Yahoo trên “con đường đau khổ”

Yahoo trên “con đường đau khổ” ảnh 1

Tháng 1/1994: Hai chàng sinh viên của trường đại học Stanford tạo ra trang web “Những hướng dẫn của David và Jerry đến với World Wide Web”. Chỉ trong vòng 3 năm sau đó, trang web của họ đã trở thành địa chỉ có nhiều người truy cập nhất thế giới.

Tháng 4/1999: Yahoo mua lại Broadcast.com với giá 5,7 tỷ USD bằng cổ phiếu. Theo ước tính, mức giá này cao gấp 100 lần tổng doanh thu hàng năm của công ty chưa bao giờ có lợi nhuận này. Tháng 3/2003, dịch vụ này sau đó được phân ra thành Yahoo!Launchcast (hiện là Yahoo!Music) và Yahoo! Platinum. Bảy tháng sau, Yahoo!Platinum “trút hơi thở cuối cùng”. Kể từ tháng 2/2009, toàn bộ phần nội dung của Yahoo!Music cũng được chuyển sang outsource (thuê ngoài) cho CBS Radio.

Tháng 4/2000: Giá cổ phiếu của Yahoo lên tới mức cao nhất trong lịch sử tồn tại của hãng (125 USD/cổ phiếu). Một năm sau, khi quả bong bóng dotcom vỡ, giá cổ phiếu của Yahoo tụt về mức 14 USD và đã có lúc tụt xuống mức dưới 4 USD. Hiện nay, cổ phiếu của Yahoo đang được giao dịch ở mức giá khoảng 16 USD.

Tháng 6/2000: Yahoo thông chuyển từ công cụ tìm kiếm sử dụng nền tảng Inktomi sang sử dụng nền tảng tìm kiếm của Google.

Tháng 8/2002: Yahoo nỗ lực tìm cách thâu tóm Google với giá 3 tỷ USD nhưng ban lãnh đạo Google không đồng ý.

Tháng 6/2002: Yahoo đóng cửa trang đấu giá của mình tại Anh. Trang đấu giá này được thành lập từ năm 1998 với dự định cạnh tranh đối đầu trực tiếp với eBay nhưng rốt cuộc nó đã không thể hoàn thành nhiệm vụ và buộc phải chuyển lại toàn bộ số user của mình cho eBay trước khi đóng cửa.

Yahoo trên “con đường đau khổ” ảnh 2

Tháng 12/2002 và tháng 7/2003: Yahoo mua lại toàn bộ phần tìm kiếm của Inktomi và sau đó là Oveture – hãng đang sở hữu các công cụ tìm kiếm khá mạnh lúc đó là AltaVista và AlltheWeb.

Tháng 2/2004: Yahoo bỏ công nghệ tìm kiếm của Google và chuyển sang sử dụng nền tảng công nghệ tìm kiếm do mình tự phát triển. Thị phần tìm kiếm của Yahoo ngày càng “teo đi” qua từng năm khi họ theo đuổi chiến lược “phát triển tất cả mọi thứ, cho tất cả mọi người”. CEO Terry Sermel thậm chí còn bị phạt nửa triệu USD vì quản lý không hiệu quả.

Về khả năng sinh lời, cỗ máy tìm kiếm của Yahoo cũng tỏ ra ngày càng đuối sức khi họ yêu cầu các nhà quảng cáo phải “mua lượng truy cập”. Trong khi đó, nền tảng Adwords của Google ngày càng tỏ ra hiệu quả và “dễ tính” hơn hẳn, thậm chí đã từng mang về cho Google tới 23 tỷ USD trong năm 2009.

Tháng 2/2007: Yahoo chính thức ra mắt nền tảng quảng cáo trực tuyến mới có tên Panama, sử dụng công thức gần giống như Google Adwords nhưng vẫn không thể giải quyết được vấn đề gì.

Tháng 5/2007: Google ra mắt công cụ tìm kiếm “toàn cầu”. Trong vài năm tiếp theo, Google đã tấn công vào các lĩnh vực mới như quảng cáo trên YouTube hay quảng cáo theo địa điểm với sự hỗ trợ của công cụ Google Maps.

Tháng 6/2007: CEO Terry Sermel từ chức. Người tiếp quản vị trí này là nhà đồng sáng lập Yahoo Jerry Yang.

Yahoo trên “con đường đau khổ” ảnh 3

Liên tục thất bại trong các dự án mạng xã hội

Tháng 9/2007: Yahoo mua lại mạng lưới quảng cáo BlueLithium với giá 300 triệu USD. Mặc dù mạng lưới này vẫn tồn tại nhưng tên miền của nó chưa bao giờ được chuyển hướng sang Yahoo.

Tháng 1/2008: Microsoft đề nghị mua lại Yahoo với giá 44,6 tỷ USD (tương đương với mức 31 USD/cổ phiếu) nhưng ban lãnh đạo Yahoo khi đó đã từ chối thẳng thừng.

Tháng 6/2008: Yahoo và Google ký một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến nhưng sau đó Google đã phải rút lui trước sức ép của các nhà quản lý và những vụ kiện độc quyền chuẩn bị được khởi động.

Tháng 11/2008: Yahoo bán tháo Kelkoo – trang mua sắm trực tuyến dành cho khách hàng châu Âu với giá 100 triệu euro. Trang này được Yahoo mua về 4 năm trước đó với giá 475 triệu euro.

Tháng 1/2009: Bà Carol Bartz trở thành CEO của Yahoo sau khi ông Jerry Yang rút lui.

Tháng 5/2009: Microsoft chính thức ra mắt công cụ tìm kiếm trực tuyến mới: Bing.

Tháng 7/2009: Yahoo và Microsoft ký một hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến trong đó yêu cầu Yahoo phải sử dụng nền tảng công nghệ và các thuật toán tìm kiếm của Microsoft. Đổi lại, Yahoo sẽ đứng ra làm đại diện cho cả 2 hãng trong lĩnh vực quảng cáo. Có thể nói, kể từ bản hợp đồng này, Yahoo đã chính thức từ bỏ mặt trận tìm kiếm. Theo ghi nhận, kể từ khi từ bỏ công nghệ tìm kiếm của Google 6 năm trước, thị phần tìm kiếm của Yahoo từ mức 17% xuống chỉ còn khoảng 10% trong khi đó Google có thêm 25% và dẫn đầu thị trường với mức thị phần 65%.

Yahoo trên “con đường đau khổ” ảnh 4

Tháng 10/2009: Yahoo đóng cửa GeoCities – dịch vụ mà họ mua cách đó 10 năm với giá 3,57 tỷ USD bằng cổ phiếu.

Tháng 12/2009: Sau 4 lần thử tấn công vào lĩnh vực mạng xã hội nhưng toàn thất bại, Yahoo đành quay sang “hợp tác và làm bạn với Facebook”.

Tháng 12/2009: Yahoo chính thức ngừng hỗ trợ các thư mục web bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, Italia và Tây Ban Nha.

Tháng 1/2010: Yahoo bán công ty email Zimbra cho VMWare. Tuy giá trị thương vụ này không được tiết lộ nhưng nhiều nguồn tin cho rằng mức giá thấp hơn rất nhiều so với khoản tiền 350 triệu USD mà Yahoo đã bỏ ra hồi năm 2007.

Tháng 1/2010: Yahoo “khoán”  toàn bộ phần công nghệ của trang Yahoo!Shopping cho hãng Pricegrabber.

Tháng 2/2010: Yahoo bán dịch vụ việc làm HotJobs cho Monster.com với giá 225 triệu USD. Cách đây 8 năm, họ đã mua HotJobs với giá 436 triệu USD.

Tháng 3/2010: Yahoo!Publisher Network tuyên bố sắp đóng cửa và khuyến cáo các nhà xuất bản nên chuyển sang sử dụng quảng cáo của Chitika.

Tháng 4/2010: Yahoo!Health được bàn giao cho Healthline.

Tháng 5/2010: Match.com được thuê để quản lý Yahoo! Personals.

Tháng 6/2010: Yahoo thông báo mua lại số cổ phiếu của chính mình trị giá 3 tỷ USD. Đây là một dấu hiệu cho thấy họ không còn biết đầu tư vào đâu sau hàng loạt những vụ thanh lý, đóng cửa những dịch vụ kém hiệu quả của mình.

Tháng 7/2010: Tiếp tục đà “thuê mướn”, Yahoo! Real Estate được chuyển giao cho Zillow.

Tháng 9/2010: Google chính thức ra mắt Google Instant giúp cho số lượng click vào quảng cáo Adwords tăng thêm 5%. Google Instant được thiết kế dựa trên công nghệ tương tự như Instant Search mà Yahoo đã “chôn vùi” từ năm 2005.

Tháng 10/2010: Những kết quả kinh doanh của Yahoo vẫn ngày một thụt lùi và không đạt kỳ vọng trong quý bất chấp việc đã bán HotJobs. Cũng trong thời gian này, Google công bố doanh thu tăng 23% so với cùng quý năm 2009.

Theo Lương Hương Tổng hợp (ICTnews)

Đọc thêm