VN chưa có ngành công nghiệp game đúng nghĩa

Công nghệ tiên tiến chủ yếu được các doanh nghiệp dùng để gia công cho đối tác nước ngoài.

Tại buổi hội thảo "Thực trạng ngành game Việt Nam và triển vọng phát triển game Việt", do Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam VINASA tổ chức ngày 26/11 tại TP HCM, các chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp game trong nước tuy còn nhiều rào cản nhưng vẫn có triển vọng phát triển.

Theo khảo sát của VINASA, Việt Nam có khoảng 12 triệu game thủ, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên và cán bộ văn phòng. 70% game thủ thích chơi game online, 55% game thủ chơi game từ 2-4 tiếng mỗi ngày. 60% game thủ bỏ ra mỗi tháng 70-160 nghìn đồng cho việc chơi game, 40% còn lại chi khoảng 160-300 nghìn đồng/tháng.

VN chưa có ngành công nghiệp game đúng nghĩa ảnh 1

Các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào việc sản xuất game nhằm đưa ngành game Việt Nam thành một ngành sản xuất đúng nghĩa. (Ảnh: Nguyễn Huy).

Việt Nam là thị trường lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với gần 20 nhà phát hành game trên cả nước. Doanh thu năm 2008 là 130 triệu USD chiếm 70% doanh thu của ngành nội dung số Việt Nam.

Hiện tại các game đang được phát hành hầu hết là game nhập từ nước ngoài, trong đó 100% game trực tuyến là game ngoại nhập. So với hơn 40 game online nhập ngoại thì con số chỉ một game online được phát triển trong nước cho thấy các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư sản xuất game mà chỉ lo về phát hành do muốn tránh rủi ro trong kinh doanh.

Điều này khiến cho nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam mới chỉ có thị trường tiêu thụ game chứ chưa có một ngành công nghiệp game đúng nghĩa. Do vậy doanh thu từ ngành game bị chia sẻ với tỉ lệ phần trăm cao cho nhà phát triển game nước ngoài. Những game được sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn khi đưa ra thị trường.

Trong 40 game được tung ra trong năm 2008 và 2009, chỉ có vài game thành công. Ngay cả nhiều game thịnh hành ở nước ngoài nhưng khi phát hành trong nước vẫn không thu hút được người chơi. Lý do là nội dung không phù hợp với thị hiếu của người Việt và game ngoại nhập gây không ít khó khăn cho các nhà phát hành tại Việt Nam vì khi có những sự cố kỹ thuật họ không thể tự mình xử lý mà phải mời các chuyên gia nước ngoài sang giải quyết. Tình trạng này khiến nhà phát hành phải chịu thêm nhiều khoản chi phí cho việc khắc phục sự cố và còn bắt khách hàng phải mất thời gian chờ đợi.

Ngoài ra do có những mặt trái nên dư luận có nhiều định kiến đối với game online như vô bổ tốn thời gian, tốn tiền, gây nghiện cho người chơi làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần... Những game bạo lực, sex còn ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục. Chính vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra những chính sách siết chặt.

Ông Trương Hoài Trang, Phó Chủ tịch VINASA, cho rằng Thông tư 60 được áp dụng từ năm 2006 bộc lộ nhiều điểm thiếu thực tiễn vì vậy cần thiết phải sửa đổi. Cụ thể là quy định quản lý giờ chơi, ghép phần giải trình nội dung và kỹ thuật về một cơ quan quản lý, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp; tăng cường khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa yếu tố văn hóa Việt vào game, phát triển các game thuần Việt.

Theo ông Nguyễn Trung Hưng, đại diện Hiệp hội phát triển game Quốc tế tại Việt Nam IGDA Việt Nam, các nhà phát triển game di động tại Việt Nam đang được hỗ trợ bởi một xu hướng mới là phân phối kỹ thuật số thực hiện bằng cách tải dữ liệu kỹ thuật thông qua mạng Internet. Xu hướng này phù hợp với nhóm phát triển game nhỏ, chi phí phát triển game thấp và lợi nhuận cao.

Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu gia công phát triển game cho thị trường nước ngoài là châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc. Ông Nguyễn Nam, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Glass Egg, cho biết công ty cũng đã tham gia vào dự án game của những "ông lớn" như Microsoft, EA, Sega, Disney... Tuy nhiên, Glass Egg cũng đã phải từ chối khá nhiều dự án lớn do nguồn nhân lực không đủ để thực hiện.

Số lượng các doanh nghiệp phát triển và gia công game tại Việt Nam khá ít nhưng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp này lúc nào cũng ở trong tình cảnh "cầu cao hơn cung". Tuy nhiên, bài toán nguồn lực cho ngành game sẽ được giải quyết với việc các cơ sở đào tạo trên đà phát triển và các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam với những công nghệ hiện đại thu hút những bạn trẻ tâm huyết gia nhập đội ngũ sáng tạo game.

Theo Hà Mai (VNE)

Đọc thêm