Windows 7 “lậu” tung hoành tại Trung Quốc

Windows 7? Office 2010? Chuyện nhỏ

Trong khi còn gần một tuần nữa Microsoft mới chính thức tung ra thị trường hệ điều hành mới nhất của mình thì tại Trung Quốc, Windows 7 đã trở thành một thứ “rẻ như bèo”.

"Anh cần mua phiên bản nào? Ultimate nhé? hay bản Normal? Bản tiếng Anh hay tiếng Trung Quốc?" bà chủ cửa hàng vẫy gọi khách rối rít trong khi miệng vẫn liên tục chào mời như một chiếc máy nói còn tay thì chỉ vào kệ đĩa đang ngập tràn những chiếc đĩa DVD được đựng trong những chiếc hộp màu trắng.

Nếu một phiên bản Windows 7 “xịn” được Microsoft bán ra với giá khoảng 320 USD thì tại đất Thượng Hải này người ta chỉ cần bỏ ra chưa đến 1% số tiền đó (khoảng 2,9 USD) đã có thể mang về một chiếc đĩa cài phiên bản cao cấp nhất.

“Nếu anh mua 10 chiếc tôi có thể giảm giá nhiều hơn nữa”, bà chủ cửa hàng nói bằng thứ tiếng Anh “lủng củng” nhưng đủ để các vị khách nước ngoài hiểu, “Anh có mua bộ Office 2010 không? Giá cực rẻ và anh muốn bao nhiêu đĩa cũng có”.

Người viết bài “hơi choáng” vì nếu những người bán hàng ở Thượng Hải có Windows 7 còn có thể lý giải được chứ với Office 2010, thậm chí đến nhiều chuyên gia của Microsoft còn chưa biết mặt mà họ đã có thì quả là “một sự thần kỳ”.

“Cứ mang về cài đi, nếu lỗi mang lại đây tôi đổi cho cái đĩa khác”, bà bán hàng nói với theo khi vị khách mua thử chiếc đĩa Windows 7 Ultimate đã bước đi.

Việc Windows 7 “ra mắt sớm” tại Trung Quốc một lần nữa cho thấy thách thức to lớn của các hãng phần mềm đã và đang phải đối mặt trong cuộc trường chinh tìm kiếm lợi nhuận tại đất nước với hơn 1 tỷ dân và là thị trường máy tính lớn thứ 2 trên thế giới.

Bất kể phiên bản Windows 7 nào cũng có. (ảnh minh họa)
Bất kể phiên bản Windows 7 nào cũng có. (ảnh minh họa)

Bản quyền – câu chuyện chưa có hồi kết

Theo các nghiên cứu và khảo sát của IDC trong năm 2008, khoảng 80% số phần mềm bán ra tại Trung Quốc là không có bản quyền hợp pháp – cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của thế giới, gấp 4 lần so với các thị trường đã phát triển như Mỹ hay Nhật Bản.

“Vấn đề lớn nhất hiện nay và có tác động lớn nhất đến cuộc chiến bản quyền phần mềm tại Trung Quốc là giá bán”, Matthew Cheung, một chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Gartner nói, “Nếu các vị (các hãng phần mềm) vẫn muốn bán một sản phẩm với giá 2.000 quan cho một chàng sinh viên có tổng mức chi tiêu mỗi tháng 400 quan thì phần mềm của các vị chắc chắn sẽ bị bẻ khóa”.

Trước sức ép của vấn đề này, Microsoft đã phải giảm giá bộ phần mềm Office 2007 phiên bản Home (dùng trong gia đình) và Student (dành cho sinh viên) từ 699 quan xuống còn 199 quan hay phiên bản Windows 7 Home Basic xuống còn 399 quan nhưng vẫn cao hơn so với phần mềm bẻ khóa tới 15 lần.

Nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bấy lâu nay vẫn là một trong những vấn đề nổi cộm và gây tổn hại nhiều nhất đối với các đối tác thương mại chính của Trung Quốc kể cả trong khi quốc gia này đã “tỏ ra” nỗ lực trong việc ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, từ những chiếc túi xách Gucci giả cho đến phần mềm máy tính bị bẻ khóa.

Mới đây, một tòa án Trung Quốc đã tuyên phạt 4 kẻ trong đường dây tiêu thụ và phát tán hệ điều hành Windows XP lậu có tên là "Tomato Garden". Đây là vụ án mà hãng thông tấn Tân Hoa Xã gọi là “vụ án vi phạm bản quyền phần mềm lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc”.

Liên mình phần mềm doanh nghiệp (BSA) đã ước tính các thành viên của họ tổn thất tới 6,6 tỷ USD vì nạn phần mềm lậu tại Trung Quốc riêng trong năm 2008.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này đều thống nhất trên một quan điểm rằng cuộc chiến chống nạn vi phạm bản quyền phần mềm tại Trung Quốc là một cuộc chiến lâu dài và cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ như các hãng sản xuất giảm giá bán, người dùng cần phải được tuyên truyền và giáo dục mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này cũng như cần phải nâng cao mức sống của người dân.

Hồi năm ngoái, Microsoft đã tiến hành một chiến dịch nhằm cảnh báo tới người dùng Trung Quốc về vấn đề bản quyền khicứ mỗi tiếng một lần đồng loạt chuyển màn hình của những máy tính sử dụng hệ điều hành lậu sang màu đen.

Nhưng hành động này của Microsoft đã dấy lên một làn sóng phản đối và mở ra một trào lưu sử dụng phần mềm miễn phí của các công ty trong nước như Kingsoft ...

Một số khác thì cho rằng các phần mềm miễn phí chạy trên nền tảng web sẽ giúp giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Trung Quốc.

Theo Lương Hương (ICTnews /Reuters)

Đọc thêm