Việt Nam bắt đầu xây dựng “đô thị thông minh”

Việt Nam bắt đầu xây dựng “đô thị thông minh” ảnh 1

Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo.
Thế nào là “đô thị thông minh”?

“Đô thị thông minh” là sự kết hợp giữa không gian đô thị và công nghệ thông tin. Đô thị thông minh sẽ giúp người dân vận hành tất cả mọi công việc trên hệ thống công nghệ thông tin dưới sự điều hành của một trung tâm. Đô thị thông minh làm cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn, môi trường sinh hoạt an toàn và thoải mái hơn.

Phát biểu tại hội thảo “Thông minh + kết nối -  Xu thế phát triển nhà ở và đô thị”, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Theo dự đoán, đến năm 2040, tốc độ phát triển đô thị tại Việt Nam sẽ đạt mốc 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2020 và 10 lần so với hiện nay, theo đó sẽ có thêm khoảng 20 triệu người Việt Nam chuyển đến sống tại các thành phố. Đây là một thách thức lớn lao nhưng cũng mở ra cơ hội quý giá cho Việt Nam trong việc xây dựng các  thành phố phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường theo đúng chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.”

Không ít thách thức

"Cộng đồng Thông minh + Kết nối" được gọi là giải pháp S + CC của Cisco đã được áp dụng để triển khai tại thành phố Songdo, Incheon - Hàn Quốc, Thượng Hải - Trung Quốc, Shah Alam- Malaysia, Florida, New York - Mỹ. Tại Việt Nam, thành phố Đà Nẵng đang đi đầu xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức là không ít, theo nhận định của nhiều chuyên gia.

Theo TS. Đỗ Tú Lan, Phó cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây Dựng), áp dụng hệ thống công nghệ cao để đưa vào phát triển đô thị ẩn chứa nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất hiện nay là điều kiện phát triển cho các đô thị và công trình của Việt Nam chưa đồng bộ, và hạ tầng cũng chưa được phát triển toàn diện. Cho nên khi lồng ghép hệ thống công nghệ cao vào thì sẽ có những khó khăn nhất định. Vấn đề thứ hai là sự tiếp nhận của người dân, đặc biệt là người quản lý đô thị. Để sở hữu những căn hộ thông minh trong khu đô thị thông minh thì người dân bắt buộc phải chi trả một chi phí nhất định trong quá trình sử dụng, và chắc chắn là không rẻ. Thế nên, cái quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức cho người dân để nhận thấy sự khác biệt giữa khu đô thị cũ và đô thị thông minh.

Bà Lan cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam nên có những chính sách thu hút các nhà đầu tư để phát triển thí điểm các công trình thông minh nhằm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng hộ gia đình.

Tuy nhiên, để giải quyết sự thiếu đồng bộ giữa đô thị cũ và đô thị mới, bà Lan chia sẻ, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra những quy chuẩn thích hợp, và cả những nghị định mới nhằm quản lý các dự án đô thị, trách nhiệm giữa cái cũ và mới để quản lý đồng bộ. Hiện tại, một số khu chung cư mới đã được các nhà đầu tư đã áp dụng các quy chuẩn quốc tế để tạo sự cạnh tranh.

Lạc quan để hướng tới cuộc sống kết nối

Bên lề hội thảo, ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Sao Bắc Đầu chia sẻ, mặc dù hiện nay, tại Việt Nam chưa có 1 thành phố nào được định nghĩa là thông minh giống như thành phố Song Do (Hàn Quốc) hay Thành Đô (Trung Quốc). Tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng cũng đang triển khai thiết kế mạng MAN, là cơ sở hạ tầng để có thể kết nối các dịch vụ, liên kết giữa công dân và chính quyền. Từ hệ thống này, Đà Nẵng sẽ phát triển khai ứng dụng e-application dành cho công dân, để đăng ký kinh doanh qua mạng, đăng ký xe, đăng ký khám chữa bệnh… Theo ông Tuấn, hệ thống hạ tầng này là cơ sở để hướng người dùng đến với cuộc sống kết nối. Mặc dù đây mới chỉ là cấp độ thấp nhưng tối thiếu đã cung cấp những dịch vụ căn bản cho công dân,.

Mặc dù chưa thể “định lượng” về thời điểm nào Việt Nam sẽ hiện thực hóa “đô thị thông minh” nhưng ông Tuấn rất lạc quan về dự án này. Bởi theo ông, hiện tại, Việt Nam đã có một hạ tầng kỹ thuật tốt, các tiện ích trên Internet đã hỗ trợ người dân trong nhiều hoạt động. Viễn cảnh mà ông Tuấn vẽ ra cho “đô thị thông minh” sẽ là người dân có thể kiểm soát cuộc sống của mình. Không cần ở nhà nhưng vẫn biết tình trạng trong nhà, trong căn hộ của mình, xem nó chạy như thế nào và có thể bật/tắt thiết bị. Nếu không có công cụ để điều khiển từ xa thì người dân phải chịu một khoản tiền điện rất cao. Ngoài ra, người dân cũng có thể theo dõi con cái thông qua hệ thống video suveilance qua mạng, hoặc quản lý người vào ra tòa nhà, quản lý thời gian sử dụng. “Có thể đến lúc nào đó người ta sẽ không cào bằng cước dịch vụ nữa mà sẽ tính theo mức độ sử dụng của khách hàng, nhưng để như thế thì mỗi người trong tòa nhà sẽ có 1 chiếc thẻ thông minh”.

Theo Khôi Linh (Dân trí)

Đọc thêm