Canon S90 - vẻ đẹp cổ điển

Canon S90 - vẻ đẹp cổ điển ảnh 1

Canon PowerShot S90 với thiết kế thời trang lịch lãm. Ảnh: Imaging Resource.

Sau đúng bốn năm vắng bóng trên thị trường, Canon đã tuyên bố "hồi sinh" dòng máy ảnh du lịch cao cấp S-series bằng phiên bản PowerShot S90. Sở hữu thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ "đàn em" IXUS 120 IS cùng một loạt tính năng tân thời và trên hết là chất lượng ảnh vượt trội, sản phẩm hứa hẹn đáp ứng tốt nhu cầu của mọi tay máy dù là khó tính nhất. Ra mắt cùng thời điểm với model "đàn anh" Powershot G11, S90 thể hiện rõ tham vọng của Canon trong việc giành giật lại thị trường máy ảnh compact cao cấp vốn đang bị chiếm lĩnh bởi Sony và Panasonic.

Canon S90 - vẻ đẹp cổ điển ảnh 2

Mặt sau S90 với màn hình lớn và cách phím bấm đơn giản. Ảnh: Dpreview.

Khác hẳn "người anh cả" G11 với dáng vẻ chắc nịch có phần hơi thô kệch, Powershot S90 lại trông khá bắt mắt trong thiết kế mỏng manh cùng sắc đen lịch lãm. Máy có kích thước ba chiều 100 x 58 x 31 mm và trọng lượng 195 gram kể cả pin, nhỏ và nhẹ hơn đối thủ Panasonic LX3 (109 x 59,5 x 27 mm và 265 gram). Mặt trước của S90 khá phẳng với một vài đường cong bo cạnh đơn giản giống những phiên bản IXUS ra mắt gần đây, như IXUS 100 IS và 120 IS. Mặt trên có thêm nút "Ring Func", giúp truy cập nhanh tính năng của vòng điều khiển trên thân ống kính. Hệ thống phím điều khiển phía sau tương tự các model du lịch của Canon nên người dùng không mất quá nhiều thời gian để làm quen như với phiên bản G11. Ngoài ra, hãng còn trang bị cho S90 một vòng xoay bao quanh bốn phím điều hướng. Vòng xoay này giúp thay đổi nhanh một vài thông số của quá trình chụp như độ bù trừ sáng, khoảng lấy nét (trong chế độ chỉnh tay) hay chọn mặc cảnh, cuộn menu và duyệt ảnh. Phím mang ký hiệu S (Shortcut button) không chỉ tác dụng khởi động in ảnh mà còn giúp người dùng cài đặt một trong số 12 tính năng mà máy hỗ trợ.

Canon S90 - vẻ đẹp cổ điển ảnh 3

Đèn flash dạng pop-up của S90 có cơ chế điều khiển rất thú vị. Ảnh: Cameralabs.

Góc phải của S90 có thêm đèn flash dạng pop-up. Thay vì bật lên theo kiểu lò xo cơ học như một số model của Canon, đèn được điều khiển bằng motor điện tử phía trong. Bạn cũng không thể đẩy nó trở về chỗ cũ trực tiếp bằng tay. Các thao tác điều khiển flash phải thực hiện hoàn toàn bằng menu hiển thị trên màn hình. Nhiều người sẽ rất thích thú khi ngắm nhìn chiếc đèn flash của S90 bật lên và thu đi khá nhanh từ cạnh máy chỉ bằng một cú nhấn phím gọn nhẹ.

Màn hình của máy có kích thước 3 inch, độ phân giải 460.000 điểm ảnh, cao gấp đôi so với đa số dòng máy du lịch bình dân hiện nay. Với công nghệ PureColor LCD II, màn hình này có khả năng hiển thị màu trung thực kể cả trong điều kiện ánh sáng chói. Tuy nhiên, máy không sở hữu kính ngắm quang và tính năng lật xoay màn hình như "ông anh" G11. Giao diện của máy tương đối đơn giản, do đó rất dễ làm quen. Các tùy chỉnh có thể thực hiện nhanh nhờ sự trợ giúp linh hoạt của hai vòng điều khiển, một trên thân ống kính và một bao quanh các phím điều hướng.

Canon S90 - vẻ đẹp cổ điển ảnh 4

Ống kính của S90 cho chất lượng ảnh xấp xỉ model cao cấp hơn là G11. Ảnh: Cameralabs.

Ống kính trên S90 có tiêu cự tương đương dải 28-135 mm trên máy phim. So với đối thủ Panasonic LX3 sở hữu ống kính 24-60 mm, S90 cho phép người dùng linh động hơn trong việc bố cục ảnh. Với sự bổ sung của 2 thành phần thấu kính phi cầu, khẩu độ của máy có thể mở rộng tới f/2.0, tương đương "hàng khủng" Leica Vario-Summicron trên LX3. Kết hợp cùng công nghệ chống rung quang học nổi tiếng của Canon, S90 có thể cho ra những thước chụp lý tưởng trong điều kiện thiếu sáng nghiêm trọng mà không cần sử dụng đến chân máy. Các bài test với độ chính xác cao của Cameralabs cho thấy, ống kính trang bị trên S90 cho độ nét và khả năng chống hiện tượng viền tím xuất hiện ở vùng tương phản cao ngang ngửa model G11 và thậm chí còn tốt hơn cả ống kit EF-S 18-55 mm IS gắn trên thân máy Canon EOS 450D.

Vòng xoay bao quanh ống kính (Control ring) giúp điều khiển chức năng zoom khá đặc sắc. Tuy nhiên, khác với những ống kính SLR có khả năng thay đổi tiêu cự vô cấp, ống kính của S90 chỉ cho phép tăng theo nấc 28 mm, 35 mm, 50 mm, 85 mm và 105 mm (tương đương 3,8x). Ngoài ra, vòng chỉnh này còn giúp thay đổi nhiều thông số cài đặt khác như độ bù trừ sáng, ISO, tốc độ cửa trập, độ mở ống kính và khoảng lấy nét.

Canon S90 - vẻ đẹp cổ điển ảnh 5

Màu sắc trung thực và phơi sáng chuẩn luôn là thế mạnh của các sản phẩm Canon, kể cả dòng compact. Ảnh: Cameralabs.

Cảm biến CCD trang bị trên S90 hoàn toàn tương tự phiên bản cao cấp G11 với độ phân giải hiệu dụng 10,1 Megapixel và kích thước 1/1,7 inch. Máy cũng có thể ghi được file ảnh RAW với dung lượng lên tới 13 MB cho mỗi kiểu ảnh. Nếu lưu file dưới dạng nén JPEG, con số này giảm xuống còn khoảng 2,5 MB. Lưu ý, hiện nay chỉ có hai dòng máy ảnh compact của Canon lưu file được dưới dạng ảnh thô là G11 và SX1 IS. Kích thước cảm biến to trong khi số "chấm" không quá cao khiến kích thước mỗi điểm ảnh buộc phải tăng lên. Đồng nghĩa với điều này là sự cải thiện đáng kể trong khả năng tái hiện màu sắc và khử nhiễu của máy.

Canon S90 - vẻ đẹp cổ điển ảnh 6

Khả năng chụp macro của máy cũng rất ấn tượng. Ảnh: Cameralabs.

Dải ISO của máy thay đổi được trong khoảng 80-3.200. Ở chế độ chụp thiếu sáng (Low Light mode), ISO có thể nâng lên tới 12.800, tuy nhiên, độ phân giải chỉ còn 2,5 Megapixel. Công nghệ chống nhiễu kép của Canon giúp máy chống chọi tốt trong điều kiện thiếu sáng, tạp nhiễu chỉ có thể nhận ra khi tăng ISO lên 800 - rất ấn tượng với một model nhỏ nhắn như S90. Sở hữu cảm biến và thuật toán xử lý trên chip DIGIC 4 giống nhau nên những thước ảnh test của S90 và G11 gần như là tương đồng. Theo Cameralabs, G11 cho ảnh có màu tươi và hơi nét hơn một chút do sử dụng ống kính cao cấp hơn của S90. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm vì sự khác biệt này là không đáng kể ngay cả khi xem ảnh ở chế độ toàn màn hình. Tại các thiết lập ISO cao trên 800, công nghệ khử nhiễu của S90 và G11 đều có xu hướng làm ảnh trở nên mịn đi khiến các chi tiết bị mất. Trong khi đó, ảnh của Lumix LX3 rất nhiễu và bị xỉn màu nhưng lại giữ được nhiều chi tiết hơn.

Tốc độ thực thi của S90 là điều đáng thất vọng nhất ở phiên bản máy ảnh du lịch cao cấp này. Sản phẩm chỉ có thể chụp được 0,9 hình mỗi giây khi tiêu cự được thiết lập và giảm xuống còn 0,6 hình một giây nếu để máy tự động lấy nét. Rõ ràng, tốc độ này còn kém hơn G11 với 1,1 hình/giây và thua xa LX3 với 2,5 hình/giây. Ngay cả khi ở chế độ Low Light với độ phân giải chỉ còn 2,5 triệu điểm ảnh, tốc độ của S90 cũng vẫn chỉ lẹt đẹt ở mức 2,1 hình/giây. Trong khi đó, LX3 đã làm được điều tương tự với tốc độ cực kỳ ấn tượng 6 hình/giây.

Tương tự "đàn anh" G11, Powershot S90 cũng có khả năng quay video phân giải tối đa 640 x 480 pixel, tốc độ 30 hình mỗi giây. Máy không cho phép sử dụng zoom quang trong quá trình ghi phim. Pin Lithium cho phép chụp khoảng 220 kiểu nếu được nạp đầy, hơi thấp hơn so với mặt bằng chung.

Sản phẩm hiện đang được bán ở Việt Nam với giá khoảng 490 USD cho hàng xách tay, rẻ hơn một chút so với Canon Powershot G11.

Theo Trần Hạ (Sohoa)

Đọc thêm