Sắp có thêm hơn 600 điểm truy nhập Internet công cộng

Ban quản lý Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính, truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” (BMGF-VN) vừa tổ chức Hội thảo khởi động giai đoạn 2 - bước 3 của dự án vào ngày 27/5/2014 tại Thừa Thiên Huế.

Sắp có thêm hơn 600 điểm truy nhập Internet công cộng ảnh 1

Tính đến nay, đã có 1.299 điểm truy cập Internet công cộng được thiết lập, đưa vào hoạt động tại địa bàn 28 tỉnh trong cả nước.

Có chủ đề “Trung tâm thông tin, văn hóa, học tập địa phương - Hiện thực hóa tầm nhìn mới của Thư viện công cộng và Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX)”, Hội thảo này là một hoạt động quan trọng trong giai đoạn khởi động nhằm đạt được nhận thức chung và cam kết giữa các đơn vị tham gia triển khai dự án trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với CNTT, được hưởng những lợi ích kinh tế, xã hội mà việc tiếp cận với CNTT mang lại bằng cách nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin qua máy tính và Internet cho các thư viện công cộng và điểm BĐVHX với tầm nhìn mới.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2 - bước 3 của dự án BMGF-VN, sẽ triển khai lắp đặt trang thiết bị gồm máy vi tính cùng các thiết bị phụ trợ tại 325 điểm BĐVHX và 276 Thư viện công cộng các cấp để cung cấp dịch vụ Internet phục vụ người dân trên địa bàn 12 tỉnh gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định và Thừa Thiên Huế.

Ở thời điểm hiện tại, Ban quản lý dự án BMGF-VN cùng Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost), Vụ Thư viện thuộc Bộ VHTT&DT đang triển khai các nội dung công việc để chuẩn bị cho việc tiếp tục đưa vào sử dụng 601 điểm truy nhập Internet công cộng tại 12 tỉnh nêu trên. Dự kiến, 601 điểm truy nhập Internet công cộng này sẽ chính thức được đưa vào hoạt động trong tháng 10/2014.

Với việc 601 điểm truy nhập Internet công cộng sắp được chính thức đưa vào hoạt động, tới đây, số điểm BĐVHX thuộc mạng bưu chính công cộng của VietnamPost tham gia triển khai dự án BMGF-VN sẽ được nâng lên 1.000 điểm. Còn với hệ thống Thư viện công cộng, dự kiến sẽ có tổng số 900 thư viện công cộng các cấp tại 40 tỉnh trong cả nước tham gia dự án BMGF-VN.

Trước đó, lần lượt vào tháng 11/2012tháng 11/2013, trong khuôn khổ dự án BMGF-VN, đã có tổng số 1.299 điểm truy nhập Internet công cộng được thiết lập và đưa vào hoạt động, phục vụ người dân tại địa bàn 28 tỉnh khó khăn của Việt Nam.

Theo đánh giá sơ bộ của đại diện VietnamPost, sau hơn 2 năm triển khai, dự án BMGF-VN đã đạt được những hiệu quả nhất định. Cụ thể, đối với người dân tại 28 tỉnh khó khăn, việc triển khai dự án BMGF-VN đã góp phần giảm khoảng cách số giữa khu vực thành thị với nông thôn, đồng thời việc ứng dụng CNTT thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước địa phương (huyện, xã) cũng đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã được gia tăng cơ hội tiếp cận với máy tính và Internet, tìm kiếm thông tin để làm giàu thêm cho cuộc sống của họ.

Thống kê của VietnamPost cho hay, số lượng người đến các điểm BĐVHX để truy cập thông tin tăng bình quân từ 5 - 10 lượt người/ngày so với khi chưa có dự án BMGF-VN. Bên cạnh đó, việc truy nhập Internet tại BĐVHX giúp cho sự phát triển của cá nhân và cộng đồng cũng như ứng dụng tiến bộ CNTT sẽ ngày càng được mở rộng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và đời sống.

Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do Bộ TT&TT chủ trì và phối hợp với Bộ VH-TT&DL, UBND 40 tỉnh, VietnamPost và các đơn vị liên quan triển khai tại 400 điểm Thư viện công cộng (cấp tỉnh, huyện) và 1.000 điểm BĐVHX, 500 thư viện xã trên địa bàn 40 tỉnh khó khăn tại Việt Nam. Thời gian thực hiện là 5 năm (2011 - 2016). Tổng kinh phí của Dự án là hơn 50 triệu USD. Trong thời gian 5 năm, Dự án sẽ cung cấp, lắp đặt 12.070 máy tính nối mạng Internet băng thông rộng và thiết bị phụ trợ cho 1.900 điểm thư viện công cộng và BĐVHX; đào tạo kỹ năng cho gần 2.000 cán bộ quản lý, nhân viên. Dự kiến, sau 5 năm sẽ có thêm khoảng 760.000 người ở nông thôn được sử dụng máy tính và Internet.

Theo Vân Anh (ICTNews)

Đọc thêm