Tăng “công lực” cho bộ phát Wi-Fi

Cùng với hàng loạt thiết bị laptop, smartphone ra đời thì nhu cầu kết nối mạng đang ngày một nâng cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng biết cách làm cho bộ phát Wi-Fi nhà mình thật sự hiệu quả, đặc biệt là những nhà cao tầng.

Cần chọn lựa đúng thiết bị

Vừa mới chuyển nhà từ Đầm Sen về nhà ba tầng khu vực Đồng Đen, quận Tân Bình, anh Duy Ngọc liền mày mò tìm hiểu trên mạng để có thể trang bị cho mình một máy phát sóng Wi-Fi (router) tốt có khả năng phát mạnh. Theo anh Ngọc, “thực tế trang bị hệ thống Wi-Fi không hề đơn giản vì nhà cao tầng rất khó phủ sóng. Hồi còn ở nhà cũ không có lầu tôi xài thiết bị Tenda nhưng qua đây lại phải trang bị router tốt. Việc này khá vất vả, tôi phải tìm hiểu xem loại nào có khả năng tiếp sóng để tiện lợi vừa túi tiền”.

Sau một thời gian xem xét, dò hỏi, thay vì mua một lúc hai router có tiếp sóng, anh quyết định mua một router xịn có giá lên đến 1,5 triệu đồng của Cisco. Dù đặt trong góc phòng kín tầng hai nhưng router chuyên phát Wi-Fi này đảm đương hầu hết nhu cầu Wi-Fi trong nhà có sáu người của anh Ngọc.

Việc phối hợp các thiết bị phát sóng và kích sóng, Wi-Fi sẽ phủ sóng tốt các nhà cao tầng.

Không như anh Ngọc, không ít người dùng do không tìm hiểu kỹ đã mua router không đúng cách. Thực tế có thể thấy ở các tòa nhà cao tầng, việc thiết lập Wi-Fi khá khó khăn. Phần lớn sau khi gắn thiết bị, người sử dụng chỉ bắt sóng được một tầng hoặc sóng khá chập chờn ở các tầng khác.

“Sau khi lắp đặt thiết bị Wi-Fi cho tòa nhà bốn tầng ở quận 1, tôi đã phải trang bị thêm một router nữa. Tuy nhiên, vừa tốn thêm tiền nhưng mọi thứ cứ rối rắm. Bên cạnh đó, còn hàng loạt các chuẩn Wi-Fi như N, B, G… giờ loay hoay không biết chọn cái nào” - anh Tân, một gia chủ mới chuyển nhà, than thở.

Chiêu nâng cấp hiệu quả

“Hiện nay để chọn một router wireless vừa túi tiền thì một thiết bị hỗ trợ chuẩn N đã là quá đủ. Để mua được một thiết bị phù hợp, tiết kiệm thì người dùng cần biết rõ nhiều yếu tố như kết cấu tòa nhà. Với những nhu cầu thông thường thì một router wireless chuẩn N hỗ trợ tốc độ lý thuyết lên đến 300 Mbps là đủ đáp ứng” - anh Huỳnh Phước Cường, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH CNTT An Phát, cho biết.

Cũng theo anh Cường, khi cần một router, người mua nên tham khảo và nhờ nhân viên bán tư vấn sau khi cung cấp cho họ những thông tin cần thiết. Cụ thể như trang bị Wi-Fi cho nhà khoảng bao nhiêu mét, bao nhiêu tầng, có đi sẵn dây mạng chưa, sử dụng mạng không dây với mục đích chủ yếu là gì (lướt web, xem phim, chia sẻ mạng LAN thường xuyên…).

Ngoài ra để đảm bảo, người dùng có thể sử dụng một router Wi-Fi mạnh như ToToLink, D-Link, Cisco… Theo đó, cần chọn một vị trí phù hợp trong tòa nhà như ngay giếng trời của tầng trung tâm. Với một hệ thống phát đủ mạnh thì có thể phủ sóng cho một tòa nhà thường thấy (một trệt, ba lầu (4 x 16 m))

“Thông thường muốn có sóng tốt thì mỗi lầu phải gắn một thiết bị phát sóng, dùng loại nhiều ăngten 2-3 chấu. Bên cạnh đó cần thiết bị phát chuyên dụng đủ mạnh như loại ăngten dành riêng để phát những nơi rộng lớn với giá khoảng 100 USD” - anh Chu Võ Kim Long, cửa hàng Tablet Plaza, phân tích.

Đặc biệt người dùng có thể sử dụng thiết bị lặp sóng (repeater) để mở rộng vùng phủ sóng. Tuy nhiên, các repeater thường đắt tiền hơn và cũng khó thiết lập hơn. Người dùng cần phải xác định những vị trí tối ưu trong ngôi nhà để lắp chúng. Phương án này cần người sử dụng có kiến thức cơ bản về tin học để làm theo các hướng dẫn có sẵn, nó giúp khoảng cách trung bình giữa nguồn phát và thiết bị thu rút ngắn đáng kể, tránh tình trạng khó kết nối hay chập chờn.

Tất nhiên ngoài những cách trên, giới dân chơi công nghệ thường tự làm cho mình loại ăngten kiểu parabol, đơn giản là dùng các loại vợt rỗ, lon bia… tạo hình thành chảo thay thế cho ăngten râu ở router. Chiêu này được sử dụng để tăng thêm chất lượng phát và thu sóng của router.

Thiết bị phát sóng di động

Hiện trên thị trường xuất hiện các loại thiết bị phát sóng Wi-Fi di động, dành cho xe khách khi gắn USB 3G vào thì thiết bị này sẽ biến thành router phát Wi-Fi ngay trên xe. Thiết bị có thể sử dụng cho người dùng di động hoặc những người ở nhà cao tầng không muốn đầu tư hệ thống phát Wi-Fi cồng kềnh. Đặc biệt là thiết bị có thể sử dụng phương án dự phòng là gắn USB hoặc SIM 3G vào router này để tiếp tục cung cấp Wi-Fi phục vụ công việc khi mất điện hoặc mất kết nối ADSL.

PHAN SAN

Đọc thêm