Bàn phím số di động sắp tuyệt chủng

Sự thay đổi này phản ánh rất rõ sự "hưng thịnh" của tin nhắn SMS và duyệt Net di động. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy người Mỹ đã gửi tới 1000 tỷ tin nhắn riêng trong năm ngoái, nhiều gấp 3 lần so với năm 2007. Trong khi đó, chỉ có 2,2 nghìn tỷ phút đàm thoại được thực hiện, tăng chưa đầy 5% so với một năm trước.

Sự khác biệt trong cách người dùng sử dụng ĐTDĐ tất nhiên cũng kéo theo sự "đổi chiều" trong thiết kế điện thoại. Hãng nghiên cứu NPD Group cho biết 31% số điện thoại bán được tại Mỹ trong quý IV/2008 có bàn phím toàn chữ và không-một-con-số.

AT&T, mạng di động lớn thứ hai nước Mỹ sau Verizon Wireless, đã giới thiệu tới 6 mẫu điện thoại mới tại CTIA 2009. Tất cả số này đều hoặc là sở hữu một màn hình cảm ứng, hoặc là bàn phím kiểu máy chữ QWERTY, hoặc là cả hai.

Còn tại gian hàng của Samsung Electronics, không có bất cứ một mẫu điện thoại trưng bày nào được trang bị bàn phím số cả.

Cách đây 2 tuần, Motorola cũng rụt rè tung ra một mẫu điện thoại bình dân với bàn phím số thông qua qua mạng lưới AT&T. Nhưng ai cũng biết, "con cưng" của hãng này tại thời điểm hiện tại chính là Evoke QA4, một mẫu điện thoại sở hữu màn hình cảm ứng.

Tình cảnh tương tự cũng có thể bắt gặp tại gian hàng của LG Electronics, khi mà đại bộ phận model mới đều chịu sự thống trị của màn hình cảm ứng. Có thể nói, cơn sốt do iPhone tạo ra, cùng với những ảnh hưởng của nó trong ngành công nghiệp di động thực sự "đáng sợ".

Ngay cả ở phân khúc giá rẻ, bàn phím QWERTY phục vụ nhắn tin cũng đã trở nên phổ biến và vừa túi tiền hơn. AT&T dự định bán hai mẫu điện thoại QWERTY là Samsung Magnet và LG Neon với mức giá gây choáng: từ 20 - 30 USD mà thôi.

Chỗ đứng bên ngoài nước Mỹ

ất nhiên, bàn phím số kiểu cũ vẫn có chỗ đứng của nó - nhưng chủ yếu là bên ngoài Bắc Mỹ. Theo lời chuyên gia Ross Rubin của NPD thì không đâu trên thế giới, người dùng lại bị ám ảnh bởi hiện tượng QWERTY bằng người Mỹ.

Mặc dù màn hình cảm ứng đang là mốt thời thượng trên khắp thế giới, song người dùng di động ở các nước khác đã quen với việc nhắn tin trên bàn phím số từ rất lâu rồi. Ngược lại, người Mỹ chỉ mới phấn khích với ý tưởng soạn thảo tin nhắn sau sự lên ngôi của những mẫu smartphone cao cấp như iPhone và BlackBerry mà thôi.

Hệ quả là bàn phím số vẫn xuất hiện khá rầm rộ tại gian hàng của Nokia, hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới nhưng tầm ảnh hưởng tại Mỹ lại không đáng kể. Quang cảnh tương tự cũng diễn ra tại gian hàng của liên doanh Sony Ericsson, hãng chỉ làm mưa làm gió được ở châu Âu và Nhật Bản mà thôi.

Một số thông tin đáng chú ý khác:

- Samsung Impression sẽ là mẫu điện thoại đầu tiên trên thị trường Mỹ sử dụng màn hình diode phát sáng hữu cơ ma trận động, thay vì LCD như truyền thống. Do OLED tự phát sáng chứ không phải dựa dẫm vào đèn nền như LCD nên chúng tiết kiệm điện hơn, kéo dài tuổi thọ pin và cung cấp chất lượng hình ảnh cao hơn.

Impression sở hữu một màn hình cảm ứng 3,2 inch, có khả năng hiển thị màu rất sống động, có chiều sâu. Ngoài ra, nó cũng trang bị bàn phím QWERTY nắp trượt. AT&T sẽ phân phối Impression với giá 200 USD kể từ thứ ba tuần tới.

- AT&T sẽ bán Nokie E71x, mẫu smartphone được quảng cáo là mỏng nhất tại Mỹ hiện nay (dày chưa đầy nửa inch). Thiết kế của nó khá giống với BlackBerry hoặc Samsung BlackJack, với camera 3,2 chấm tự động lấy nét. Giá bán của nó khoảng 100 USD.

- Samsung đang chế tạo một thiết bị truy cập Internet cầm tay sử dụng công nghệ WiMax cho hãng Clearwire. Sản phẩm sẽ bày bán trên thị trường trong vòng 3 tháng tới.

Theo VNN/AP

Đọc thêm