9 điều cần biết về TV LED

Tuy nhiên, những ai đang đắn đo chọn mua giữa TV LED và TV LCD nên tham khảo ý kiến của chuyên gia David Katzmaier đăng trên trang công nghệ CNet tuần này.

1. TV LED không phải một loại TV mới

TV LED thực chất vẫn là TV LCD nhưng sử dụng đèn nền chiếu sáng LED (light-emitting diode) thay đèn huỳnh quang cực cathode lạnh (CCFL - cold cathode fluorescent light). TV LCD với đèn nền LED xuất hiện tại các siêu thị điện máy từ năm 2007.

Không như trong plasma và OLED, mỗi pixel là một nguồn sáng riêng biệt, LCD được chiếu sáng từ đằng sau, còn gọi là backlit.

2. Có hai kiểu chiếu sáng LED

Ban đầu, màn hình LED như trong Samung LN-T4681F được chiếu sáng bằng cách dàn đều LED phía sau tấm nền LCD. Nhưng để tạo ra những hệ thống siêu mỏng, các kỹ sư chuyển LED sang bốn cạnh màn hình và ánh sáng sẽ được chiếu vào giữa. Phương pháp này được gọi là "edge-lit" (chiếu sáng cạnh). Samsung đã cho ra mắt 3 dòng edge-lit còn Sony cũng giới thiệu mẫu KDL-40ZX1M đầu năm nay.

3. TV edge-lit mỏng nhưng không đều

Như đã nói, thế mạnh của edge-lit là nhà sản xuất có thể cho ra đời TV mỏng hơn. Nhưng nếu TV hiển thị một ảnh trắng, người dùng sẽ thấy rìa ngoài màn hình sáng hơn. Hoặc nếu đặt một ảnh đen, rìa màn hình trông có vẻ xám đi.

4. LED không cải thiện góc nhìn của LCD

Một trong những điểm yếu của TV tinh thể lỏng là chất lượng hình ảnh kém đi nếu người dùng ngồi lệch hoặc TV đặt quá cao/thấp so với tầm mắt. Đèn LED không thay đổi điều này, thậm chí trong một số trường hợp còn làm cho hình ảnh tệ hơn.

TV LED của Samsung.
TV LED của Samsung.

5. LED tiết kiệm điện hơn đèn CCFL

Công nghệ LED giúp giảm lượng điện tiêu thụ và một số hệ thống LED được đánh giá là TV màn hình phẳng tiết kiệm điện nhất trên thị trường. Tuy nhiên, đèn huỳnh quang cực cathode lạnh cũng đang được cải tiến đáng kể. Nói cách khác, điện năng chưa hẳn là yếu tố quan trọng để so sánh giữa TV LED và TV LCD truyền thống.

6. Công nghệ LED ngày càng hoàn thiện

Đèn nền vẫn được phát triển theo thời gian, đặt biệt công nghệ edge-lit trong tương lai có thể giúp cho ra đời những hệ thống siêu mỏng với chất lượng ngang hàng, thậm chí cao hơn cách bố trí đèn LED trên toàn màn hình.

Còn đối với phương pháp dàn đều LED ở mặt sau, một hệ thống TV hoàn hảo cần 2,1 triệu LED tương ứng 2,1 triệu điểm ảnh (pixel) để phù hợp độ phân giải 1080p. Điều này quá đắt đỏ và các nhà sản xuất đang tìm cách tăng tối đa số đèn LED trong một tấm nền mà không làm cho giá bán vọt lên cao.

7. Công nghệ LED = giá cao

Trên thị trường, TV đèn nền LED đắt hơn TV LCD không dùng công nghệ này tới 400 USD. Các dòng cao cấp còn có thể chênh nhau tới 2.000 USD như Samsung 8500 kích cỡ 46 inch được bán giá 3.500 USD trong khi hệ thống LCD truyền thống LN46B750 chỉ khoảng 1.700 USD.

Tất nhiên, TV LED có nhiều điểm mạnh (mỏng hơn, ít tốn điện, độ tương phản, gam màu và tốc độ quét hình cao hơn). Nhưng xét về giá cả, có thể nói, người sử dụng sẽ phải bỏ ra số tiền cao hơn 25% nhưng chất lượng chỉ hơn khoảng 10%.

8. TV LED có thể đạt chất lượng hình ảnh đẹp như TV plasma

TV LCD từ lâu bị chê vì không thể đạt được màu đen sâu như plasma. Với đèn nền LED, màu đen trên TV LCD có thể sánh với plasma. Chưa kể, LCD tiết kiệm điện năng hơn và nhẹ hơn dù góc nhìn vẫn là điểm yếu (với plasma, bạn có thể ngồi ở mọi vị trí mà hình ảnh vẫn bảo toàn).

9. Nếu thiết lập chế độ không đúng, LED hay không LED cũng như nhau

Người dùng có thể sở hữu TV LCD tốt nhất thế giới nhưng nếu không biết cách set up, chất lượng hình ảnh của hệ thống đó trông cũng bình thường như bao TV khác.

Theo Châu An (VNE)

Đọc thêm