World Bank: Việt Nam nổi bật về ứng dụng ICT

Ngày 30/6/2009, World Bank (Ngân hàng Thế giới) đã công bố báo cáo Information and Communications for Development 2009 – IC4D 2009 (tạm dịch: báo cáo Thông tin và Truyền thông vì sự phát triển 2009). Báo cáo này nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ thông tin, truyền thông (ICT), đặc biệt băng rộng và điện thoại di động đang tác động như thế nào đến tăng trưởng ở các nước đang phát triển. Báo cáo này đánh giá 150 nền kinh tế trên toàn cầu.

Việc đánh giá dựa trên các tiêu chí về khả năng truy cập ICT, giá cả ICT hợp lý và ứng dụng ICT trong khu vực chính phủ và doanh nghiệp.

Về truy cập ICT, dựa trên các chỉ số: mật độ điện thoại trên 100 dân; thuê bao di động trên 100 dân; số PC trên 100 dân và tỷ lệ % hộ gia đình có 1 TV.

Về giá cả hợp lý, biện pháp đánh giá là giá cước thuê bao cố định trong giỏ hàng hóa của hộ gia đình (% tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người hàng tháng), giá cước di động (% GNI bình quân đầu người hàng tháng). Và giá cước Internet (% GNI bình quân đầu người hàng tháng).

Đối với tiêu chí ứng dụng ICT, báo cáo tính dựa trên chỉ số đánh giá Web của Liên Hiệp Quốc và số máy chủ Internet an toàn (trên 1 triệu người).

Nhìn chung, số liệu của báo cáo được tính từ năm 2000-2007 của các tổ chức như Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)…

Trong 150 nền kinh tế được đánh giá, Việt Nam ở nhóm các nền kinh tế thu nhập thấp với GNI bình quân đầu người từ 935 USD trở xuống. Và một trong những phát hiện của IC4D 2009 là Việt Nam cùng với Uzbekistan và Pakistan có hiệu quả ICT cao nhất trong nhóm thu nhập thấp. Việt Nam cũng là một trong những nước đang phát triển nổi bật về hiệu quả ứng dụng ICT so với mức thu nhập.

Việt Nam đạt tổng điểm số cao nhất trong 35 nền kinh tế thuộc nhóm này, với điểm truy cập 6, giá rẻ 4 và ứng dụng trong chính phủ doanh nghiệp đạt 5 điểm (10 là tối đa).

Theo IC4D 2009, viễn thông đóng góp 4,7% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam năm 2007 so với 3,5% năm 2000.

Biểu đồ mật độ điện thoại trên 100 dân (đen), di động (cam) và sử dụng Internet (xám)
Biểu đồ mật độ điện thoại trên 100 dân (đen), di động (cam) và sử dụng Internet (xám)

Năm 2007, mật độ điện thoại trên 100 dân là 33,5 (năm 2000 là 3,3);

Mật độ điện thoại di động trên 100 dân là 27, 9 (năm 2000 là 1);

Mật độ thuê bao Internet trên 100 dân năm 2007 là 6,2 (năm 2000 là 0,1).

Mật độ máy tính cá nhân trên 100 dân là 9,6 năm 2007 (năm 2000 là 0,8) và tỷ lệ hộ gia đình có TV là 89% năm 2007 (78% năm 2000).

Về giá cả, IC4D 2009 ghi nhận giá cước di động, cố định và Internet tại Việt Nam giảm mạnh.

Năm 2000, giá cước thuê bao cố định hàng tháng là 5,4 USD nhưng đến năm 2007 giảm còn 2,7 USD – chỉ gần bằng một nửa của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cước thuê bao di động hàng tháng năm 2007 là 6,3 USD, cao hơn so với khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 5 USD.

Bảng so sánh cước Internet Việt Nam (màu cam) và châu Á-Thái Bình Dương
Bảng so sánh cước Internet Việt Nam (màu cam) và châu Á-Thái Bình Dương

Cước thuê bao Internet tháng là 10,4 USD (2007), thấp hơn 14,4 USD của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 2007, cước cuộc gọi đi Mỹ (3 phút) là 1,95 USD, đã giảm mạnh so với 9,29 USD năm 2000 nhưng vẫn cao hơn khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 1,16 USD.

Về ứng dụng, chi tiêu cho ICT của Việt Nam năm 2007 chiếm 6,1% GDP, thấp hơn 7,3% của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Song chỉ số đánh giá web chính phủ điện tử của Việt Nam cao hơn, đạt 0,44 điểm trong khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ đạt 0,18 điểm.

Theo kết luận của IC4D 2009, việc truy cập Internet tốc độ cao và các dịch vụ điện thoại di động với giá cước rẻ là chìa khóa để tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển. Cứ mỗi 10% tăng lên của kết nối Internet tốc độ cao thì tạo ra 1,3% tăng trưởng kinh tế.

Nghiên cứu cũng cho rằng điện thoại di động là cách duy nhất mạnh mẽ nhất để vươn đến và cung cấp các dịch vụ công, tư cho người dân ở vùng sâu, vùng xa ở các nước đang phát triển.

Và các chính phủ đang sử dụng công nghệ Internet hiện đại có thể hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm hơn.

Theo ICTNews

Đọc thêm