Chọn máy ảnh số theo nhu cầu

Tết đến cũng là lúc nhu cầu mua sắm đồ điện tử và công nghệ tăng cao, nhưng để lựa chọn được món đồ ưng ý thì không phải việc đơn giản. Thông thường người tiêu dùng chỉ lựa chọn theo cảm tính.

Dưới đây là một phương pháp giúp việc lựa chọn được dể dàng và khoa học. Phương pháp này có thể áp dụng cho mọi mặt hàng. Máy ảnh chỉ là một ví dụ.

Ý tưởng khái quát của phương pháp này là liệt kê các tiêu chí cần so sánh, cho điểm từng máy trên các tiêu chí, tính tổng điểm số từng máy, máy nào nhiều điểm nhất chính là máy phù hợp với túi tiền và nhu cầu của bạn nhất.

Chọn máy ảnh số theo nhu cầu ảnh 1

Chọn máy ảnh số. Ảnh: Widbox.

1. Liệt kê các tiêu chí quan tâm.

Liệt kê ra các tiêu chí mà bạn quan tâm. Đối với máy ảnh đó có thể là số lượng điểm ảnh, zoom, khả năng quay film, hãng sản xuất, cân nặng, kích thước và giá cả… Số lượng tiêu chí càng nhiều thì kết quả sau khi so sánh càng chính xác.

2. Nhập thông số đầu vào.

Bạn cần nhập thông số đầu vào cho các tiêu chí này. Đa phần các thông số này có thể được tìm thấy từ mô tả của nhà sản xuất. Một số tiêu chí sẽ do cảm nhận chủ quan của bạn.

Ví dụ bảng so sánh thông số các máy.

3. Thiết lập thang điểm

Tuy đã có thông số đầu vào nhưng đây chỉ là thông số, chưa phải điểm

số. Không thể cộng các thông số này lại được vì chúng khác đơn vị. Cần phải đưa các thông số này về cùng một thang điểm. Có thể chọn thang điểm 10.

Lưu ý khi đưa các thông số về cùng một thang điểm, cần phải đảm bảo điểm số phản ánh đúng sự chênh lệch về thông số giữa các máy. Ví dụ, máy A zoom 3X, máy B zoom 12X tức gấp 4 lần máy A. Nếu cho rằng máy B được 10 điểm ở tiêu chí Zoom thì điểm số của máy A sẽ là 2.5. Ngoài ra còn có một số biến đổi đối với những tiêu chí đặc biệt. Ví dụ, với khả năng quay video, việc cho điểm sẽ hơi cảm tính nhưng phải vẫn đảm bảo nguyên tắc điểm số phản ánh đúng tương quan về thông số giữa các máy với nhau. Nếu có 4 máy với khả năng quay video lần lượt là:

· Máy A: VGA

· Máy B: HD 720, 24 fps

· Máy C: HD 1080, 24 fps

· Máy D: HD 1080, 30 fps

Thì điểm số có thể là: D 10 điểm, C 9 điểm vì cùng quay đc HD 1080 nhưng có số khung hình/giây thấp hơn một ít, B: 7 điểm vì chỉ quay được HD 720 và A 5 điểm vì chỉ quay ở độ phân giải VGA.

Đối với giá cả, điểm số sẽ ngược lại. Nếu có 4 máy với giá cả lần lượt là:

· Máy A: 2 triệu

· Máy B: 6 triệu

· Máy C: 10 triệu

· Máy D: 14 triệu

Thì điểm số các máy là: Máy A 10 điểm vì rẻ nhất. Máy B mắc gấp 3 lần máy A nên điểm số chỉ bằng một phần ba máy A tức 3,3 điểm. Máy C gấp 5 lần máy A nên chỉ được điểm số bằng một phần năm tức 2 điểm. Máy D chỉ được một phần bày máy A tức 1,4 điểm.

Ví dụ về các thông số sau khi được đưa về thang điểm 10.

STT Tên máy Zoom Độ phân giải Quay Video Giá (triệu) Tổng
1 A 6,92 5,71 5.00 10,00 27,64
2 B 3,85 8,57 9.00 6,67 28,08
3 C 10,00 7,14 7.00 3,33 27,48
4 D 4,62 10,00 10.00 2,86 27,47

Sau khi đã đưa các tiêu chí và thông số về cùng một thang điểm. Bạn đã có một bản so sánh tương quan giữa các máy khá tốt. Có thể tính tổng điểm từng máy để biết máy nào cho giá trị tối ưu. Đó chính là chiếc nên mua.

4. Thiết lập hệ số nhu cầu

Đúng ra có thể dừng lại ở bước số 3 nhưng phần này sẽ rất hữu ích nếu bạn muốn sự lựa chọn của mình chính xác hơn nữa. Bước này cũng giúp có một bảng so sánh có thể dùng lại sau này.

Ở bước một đã liệt kê ra các tiêu chí mà bạn quan tâm. Tuy nhiên, không phải tiêu chí nào cũng được quan tâm với một mức độ như nhau, vì vậy, việc đưa các tiêu chí về cùng một thang điểm chưa phản ánh được trọn vẹn sự chênh lệch giữa các nhu cầu. Để phản ánh trọn vẹn vấn đề, phải thêm [hệ số nhu cầu] cho từng tiêu chí. Như vậy điểm số cuối cùng chính là điểm số ở bước 3 nhân với [hệ số nhu cầu].

Bảng thiết lập hệ số nhu cầu.

Thông thường, có thể chọn hệ số nhu cầu theo thang 10. Các tiêu chí có hệ số 10 là các tiêu chí cực kỳ quan trọng, các hệ số thấp hơn thể hiện sự ít quan tâm của bạn hơn dành cho tiêu chí đó. Đối với các tiêu chí hoàn toàn không quan tâm, hãy đặt [hệ số nhu cầu] bằng 0.

Nếu lập bảng so sánh trên bảng tính. Khi thay đổi hệ số nhu cầu, điểm số sẽ thay đổi theo và bạn sẽ thấy rõ khi nhu cầu thay đổi thì máy nào sẽ trở thành máy thích hợp với nhất.

Bảng so sánh này còn có thể mở rộng khi thêm các tiêu chí. Nó không chỉ giúp ích khi mua máy ảnh mà có thể giúp trong hầu hết các quyết định mua sắm.

Theo Lê Hoàng Vũ (Sohoa)

Đọc thêm