Vì sao Trung Quốc sẽ “vượt mặt” Mỹ về công nghệ

Vì sao Trung Quốc sẽ “vượt mặt” Mỹ về công nghệ ảnh 1

Không khó để nhận thấy Trung Quốc đang tập trung đầu tư rất quyết liệt vào lĩnh vực khoa học công nghệ. Sự đổi mới và quyết tâm này thể hiện ở hầu hết mọi cấp độ và chính sách khiến cho các nhà lãnh đạo Mỹ cảm thấy bất an vì họ hiểu rằng vị thế “siêu cường” của mình đã và đang bị đe dọa. Mỹ cũng đã có những hành động “cản đường” Trung Quốc nhưng theo giới chuyên môn, có những lý do để khiến Mỹ không thể thành công.

1. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất hiểu về kỹ thuật

Hiện nay, 8 trong số 9 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị bao gồm cả chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đều có bằng kỹ sư các ngành về kỹ thuật và chỉ có 1 người có bằng cấp về địa chất. Trong khi đó, trong số 15 thành viên nội các chính phủ Mỹ, 6 người có bằng cấp về luật và chỉ có duy nhất 1 người là Bộ trưởng năng lượng Steven Chu, người đã từng đoạt giải Nobel năm 1997 là có bằng tiến sĩ về vật lý. Cả Tổng thống Obama và phó tổng thống Joe Biden đều là những người có bằng cấp về luật.

2. Lãnh đạo Trung Quốc muốn “vượt mặt” Mỹ về sáng tạo

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã coi sáng tạo công nghệ là mục tiêu toàn cầu của họ trong tất cả các lĩnh vực từ chế tạo siêu máy tính cho đến công nghệ siêu nhỏ (nanotech) và điểm sáng nhất của họ là những sự phát triển vượt bậc trong công nghệ năng lượng sạch.

Hồi tháng 3 vừa qua, viện nghiên cứu PEW của Mỹ đã công bố bản báo cáo cho biết Trung Quốc đã vượt Mỹ trong việc đầu tư cho năng lượng sạch. Năm ngoái, quốc gia đông dân nhất thế giới này đã bỏ ra 34,6 tỷ USD cao gấp đôi so với mức 16,8 tỷ USD của nước Mỹ.

"Thật buồn khi người Mỹ tốn tiền cho việc sản xuất “bim bim” khoai tây nhiều hơn nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng sạch”, John Doerr, một chuyên gia của hãng đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufield & Byer nói trong một cuộc đàm đạo với cựu chủ tịch hãng Microsoft Bill Gates.

3. Trung Quốc có nguồn nhân lực về khoa học và kỹ thuật khổng lồ

Mới cách đây mấy ngày, giới công nghệ Trung Quốc và Mỹ đã tỏ ra rất sửng sốt khi thấy hãng gia công Bleum ở Thượng Hải đưa ra yêu cầu về chỉ số thông minh (IQ) đối với các ứng viên muốn xin việc ở hãng này. Theo đó, các kỹ sư ngành khoa học máy tính máy tính Trung Quốc phải có chỉ số IQ tối thiểu là 140 mới được xét đơn. Theo tính toán, chỉ khoảng chưa đến 1% dân số Trung Quốc có mức IQ cao thế này. Với các ứng viên là công dân Mỹ, Bleum đặt mức IQ chỉ là 125 điểm và đã tuyển dụng khoảng 1.000 kỹ sư người Mỹ.

Câu chuyện này cho thấy, với nguồn nhân lực cao cấp rất dồi dào và có tính cạnh tranh cao, Trung Quốc có thừa điều kiện để cho người Mỹ “ngưởi khói” trong tương lai gần.

Năm ngoái, cả nước Mỹ có khoảng 137.500 người được cấp bằng kỹ sư tong khi Trung Quốc có tới 351.500 người. Một con số đáng để người Mỹ suy ngẫm.

Vì sao Trung Quốc sẽ “vượt mặt” Mỹ về công nghệ ảnh 2

4. Mỹ đang tụt hậu trong giáo dục khoa học và toán học

Chính thượng nghị sỹ Kay Bailey Hutchinson đã phải thốt lên câu này sau khi nghe một cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 5 vừa qua về kết quả học tập của sinh viên ở Texas.

"Ở Texas, chỉ có khoảng 41% học sinh trung học có đủ điểm để theo học môn toán ở cấp đại học và chỉ có khoảng 24% có đủ điểm để theo học các môn sinh học", Hutchinson nói, “Chưa hết, chỉ có khoảng 2% số học sinh nam và 1% số học sinh nữ lớp 9 cho biết chúng mong muốn có được tấm bằng đại học về khoa học hay kỹ thuật. Trong khi đó, 42% số sinh viên đại học của Trung Quốc đang theo học các ngành này”.

5. Trung Quốc đang "gặm dần" công nghệ của Mỹ

Năm 2008, tập đoàn điện tử Sony đã tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất TV cuối cùng của họ ở Mỹ và chuyển một phần công việc sang Mexico. Nhưng cái chính là hầu hết số linh kiện của ngành công nghiệp điện tử lại đang được sản xuất ở châu Á. Minh chứng rõ nét nhất là việc hãng máy tính Dell của Mỹ kiếm được tới 25 tỷ USD mỗi năm từ các nhà máy sản xuất linh kiện của họ ở Trung Quốc.

Alan Blinder, giáo sư kinh tế học của trường đại học Princeton, cựu cố vấn dưới thời tổng thống Clinton cho rằng việc đóng cửa nhà máy TV của Sony ở Mỹ là một tín hiệu tốt cho thấy kinh tế Mỹ đang dịch chuyển sang các ngành sản xuất hàng hóa cao cấp. Nhưng Andy Grove, một đồng sáng lập của hãng Intel mới đây đã có bài đăng trên tờ Bloomberg cho rằng Blinder đã sai: "Chúng ta không chỉ mất đi một số việc làm cho người lao động mà còn bị phá vỡ chuỗi kinh nghiệm – một yếu tố rất quan trọng cho sự tiến bộ của công nghệ”.

Mục tiêu của người Trung Quốc hoàn toàn khác. Họ không coi việc sản xuất những chiếc TV hay linh kiện máy tính là đích đến cuối cùng mà muốn thông qua đó để kích thích sự “tiến hóa” của những công nghệ do người Trung Quốc sáng tạo ra.

“Rõ ràng, họ muốn khuyến khích các hãng công nghệ chuyển sang sản xuất ở Trung Quốc và ép buộc các hãng này phải chuyển bộ phận nghiên cứu – phát triển sang đó. Điều này buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ để được tiếp cận thị trường của họ. Một bước đi rất khôn ngoan nhưng lại tiềm ẩn nhiều sự nguy hiểm với chúng ta”, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gary Locke giải trình trước Thượng viện nước này hồi tháng 6 vừa qua.

Theo Lương Hương (ICTnews / Computerworld)

Đọc thêm