Chụp RAW thay vì JPG

Chụp RAW thay vì JPG ảnh 1 

Sắp xếp dạng Bayer pattern trên cảm biến máy ảnh. Mỗi điểm ảnh sẽ bắt hoặc màu đỏ, hoặc lục, hoặc lam. Ảnh: DxO Labs.

Rất nhiều người khi mới chụp ảnh luôn luôn chụp bằng định dạng JPG. Định dạng này là một chuẩn nén vốn đã có từ lâu với chất lượng cũng đã được khẳng định. Tuy nhiên, khi tính đến việc phải xử lý ảnh hậu kỳ, định dạng RAW sẽ có vị trí ưu việt hơn hẳn dù dung lượng một ảnh có khi lớn gấp nhiều lần định dạng JPG.

Chính vì vậy, đối với những sự kiện bình thường cần chia sẻ ảnh nhanh hay cần không gian lưu trữ cho thẻ nhớ, JPG là lựa chọn tối ưu. Nhưng với những sự kiện quan trọng như chụp ảnh cưới, nên chọn định dạng RAW hoặc để ở chế độ một khung cảnh hai định dạng (RAW + JPG) mà hầu hết các máy DSLR trung cấp trở lên đều hỗ trợ. Ngoài việc có thể khắc phục một phần tùy chỉnh gốc, định dạng RAW còn ưu việt hơn do theo thời gian, khi phần mềm xử lý ảnh ngày càng được cải tiến, chất lượng xử lý ảnh RAW sang ảnh thường cũng theo đó mà được cải thiện hơn.

Tìm hiểu về ảnh RAW

Cảm biến là một lưới điểm ảnh có khả năng bắt sáng từ một khung cảnh. Máy ảnh sẽ đọc hình ảnh được bắt này và xử lý để cho ra một hình ảnh ở định dạng JPG. Ngược lại, ảnh RAW là ảnh nguyên gốc mà cảm biến bắt sáng và không qua xử lý. Tuy nhiên, không có một chuẩn thống nhất cho định dạng RAW. Mỗi hãng máy ảnh đều có định dạng RAW của riêng mình, không ai giống ai dù rằng đôi lúc chúng cũng tương tự nhau.

Không chỉ có máy ảnh có thể xử lý ảnh nguyên gốc để tạo ra ảnh JPG, hiện các phần mềm biên tập ảnh hậu kỳ như Photoshop, Lightroom (Adobe), Aperture (Apple), Optics Pro (DxO Lab), Capture One (Phase One) đều đã hỗ trợ xử lý ảnh RAW khá hoàn hảo.

Do sự đa dạng của các định dạng RAW mà phần mềm này luôn được cập nhật để hỗ trợ tốt nhất định dạng RAW từ các máy ảnh mới nhất, bởi RAW ngày nay không chỉ có trên các thế hệ DSLR mà còn trên những dòng máy du lịch cao cấp như LX3 và GF1 của Panasonic, S90 và G11 của Canon hay E-P1 và E-P2 của Olympus.

Chụp RAW thay vì JPG ảnh 2 

Hình này minh họa giữa ảnh nguyên thủy trên cảm biến và ảnh đã được xử lý demosaic. Ảnh: DxO Labs.

Định dạng RAW khác JPG ở khá nhiều tiêu chí, trong đó một số tiêu chí quan trọng:

Mỗi một điểm ảnh nhìn thấy trên màn hình máy tính đều là sự pha trộn của ba màu cơ bản đỏ, lục, lam. Tuy nhiên, ở hầu hết các cảm biến máy ảnh, mỗi điểm ảnh chỉ bắt một trong 3 màu cơ bản, hoặc đỏ, hoặc lục, hoặc lam và việc bố trí mạng lưới các điểm ảnh một màu này trên toàn bộ cảm biến gọi là Bayer pattern. Sau khi bắt sáng hình ảnh, mỗi điểm ảnh bắt một màu này sẽ được máy ảnh xử lý dựa trên nội suy (gọi là quá trình demosaic) sao cho ở bức ảnh cuối, mỗi điểm ảnh lại sẽ là sự hòa trộn của 3 màu cơ bản thay vì một màu như nguyên thủy.

Một điểm khác biệt nữa là cân bằng trắng. Không giống như máy phim, máy ảnh số tự động đánh giá xem hình ảnh được chụp đang ở trong điều kiện ánh sáng nào, thiên vàng, như dưới đèn sợi đốt hay thiên xanh dưới ánh huỳnh quang, hay chụp dưới ánh sáng mặt trời… để từ đó xử lý màu sắc tương ứng sao cho màu trắng trong các điều kiện sáng khác nhau luôn là màu trắng chứ không bị ngả sang màu khác. Ở định dạng JPG, quá trình tự động căn chỉnh cân bằng trắng bị gắn chết vào file ảnh cuối và không thay đổi được, trong khi ở định dạng RAW thì cân bằng trắng chỉ được gắn tạm thời và có thể thay đổi khi xử lý ảnh sau này.

Cuối cùng, mỗi màu trên định dạng JPG được lưu với giá trị 8-bit, nghĩa là chỉ có 256 dải màu từ tối nhất đến sáng nhất của các màu cơ bản đỏ, lục, lam. Còn đối với RAW, hầu hết các máy ảnh ngày nay đều hỗ trợ lưu ở 12 tới 14-bit, có nghĩa là dải màu tương ưng sẽ tăng lên tới 4.096 hoặc 8.192 mức khác nhau.

Chụp RAW có lợi gì?

Cần phải nói rằng ảnh RAW sẽ có dung lượng lớn hơn nhiều so với JPG, vì thế, khó có thể lấy định dạng này để chia sẻ trên mạng nếu như không tiến hành chỉnh sửa bằng phần mềm. Bù lại, định dạng này sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn nếu biết xử lý hậu kỳ. Dưới đây là một số ưu thế mà định dạng RAW mang lại.

Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vốn đã có nhiều kinh nghiệm nên ảnh họ chụp luôn đủ sáng và đẹp. Nhưng hầu hết những người chụp ảnh bán chuyên vẫn bị tình trạng chụp hoặc quá sáng hoặc quá tối. Một lợi thế chính của RAW là khả năng chỉnh sửa phơi sáng rất linh động, bạn có thể gia giảm để ảnh trở về đúng sáng nhất.

Kể cả bức ảnh bạn chụp có không bị lỗi về ánh sáng thì ảnh RAW vẫn ưu thế hơn, bởi lẽ nó cho phép chỉnh sửa lại những chi tiết bị lu mờ ở những vùng sáng hoặc vùng tối. Thêm vào đó, chất lượng ảnh cũng sẽ ít bị suy giảm hơn nhờ vào độ sâu màu của RAW cao hơn.

Hiệu chỉnh lại cân bằng trắng cũng là một tính năng thú vị nữa. Nếu như ảnh bạn chụp có không đúng cân bằng trắng khiến cho vùng da mặt bị ngả vàng theo ánh đèn hay ánh xanh dưới bóng cây thì với các phần mềm xử lý ảnh hỗ trợ RAW, các sai sót màu sắc này có thể hiệu chỉnh lại dễ dàng hơn.

Về nhiễu, mỗi máy ảnh đều cho phép điều chỉnh mức giảm nhiễu cụ thể, nhưng với sức mạnh xử lý của máy tính hiện nay, giảm nhiễu bằng phần mềm với ảnh RAW đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với mức độ khử nhiễu trên máy ảnh vốn đã bị gắn chết vào định dạng JPG ở file ảnh cuối.

Khi chụp ảnh, bức ảnh sẽ được chíp xử lý hình ảnh bên trong máy xử lý các thông số để xuất ảnh dưới định dạng JPG. Mặc dù các thế hệ xử lý hình ảnh trên máy ảnh cũng được nâng cấp thường xuyên, nhưng quá trình xử lý này bị tùy thuộc cố định vào mỗi thế hệ xử lý trên máy ảnh cụ thể.

Trong khi đó, nếu bạn chụp ảnh RAW và lưu để chỉnh sửa hậu kỳ bằng phần mềm, không những bạn tận dụng được năng lực xử lý vượt trội của máy tính (cả phần cứng lẫn phần mềm), mà các giải thuật chuyển đổi định dạng còn được cập nhật thường xuyên với mỗi phiên bản nâng cấp. Như giám đốc sản phẩm của Adobe phát biểu về phần mềm xử lý ảnh Lightroom, với ảnh RAW lưu trữ, bạn hoàn toàn có thể mở lại bất kỳ lúc nào để xử lý lại cho tốt hơn mỗi khi công nghệ và giải thuật trong các phần mềm xử lý ảnh được cải tiến thêm một bậc.

Chụp RAW thay vì JPG ảnh 3 

Bên trái là ảnh phóng 100% của định dạng JPG với tùy chỉnh giảm nhiễu mặc định, được chụp bằng máy Canon 5D Mark II với ISO 25,600. Bên phải vẫn là ảnh đó nhưng được xử lý giảm nhiễu bằng phần mềm DxO Optics Pro 6. Ảnh: Stephen Shankland.

Chụp RAW thay vì JPG ảnh 4

Adobe đã cải tiến lại tính năng giảm nhiễu ảnh RAW trên phần mềm Lightroom của mình. Ảnh trái là chế độ giảm nhiễu trên phần mềm Lightroom 2.5, còn ảnh phải là chế độ giảm nhiễu trên phiên bản beta của phần mềm Lightroom 3 với giải thuật giảm nhiễu không chỉ sáng tối mà còn cả màu sắc. Ảnh: Stephen Shankland.

Các phần mềm xử lý ảnh kiểu như DxO Optics Pro 6 ra mắt trong tháng 11 vừa rồi hay Lightroom 3 hồi tháng 10 đều được thiết kế để trích xuất ảnh từ RAW đạt chất lượng cao hơn. DxO cho biết phần mềm mới của hãng đã cải tiến tính năng giảm nhiễu tới một f-stop, nghĩa là với những bức ảnh ở ISO 800 với chất lượng vẫn chấp nhận được thì giờ đây bạn có thể tăng lên ISO 1600 mà kết quả vẫn tương đương.

Giảm nhiễu vốn là một vấn đề khá phức tạp. Ngoài việc loại bỏ sự khác biệt sáng tối và màu sắc giữa các điểm ảnh, các nhiễu tần số thấp hơn còn tạo ra các vệt chấm màu đủ hoặc lục tràn sang các điểm ảnh khác. Phần mềm xử lý giảm nhiễu tốt sẽ duy trì được màu sắc và chi tiết nguyên bản thay vì để cho hình ảnh trở thành hỗn độn các điểm màu sắc vốn sẽ bị lộ khi được phóng to ra.

Ảnh RAW cho mọi người?

Không phải RAW là dành cho tất cả mọi người, nhưng rõ ràng càng ngày càng có nhiều người sử dụng.

Các phần mềm ngày nay đã giải quyết phần nào những khó khăn mà định dạng RAW mang lại. Cả Aperture và Lightroom đều đã có khả năng xử lý ảnh RAW theo loạt với số lượng lớn dù rằng vẫn còn cần nhiều cải tiến hơn. Hệ điều hành Windows cũng sẽ sớm theo hướng hỗ trợ hiển thị ảnh thumnail RAW giống như với JPG thay vì chỉ hiển thị một file với cái tên và đuôi vô nghĩa.

Kể cả vấn đề định dạng RAW chiếm nhiều dung luợng thẻ hay ổ cứng thì giờ cũng đã bắt đầu được giải quyết. Ổ cứng thì ngày càng rẻ, dung lượng 1,5 TB giờ có giá dưới 100 USD, còn thẻ SD 8G giờ giá cũng chỉ khoảng 20 USD.

Chờ đợi chuẩn hóa

Giờ chỉ còn một vấn đề lớn là làm sao chuẩn hóa được định dạng RAW. Với sự đa dạng về định dạng RAW của các hãng máy ảnh như hiện nay, cả hệ điều hành và các phần mềm biên tập ảnh luôn gặp khó khăn về sự tương thích. Mặc dù Adobe đã nỗ lực gom lại trong một chuẩn chung Digital Negative (DNG) của mình nhưng các hãng khác ai cũng muốn đăng ký định dạng của mình làm tiêu chuẩn với Tổ chức tiêu chuẩn thế giới (ISO).

Pentax là công ty ủng hộ nhất kế hoạch hỗ trợ file DNG trong các máy ảnh của mình, nhưng những tên tuổi DSLR đầu bảng như Canon và Nikon vẫn đứng ngoài cuộc.

Mặc dù vậy, quá trình tiến tới sự chuẩn hóa ảnh RAW cuối cùng cũng sẽ tới đích. Dù các quy trình xử lý ảnh RAW chưa đủ độ đơn giản để cho định dạng này trở nên thông dụng hơn trong cộng đồng chụp ảnh, nhất là các tay máy amateur, nhưng xu hướng này đang tiếp tục thay đổi.

Theo Cnet, với điều kiện ngày càng thuận lợi như hiện nay, tối thiểu hãy nghĩ tới việc chụp ảnh RAW kèm với JPG. Có thể bây giờ bạn không muốn đụng tới file RAW nhưng biết đâu trong tương lai bạn sẽ cảm thấy hối tiếc khi không có sẵn. Tại sao phải bỏ định dạng RAW nếu như có thêm nó cũng chẳng mất gì.

Theo Nguyễn Hà (Sohoa) 

Đọc thêm