10 tính năng thời thượng trong tương lai của mobile

1. Vi xử lý, dung lượng lưu trữ lớn hơn và băng tần rộng hơn

Cũng giống như ngày công nghiệp máy tính, điện thoại đang dần được nâng cấp, sở hữu những tính năng giống như các dòng máy tính trước đây. Mặc dù điện thoại luôn luôn “yếu thế” hơn so với desktop nhưng một thực tế cho thấy ĐTDĐ không cần thiết phải mạnh mẽ như thế bởi các ứng dụng của nó luôn đơn giản và nhẹ nhàng hơn so với ứng dụng của máy tính.

2. Nhiều phụ kiện hơn, khả năng tùy biến cao hơn

Hiện tại, khả năng tùy biến (customization) của điện thoại còn bị hạn chế ở mức nhạc chuông và hình nền. Trong thời gian tới, người dùng sẽ được tùy biến trên cả phần mềm nếu như hệ điều hành được “mở”. Ubuntu Linux có giao diện 3G mà Windows chưa có. Hệ điều hành mở sẽ tạo cơ hội sáng tạo cho các điện thoại. Chiếc điện thoại mở chạy hệ điều hành Linux - OpenMoko - sẽ có giá bán 350 USD.

3. Hợp nhất thiết bị

Điện thoại giờ đây không còn đơn thuần là điện thoại nữa. Ngày nay, mobile còn là máy ảnh, máy nghe nhạc. Hãy chờ đợi xem, ĐTDĐ sẽ còn được tích hợp thêm thiết bị nào nữa? Có vẻ như ổ cứng di động (Thumb Drives) sẽ sớm được khai thác trên mobile.

Mobile không chỉ đơn giản là điện thoại mà nó còn là một máy ảnh số
Mobile không chỉ đơn giản là điện thoại mà nó còn là một máy ảnh số

4. Các dịch vụ web

Hiện tại, công nghệ Wi-Fi và 3G giúp điện thoại kết nối với Internet. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi khi các công nghệ mới, như WiMax, EVDO, HSDPA, được triển khai. Điện thoại luôn luôn kết nối cũng đồng nghĩa với việc người dùng sẽ có thể khai thác các ứng dụng web ở mọi lúc mọi nơi.

5. Xem TV, video

2 hoặc 3 năm tới, xem YouTube trên điện thoại sẽ trở nên dễ dàng hơn khi điện thoại được trang bị băng tần rộng. Nhờ đó, người dùng có thể xem các kênh truyền hình từ điện thoại, giúp giải trí ngay cả khi đi trên đường.

10 tính năng thời thượng trong tương lai của mobile ảnh 2

6. Chơi game nối mạng

Từ 2 đến 4 năm tới, người dùng có thể kết nối với mạng ảo Second Life trên ĐTDĐ. Những thể loại game này không đòi hỏi phải chơi trong một thời gian cố định thế nên người dùng không cần thiết phải đầu tư thời gian để chơi, nó chỉ phục vụ nhu cầu giải trí khi cần thiết.

7. Các dịch vụ định vị

Với những người thường xuyên di chuyển cùng với điện thoại thì các dịch vụ định sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm kiếm địa điểm, như quán bar, nhà hàng, khách sạn… Hơn thế, điện thoại cũng sẽ làm tốt chức năng của một “hướng dẫn viên” cho chủ nhân ở những nơi không quen biết.

8. Thanh toán điện tử

Trong vài năm tới, điện thoại sẽ được thiết kế cùng với một con chip RFID, trở thành thiết bị thanh toán an toàn. Nhật Bản đã có nhiều điện thoại tương tự của hãng NTT Docomo. Người dùng chỉ cần quét điện thoại lên đầu đọc để tự động thanh toán với các cửa hàng hay các siêu thị.

Ngoài ra, trong tương lai không xa, người dùng có thể giao dịch ngân hàng trực tuyến bằng điện thoại. Thay vì phải sử dụng các loại thẻ, điện thoại có thể giao dịch với ngân hàng trên Internet. Tuy nhiên, để làm được điều này, công nghệ chứng thực phức tạp hơn nhiều so với dùng chip RFID.

9. “Chìa khóa cá nhân”

Trong 10, 15 năm nữa, với sự hỗ trợ của thẻ RFID hay Bluetooth, người dùng có thể sử dụng điện thoại để khóa, mở cửa. Công nghệ RFID là sự lựa chọn phổ biến nhất hiện nay. Người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể “đóng, mở” tất cả các cửa, kể cả nhà riêng và văn phòng.

10. Chứng minh thư

Có lẽ trong tương lai, điện thoại sẽ giống như một chiếc thẻ chứng minh thư hay bằng lái xe. Tuy nhiên, để biến điều này thành hiện thực thì cần có một nỗ lực rất lớn của chính phủ.

Theo Dân Trí 

Đọc thêm