Việt Nam sẽ có 4G sau năm 2015?

Việt Nam sẽ có 4G sau năm 2015? ảnh 1

Dịch vụ 4G sẽ có tại Việt Nam năm 2015. (Ảnh minh họa)

Theo đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32 ngày 27/7/2012. Theo đó, đã quy hoạch băng tần cho 4G với các dải 2.300 MHz - 2.600 MHz. Tuy nhiên, việc cấp phép băng tần cho LTE (công nghệ 4G) nhanh nhất cũng phải đến năm 2015.

Theo nhận định của các chuyên gia viễn thông, không lâu sau khi được phép triển khai công nghệ 3G, các nhà mạng đã rục rịch xin cấp phép thử nghiệm công nghệ 4G. Từ tháng 9/2010, Bộ TT&TT đã cấp 5 giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G cho các doanh nghiệp gồm: VNPT, Viettel, CMC, VTC và FPT. Sau đó, các cuộc trình diễn công nghệ 4G của Viettel đã diễn ra rầm rộ.

Con đường tiến lên 4G của các doanh nghiệp Việt Nam là tất yếu để hội nhập chung với sự phát triển của nền công nghệ thế giới. Tuy nhiên, Cục Tần số Vô tuyến điện khuyến nghị các nhà mạng nên có thời gian thử nghiệm công nghệ 4G để đánh giá công nghệ và nhu cầu của người sử dụng tại Việt Nam trước khi ra quyết định cấp phép. Số liệu năm 2012 của Cục Tần số Vô tuyến điện về lưu lượng dữ liệu trên mạng 3G của Việt Nam cũng đạt mức thấp so với trung bình của thế giới và cần thêm thời gian nữa dịch vụ triển khai trên 3G mới đạt trạng thái bão hòa.

Do đó, Cục Tần số Vô tuyến điện khuyến nghị các nhà mạng nên tập trung tìm giải pháp đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao ARPU (doanh thu trung bình trên thuê bao). Chỉ khi nào lưu lượng 3G tăng lên cao và nhu cầu của người sử dụng lớn, thì việc cung cấp 4G mới có lượng khách hàng nhất định. Nếu trung bình mỗi năm, lượng dữ liệu truyền qua mạng 3G tăng lên gấp đôi, đến năm 2015 sẽ là thời điểm thích hợp nhất để triển khai mạng 4G vì dung lượng các nhà mạng hiện tại khá lớn và có thể đáp ứng tốt nhu cầu người dùng.

Việt Nam là nước nghèo nên việc triển khai LTE cần tính toán vào thời điểm chín muồi về công nghệ, giá thiết bị đủ rẻ và phong phú. Tiêu chí mà cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra là khi lựa chọn băng tần cấp phép cho các công nghệ mới thì băng tần đó phải được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, có vậy mới tạo nên được một thị trường lớn, giá thành dịch vụ và thiết bị đầu cuối sẽ rẻ hơn. Tiếp nữa là chi phí giải phóng băng tần phải thấp nhất có thể.

Theo Đoàn Hạnh (ICTnews)

Đọc thêm