"Chơi" tai nghe cao cấp

"Chơi" tai nghe cao cấp ảnh 1

Thị trường còn manh mún

Anh Nguyễn Công Tuấn, phụ trách cửa hàng tai nghe MarioShop, đơn vị phân phối sản phẩm SoundMagic tại Việt Nam cho biết, thị trường nhạc số bắt đầu khi Apple ra mắt sản phẩm iPod vào đầu thế kỷ 21 và được du nhập vào Việt Nam qua các du học sinh với số lượng ít.

Thời điểm đó, tai nghe không được chú trọng lắm và người dùng chủ yếu dùng các loại tai nghe đi kèm theo máy. Bước chuyển biến cách đây khoảng 3,4 năm, khi những sản phẩm in-ear như Creative EP630, Sony MDR-EX51, Sony MDR-EX71, Sennheiser 300… được nhập về qua con đường xách tay. Từ khi đó, nhu cầu nghe nhạc cách âm trong những môi trường ồn ào ngày càng phổ biến nên những loại tai nghe này bắt đầu được người dùng ưa chuộng và sử dụng nhiều hơn.

“Đây có thể coi như bước khởi nguồn của thú chơi tai nghe ở Việt Nam”, Tuấn cho biết thêm. Những sản phẩm này có mức giá khá cao từ 50USD cho đến 100USD, do đó thị trường tai nghe thời gian đó chủ yếu là tai nghe fake (hàng giả, nhái) với giá rẻ chỉ khoảng bằng 1/3 so với hàng chính hãng.

2 năm trở lại đây, trào lưu chơi tai nghe cao cấp xuất hiện rõ ràng hơn khi KoolAudio phân phối Crossroad, Koss, MarioShop phân phối SoundMagic, Svhouse phân phối Sennheiser… với những sản phẩm mức giá rẻ, thiết kế tốt, mẫu mã đa dạng phù hợp với nhu cầu của người Việt Nam. Đến lúc này, thị trường chơi tai nghe cao cấp mới thực sự bùng nổ.

Tuy nhiên, thị trường tai nghe hiện nay còn khá manh mún và chưa định hình được rõ. Người chơi số lượng còn nhỏ lẻ trên một số diễn đàn như vozforums, tinhte, handheld và chưa có một cộng đồng chuyên nghiệp về tai nghe. “Nhu cầu người chơi rất lớn nhưng hiện nay chưa có một diễn đàn nào quy củ chuyên về tai nghe”, Tuấn nhấn mạnh.

Theo anh Trần Bá Sơn, Giám đốc Công ty SVHouse, đơn vị phân phối Sennheiser tại Việt Nam, đối với những âm thanh như tiếng gió, tiếng mưa… nếu với tai nghe ít tiền, người nghe sẽ chỉ cảm nhận đơn giản là tiếng gió. Nhưng với tai nghe cao cấp, nó làm mình cảm giác được tiếng gió, tiếng mưa đó nặng, nhẹ hay thoang thoảng. “Chỉ có tai nghe đắt tiền mới khiến người nghe cảm nhận được sự trung thực của bản nhạc. Lúc đó, người dùng sẽ không chỉ là nghe nhạc đơn thuần mà đang thưởng thức bản nhạc, giai điệu”, anh Sơn nhấn mạnh.

Chính vì thế, tai nghe đắt tiền hiện thu hút sự quan tâm rất lớn của mọi người. Đối tượng chơi tai nghe cũng rất phong phú từ tầng lớp sinh viên cho đến những người đi làm.

Để phát huy tốt sức mạnh của tai nghe cao cấp, người chơi còn phải đầu tư những đĩa CD chất lượng cao có giá lên đến vài trăm nghìn đồng hay những nguồn nhạc có chất lượng, độ trung thực cao (lossless). Máy nghe nhạc hay đầu đọc đĩa CD còn phải là những sản phẩm thuộc dạng chuyên nghiệp, xử lý âm thanh tốt. “Có như vậy, tai nghe cao cấp mới phát huy hết khả năng của nó”, anh Sơn nói và cho biết thêm, những tai nghe trở kháng cao thì phải trang bị thêm ampli có giá vài trăm USD mới có thể nghe hay được.

Thương hiệu nào được ưa chuộng?

Theo Tuấn, những tai nghe bán chạy nhất trên thị trường hiện nay, đối với dạng in-ear, IEM có SoundMagic Pl30, Pl11, Sennheiser Cx300; dạng tai nghe earbud có dòng sản phẩm của Yuin, Sunrise, Sennheiser Mx880, Mx980; dạng tai clip-on có Koss KSC35, KSC75, DN-C68; dạng tai nghe portable có Sennheiser PX100, Koss PortaPro; còn dạng full-sized thì có Sony V6, AKG K701, Beyer Dynamic 880, Sennheiser HD600, Audio Techica M50, Denon D2000. Phân khúc giá chính của thị trường tai nghe được chia thành: loại dưới 3 triệu, loại từ 3 triệu đến 10 triệu và loại trên 10 triệu.

Thông thường, tai nghe của mỗi hãng có những đặc trưng riêng để phù hợp với những đối tượng khác nhau. Tai nghe Sennheiser thường thiên về âm tối; BeyerDynamic lại thiên về điềm đạm và kỹ thuật tốt; AKG thì thanh mảnh, tinh tế với âm trường rộng;Audio-technica khiến người ta nhớ đến bởi chất âm ngọt, màu mè và dễ nghe; Grado lại bụi bặm phù hợp với các rocker; Sony thiên về bass…

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm