủ và độc quyền: Apple tự phát triển phần mềm nhưng không bán mà cho ra đời các sản phẩm tích hợp chúng.... Một số độc giả của lại đưa ra lý do đơn giản hơn: "Ghét Apple vì có quá nhiều người thích Apple".

Sức hút của Apple một phần còn nhờ đến "thầy phù thủy" Steve Jobs. Hãng này nổi tiếng với những sản phẩm ấn tượng về phần cứng lẫn phần mềm nhưng chúng trở thành cơn sốt có công lớn của Jobs. Người ta cảm nhận được điều đó từ cách đây nhiều năm khi Apple sa thải ông (năm 1985). Thiếu vắng hình ảnh ông, công ty càng ngày càng tụt dốc, mờ nhạt trong lòng công chúng và có lúc tưởng chừng đã phá sản. Sự trở lại của Jobs năm 1997 đã góp phần biến Apple thành "thánh địa Mecca của công nghệ".

Ngày 7/6, sự kiện WWDC sẽ diễn ra tại San Francisco (Mỹ), nơi Apple được cho là sẽ công bố iPhone thế hệ thứ tư và tiếp tục tạo nên những tranh cãi mới của người sử dụng.

Theo Châu An (VNE)

Đọc thêm