Việt Nam sẽ tăng tốc để thành cường quốc về CNTT-TT

Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT là chủ trương lớn mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngành CNTT-TT trong cuộc họp với hai tập đoàn viễn thông chủ lực là VNPT và Viettel hôm 13/3/2009. Chủ trương này đang được Bộ TT&TT gấp rút soạn thảo đề án, thực hiện với quyết tâm cao.

Trực tiếp chủ trì các cuộc họp bàn soạn thảo đề án ngày 19/5/2009 là Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cùng các thứ trưởng chuyên trách về lĩnh vực CNTT-TT. Quan điểm được thống nhất xuyên suốt với cán bộ, lãnh đạo các đơn vị chức năng trong Bộ TT&TT rằng, một quốc gia mạnh về CNTT sẽ là nền tảng mở đường, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo ra một xã hội văn minh, một nền kinh tế tri thức. Đã đến lúc, ngành CNTT-TT Việt Nam hội đủ những cơ hội, có đủ niềm tin để xây dựng một chiến lược tăng tốc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT, hiện thực hóa nó vào những năm 2015 - 2020.

Cụ thể, đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải là một trong 70 nước phát triển CNTT-TT hàng đầu thế giới. Tầm nhìn đến năm 2020: CNTT-TT sẽ làm nòng cốt để Việt Nam chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, trở thành nước có trình độ tiên tiến về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin.

Tại cuộc họp ngày 19/5/2009, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã chỉ ra hai trong năm sự cần thiết để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT-TT, đó là dựa trên thực tế những bài học bước đầu của ngành CNTT-TT Việt Nam trong những năm gần đây: mặc dù kinh tế suy giảm, mặc lạm phát, ngành CNTT viễn thông vẫn liên tục tăng trưởng, phát triển với tốc độ cao nhất trong tất cả các ngành kinh tế. Người dân vẫn liên tục được hưởng lợi từ các sản phẩm dịch vụ của ngành CNTT, viễn thông, truyền thông.

2015 - 2020: Mỗi người, mỗi nhà đều có đủ thiết bị thông tin

Bốn trụ cột chính trong một nền CNTT-TT mạnh được Bộ TT&TT xác định bao gồm: Hạ tầng CNTT-TT, Ứng dụng CNTT, Công nghiệp CNTT và Nhân lực CNTT-TT. Để phát triển mạnh mẽ, 4 trụ cột này sẽ phải tăng tốc, chiếm những vị trí ưu thế nhất định trên bản đồ CNTT-TT thế giới.

Trong đề cương soạn thảo của Bộ TT&TT, trụ cột về hạ tầng CNTT-TT đề ra các mục tiêu cụ thể như: Các thiết bị thông tin về đến hầu hết các hộ gia đình và mọi công dân có nhu cầu, bao gồm việc đưa các thiết bị nghe, nhìn đến mỗi hộ gia đình, mỗi công dân (như điện thoại cố định, di động, Internet, truyền hình), đạt các chỉ tiêu về mức độ sử dụng dịch vụ tương đương với mức bình quân của các nước công nghiệp phát triển.

Để làm được điều này, cần phải đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, hình thành mạng tích hợp theo công nghệ thế hệ mới, băng thông rộng, dung lượng lớn, mọi lúc mọi nơi với thiết bị truy cập, đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT-TT.

Ứng dụng CNTT-TT cần đạt mức độ phổ biến trong quản lý nhà nước, tổ chức Chính phủ điện tử sâu rộng trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, công nghiệp CNTT được yêu cầu sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất nhiều sản phẩm Việt Nam, ưu tiên đột phá một số ngành như: phần mềm nội dung số...Nguồn nhân lực CNTT-TT phải đạt mục tiêu thuộc nhóm các nước phát triển trong khu vực, phục vụ yêu cầu sản xuất trong nước và bước đầu xuất khẩu quốc tế.

Đề ra các nhiệm vụ cụ thể đối với việc phát triển từng trụ cột, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh vào các yếu tố quan trọng như: Đào tạo nguồn nhân lực nên chia thành 2 cách: đào tạo mũi nhọn để tạo ra những kỹ sư tay nghề cao, có đủ trình độ để thực hiện nhiệm vụ trong nước và hội nhập quốc tế; và đào tạo đại trà nhằm mục tiêu xã hội hóa nguồn nhân lực.

Đặc biệt, việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên lĩnh vực CNTT-TT được xem như một trụ cột quan trọng thứ 5 của một quốc gia mạnh về CNTT. Đó là mức độ sử dụng, phổ cập các dịch vụ: điện thoại, Internet, truyền hình và máy tính của người dân Việt Nam. Tiêu chí đó thể hiện một nền tảng cốt lõi để tiến tới xã hội tri thức.

Ngoài ra, xây dựng những DN nội địa có khả năng làm chủ quốc gia và vươn ra quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng làm nên một quốc gia mạnh. Các DN CNTT-TT Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển rất mạnh mẽ như: VNPT và Viettel trong lĩnh vực viễn thông (tổng doanh thu kỳ vọng của 2 DN này vào năm 2015 là 15 tỷ USD), FPT về phần mềm (phấn đấu 5 tỷ USD doanh thu năm 2015) và các tập đoàn truyền thông lớn như: VTV, VOV, VTC, TTXVN...

Dự kiến, Bộ TT&TT sẽ hoàn thành việc soạn thảo đề án trước ngày 30/6/2009, sau đó xin ý kiến góp ý của các Bộ ngành liên quan, hoàn thiện để trình Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và Thường trực Chính phủ trong tháng 7/2009. Nếu thành công, dự kiến sớm nhất là tháng 8/2009 đề án sẽ được ban hành.

Theo Huyền Chi (VNN)

Đọc thêm