“Việt Nam tiến bộ nhiều về băng rộng”

Đại học Oxford (Anh) vừa công bố Nghiên cứu Chất lượng băng rộng 2009, theo đó Việt Nam xếp hạng 58 trong số hơn 60 quốc gia được khảo sát. Báo BĐVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng CNTT-TT về vấn đề có phải Việt Nam tụt hạng băng rộng hay không.

Đại học Oxford (Anh) vừa công bố Nghiên cứu Chất lượng băng rộng 2009, trong đó Việt Nam đứng cuối bảng trong số hơn 60 quốc gia được khảo sát. Trong khi đó, việc đo kiểm chất lượng ADSL của các nhà cung cấp dich vụ vẫn đạt. Điều này có mâu thuẫn gì hay không, thưa ông?

Ngay sau khi Báo BĐVN đăng tải vấn đề này, Cục đã xem xét một cách nghiêm túc. Chúng tôi đã xem xét kỹ bản báo cáo do Khoa kinh doanh Đại học Oxford của Anh và Khoa kinh tế ứng dụng của Đại học Oviedo của Tây Ban Nha cùng kết hợp đánh giá về sự tiến bộ của chất lượng dịch vụ băng rộng; phương pháp đáng giá chất lượng dịch vụ Internet của www.speedtest.net là nơi đã cung cấp số liệu về chất lượng Internet cho hai trường đại học này. Chúng tôi cũng đối chiếu với những gì chúng tôi đã thực hiện trong việc đánh giá chất lượng dịch vụ ADSL trong những năm qua. Sơ bộ chúng tôi có thể nhận định rằng:

Về phương pháp đo kiểm các tham số kỹ thuật, chúng tôi và www.speedtest.net đều dựa trên nguyên tắc là ghi nhận tốc độ tải lên và tải xuống từ máy của khách hàng đến một máy chủ xác định. Ngoài ra www.speedtest.net ghi nhận thêm tham số về độ trễ. Điểm khác biệt căn bản giữa chúng tôi và www.speedtest.net trong việc đo kiểm là chúng tôi kiểm soát được phép đo từ phía khách hàng, còn www.speedtest.net thì không. Tại mỗi địa chỉ thuê bao chúng tôi chỉ dùng duy nhất một máy tính trong khi đó tại mỗi địa chỉ thuê bao phía khách hàng của www.speedtest.net có thể là một hoặc nhiều máy tính cùng chia sẻ đường truyền, chẳng hạn như trong trường hợp người ta thử từ một máy trong công sở hoặc từ cafe Internet… Khi đó việc đưa ra kết quả tốc độ tải dữ liệu trung bình của www.speedtest.net tại địa chỉ thuê bao đó sẽ không chính xác nữa.

Có kết quả đo kiểm rồi, đánh giá nó như thế nào thì giữa chúng tôi và www.speedtest.net cũng có sự khác biệt. Chúng tôi đánh giá mức độ phù hợp của dịch vụ theo từng gói cước có tốc độ cao thấp khác nhau xem doanh nghiệp có vi phạm cam kết với khách hàng hay không. Trong khi đó www.speedtest.net lấy giá trị bình quân của tất cả các phép đo, không phân biệt gói cước.

Nói tóm lại, kết quả đánh giá của chúng tôi và www.speedtest.net nhằm những mục tiêu khác nhau cho nên không thể nói có mâu thuẫn trong kết quả đánh giá.

Về kết quả đánh giá cụ thể, www.speedtest.net thống kê tốc độ tải xuống trung bình của Việt Nam khoảng 1,4 Mb/s. Chúng tôi cho rằng con số này phần nào phản ánh thực chất những gì chúng ta có, vì cho đến nay doanh nghiệp của ta vẫn cung cấp những gói cước có tốc độ rất thấp so với nhiều nước trên thế giới như những gói cước hơn 1 Mb/s hoặc 1,5 Mb/s. Với những gói cước này khi kiểm tra chúng tôi đều thu được kết quả tốc độ tải xuống trung bình nhỏ hơn 1 Mb/s và nhỏ hơn 1,4 Mb/s và vẫn được coi là phù hợp tiêu chuẩn. Vì theo quy định thì tốc độ bình quân đạt trên 80% tốc độ cao nhất mà doanh nghiệp cam kết đối với trường hợp nội mạng. Con số này đối với trường hợp ngoại mạng là 60%. Trong khi đó tại nhiều nước, khách hàng sử dụng đường truyền có tốc độ hàng chục Mb/s.

Khách hàng sẽ không quan tâm đến các phương pháp đo kỹ thuật, nhưng với các chỉ số cuối bảng như Việt Nam hiện nay sẽ có một câu hỏi đặt ra là liệu có phải băng rộng của Việt Nam tụt hạng?

ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng CNTT-TT.
ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng CNTT-TT.

Theo báo cáo đánh giá năm 2009 của hai trường đại học nói trên về chất lượng băng rộng mà chúng tôi có được thì Việt Nam được xếp vào hàng 66 nước dẫn đầu về băng rộng (Broadband Leadership). Trong số 66 nước này có 62 nước được đánh giá là có cải thiện về chất lượng dịch vụ băng rộng. Tuy Việt Nam được xếp vào hàng thứ 58 nhưng báo cáo có một nhận định đáng chú ý: “Trong số các nền kinh tế factor-driven (tạm dịch là nền kinh tế dựa trên các yếu tố vốn có) Kenya đã tăng gấp ba lần về chỉ số chất lượng băng rộng nhưng chỉ số này của Kenya vẫn dưới ngưỡng cần cho các ứng dụng hiện tại. Việt Nam và Qatar cùng với Kenya là những nước có nhiều tiến bộ nhất về chất lượng băng rộng trong số các nước thuộc nhóm các nền kinh tế này”.

Như vậy, có thể nói báo cáo đã có cái nhìn tương đối lạc quan về sự tiến bộ của chất lượng băng rộng ở Việt Nam, tuy nhiên họ vẫn chỉ ra rằng những gì chúng ta có được vẫn dưới ngưỡng đáp ứng tốt cho các ứng dụng hiện tại.

Tại sao chúng ta lại không quy định tốc độ tối thiếu đối với dịch vụ truy nhập băng rộng?

Tiêu chuẩn của Bộ TT&TT để đánh giá chất lượng dịch vụ truy nhập Internet đưa ra mức ngưỡng, cụ thể như tỷ lệ phần trăm tốc độ tải dữ liệu mà mỗi gói dịch vụ phải đạt được so với những gì doanh nghiệp cam kết cung cấp cho khách hàng. Tôi cho rằng quy định như vậy là hợp lý vì khách hàng tùy theo nhu cầu có thể đăng ký các gói dịch vụ tốc độ thấp hoặc cao.

Theo những gì chúng tôi biết thì Phần Lan là nước đầu tiên thông qua đạo luật đảm bảo mọi người dân nước này có thể kết nối Internet tốc độ tối thiểu 1 Mb/s. Theo chúng tôi thì quy định này chủ yếu là đưa ra ý chí để nước này xây dựng một mạng lưới Internet rộng khắp chứ không nhằm mục đích quản lý về mặt chất lượng.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cung cấp những gói cước có tốc độ rất thấp so với thế giới.
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cung cấp những gói cước có tốc độ rất thấp so với thế giới.

Sau khi Đại học Oxford và các tổ chức khác công bố kết quả đo thử về chất lượng băng rộng, Cục thấy có cần phải điều chỉnh gì về phương pháp đo kiểm để đánh giá chất lượng băng rộng của các doanh nghiệp hay không?

Chúng tôi nhận thấy các kết quả đánh giá tại www.speedtest.net có nhiều ưu điểm bởi nó mang tính tương đối tổng quan và liên tục. Kết quả này có thể coi như hình thức khách hàng tự giám sát chất lượng truy nhập Internet. Tuy vậy, kết quả này khó có thể coi là sở cứ pháp lý để đánh giá chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp phù hợp hay không phù hợp với các Tiêu chuẩn quy định.

Qua việc nghiên cứu các kết quả đánh giá này, chúng tôi nghĩ tới việc có thể xây dựng thêm cách đánh giá tương tự như www.speedtest.net bên cạnh những gì chúng tôi đang làm.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thái Khang thực hiện (ICTnews )

Đọc thêm