Camera với màn hình lật xoay

Máy ảnh compact dòng ngắm chụp thường không được tích hợp thêm màn hình LCD lật xoay do nhà sản xuất e ngại sẽ làm tăng trọng lượng và kích thước máy lên khá nhiều. Tuy nhiên, ở những mẫu lớn hơn một chút, điển hình như dòng siêu zoom, màn hình LCD lật xoay sẽ giúp ích được rất nhiều trong một số trường hợp.

Lợi thế của camera có màn hình lật xoay là người chụp có thể giữ nguyên vị trí máy, chỉ cần điều chỉnh màn hình LCD phù hợp với góc nhìn. Ở một số góc khó như trên cao quá đầu người hay ở các góc hẹp, kiểu lật xoay của màn LCD tỏ ra thật sự hữu dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng cũng đòi hỏi một sự cẩn thận nhất định để tránh làm hỏng cáp nối với màn hình hoặc gãy khớp nối với máy.

Dưới đây là một số máy ảnh sở hữu màn hình LCD linh hoạt đáng chú ý:

Nikon Coolpix P90
Nikon Coolpix P90. Ảnh: Mydigitallife.
Nikon Coolpix P90. Ảnh: Mydigitallife.

Được ra mắt đầu năm, Nikon Coolpix P90 là thế hệ siêu zoom của Nikon kế nhiệm P80 với độ phân giải nâng lên 12 triệu điểm ảnh, màn hình rộng 3 inch và zoom quang 24x. Coolpix P90 có một số điểm mạnh đáng chú ý, như tính năng nhận diện chớp mắt và nụ cười, tự động nhận cảnh, tự điều chỉnh sáng và khả năng chụp nhanh liên tục 45 hình ở độ phân giải thấp với tốc độ 15 khung hình/giây.

P90 là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Canon PowerShot SX10 IS và Panasonic Lumix DMC-FZ28. Ngoài ra P90 còn có hai chế độ chụp được cài đặt theo ý định của người dùng, rất tiện lợi trên bánh xe điều chỉnh chế độ. Tuy nhiên, chất lượng ảnh của máy chỉ ở mức bình thường và pin khá nhanh hết.

Canon PowerShot SX1 IS

Canon PowerShot SX1 I. Ảnh: Digitalcameratracker.
Canon PowerShot SX1 I. Ảnh: Digitalcameratracker.

Đây là chiếc máy dòng PowerShot đầu tiên của Canon có khả năng quay video chuẩn Full HD với độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel tốc độ 30 khung hình mỗi giây. Máy có độ phân giải 10 Megapixel, zoom quang 20x và tích hợp nhiều kỹ thuật hỗ trợ tốt cho một chiếc máy ảnh thể thao, như USM (Ultrasonic Motor) và VCM (Voice Coil Motor) chụp những pha tốc độ trong thể thao hay những chuyển động nhanh của loài vật trong tự nhiên, mà không tạo ra tiếng động. Ngoài ra, máy cũng tích hợp cổng truyền tín hiệu tốc độ cao HDMI dành cho chuẩn HD. Ở chế độ quay phim, máy có thể thu âm thanh stereo, hỗ trợ zoom số 2x mà vẫn không làm thay đổi chất lượng đoạn video.

Sony DSC-HX1
Sony DSC-HX1. Ảnh: Itechnews.
Sony DSC-HX1. Ảnh: Itechnews.

HX1 có khả năng quay phim độ phân giải HD cho hình ảnh khá tốt đặc biệt ở độ phân giải cao nhất. Máy có tốc độ hoạt động khá nhanh với chức năng chụp liên tiếp khá hiệu quả. Chế độ chụp Twilight cho ra những bức ảnh với chất lượng tốt trong điều kiện ánh sáng yếu. Ngoài ra, HX1 cũng cho phép người dùng sử dụng zoom quang trong khi quay phim.

Tuy nhiên, HX1 vẫn còn một số điểm yếu như khung ngắm điện tử viewfinder khá nhỏ, không hỗ trợ định dạng ảnh RAW. Với chất lượng ảnh không thực sự nổi bật so với các máy ảnh cùng dòng, nhưng lại có giá bán khá cao, HX1 thật sự đã tự gây khó khăn cho chính mình trên thị trường máy ảnh siêu zoom đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Canon G11

Canon G11. Ảnh: Wired.
Canon G11. Ảnh: Wired.

Nếu chỉ nhìn qua thông số kỹ thuật của G11 có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là bản "cải lùi" so với G10. G11 có độ phân giải giảm từ 14,7 triệu điểm ảnh xuống còn 10 triệu điểm, màn LCD giảm từ 3 inch xuống còn 2,8 inch và ống kính thì vẫn không thay đổi với tiêu cự 28 - 140 mm (5x). Tuy nhiên, thực chất Canon đang muốn chuyển hướng nhấn mạnh tính chuyên nghiệp của một máy compact phải là chất lượng ảnh. Ở G11, độ phân giải giảm xuống nhưng kích cỡ cảm biến được giữ nguyên góp phần giúp nó nhạy sáng hơn, chất lượng ảnh vì thế cũng được cải thiện so với đời trước. Trong điều kiện thiếu sáng, chế độ Low Light cho phép người dùng chụp ảnh với ISO tăng tới 12.800 (độ phân giải giảm xuống 2,5 megapixel) với tốc độ chụp liên tục lên tới 2,4 khung hình/giây, đủ khả năng cho chất lượng ảnh xuất sắc ở điều kiện trong nhà mà không cần dùng tới đèn flash.

Fujifilm FinePix S100FS
Fujifilm S100FS. Ảnh: Thaidphoto.
Fujifilm S100FS. Ảnh: Thaidphoto.

Được ra mắt vào nửa đầu năm 2008, S100FS được đánh giá có chất lượng hình ảnh đẹp hơn hẳn so với các đối thủ ở cùng thời điểm như Panasonic Fz50 hay Canon G9.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên thật khó để phân biệt Fujifilm FinePix S100FS với một chiếc máy ảnh DSLR. Tuy vẫn còn một khoách cách về hiệu suất hình ảnh so với dòng máy chuyên nghiệp, nhưng FinePix S100FS xứng đáng là một sự lựa chọn tốt cho nhiều người dùng nếu muốn một chiếc máy ảnh có thân hình "pro" cùng zoom lớn, góc rộng và chất lượng ảnh tốt mà không phải gặp phải sự khó khăn trong làm quen và sử dụng như DSLR.

Theo Tuấn Hưng (Sohoa)

Đọc thêm