Thận trọng khi mua bảo hiểm điện thoại

Anh Hùng ở Bình Dương vì muốn bảo vệ cho chiếc iPhone 5 mới mua nên đã chọn mua gói bảo hiểm hư hỏng và mất cắp của Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA tại cửa hàng FPT với giá gần 2 triệu đồng. Với gói bảo hiểm này, ngoài sửa chữa, anh Hùng còn được đền một chiếc điện thoại khác khi mất cắp.

Nhưng khi mất điện thoại, phần bảo hiểm của anh Hùng lại bị Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA tự động chuyển gói bảo hiểm sang Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông. Từ đó nhân viên bảo hiểm của công ty này cứ hẹn tới hẹn lui, đòi phải có biên bản của công an... khiến anh Hùng mệt mỏi, cho đến nay sự việc cũng chưa ngã ngũ. “Vừa bị mất điện thoại vừa bị bên công ty bảo hiểm yêu cầu thủ tục phiền phức nên chắc tôi không bao giờ mua bảo hiểm này nữa” - anh Hùng bức xúc.

Bảo hiểm điện thoại là cần thiết, tuy nhiên người dùng cần thận trọng đọc kỹ các điều khoản khi mua.

Không chỉ anh Hùng, thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều trường hợp rắc rối với bảo hiểm điện thoại. Theo đó, phần lớn người dùng chịu thiệt mà không được đền bù.

Theo một chuyên gia công nghệ, thực tế việc mua bảo hiểm mà muốn được bồi thường hầu như rất khó. Khó nhất là khâu thẩm định thiệt hại, đặc biệt là các điều khoản miễn thường thì chỉ có người dùng chịu thiệt. Người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ các điều khoản khi quyết định mua một gói bảo hiểm nào đó.

Bên cạnh đó, theo ông Chu Võ Kim Long - Giám đốc Công ty Tablet Plaza, hiện nay trên một số dòng điện thoại của các hãng điện thoại như Samsung hoặc Asus,… được bán với giá cao và đã có sẵn gói bảo hiểm trên sản phẩm. Khi điện thoại gặp sự cố sẽ được đổi hoặc thay mới linh kiện mà không mất phí, thủ tục cũng rất đơn giản. Vì vậy, khi mua điện thoại, người dùng nên hỏi thật kỹ với nhân viên bán hàng để được hưởng các quyền lợi này thay vì phải mua bảo hiểm thiệt hại.

N.TRÂN

Đọc thêm