Vì sao DN vẫn “ngại” hải quan điện tử?

HQĐT “chê” đường truyền

Hội thảo Đào tạo “Thủ tục Hải quan điện tử trong môi trường doanh nghiệp” tổ chức tại Đà Nẵng ngày 15/7 đã tập trung “mổ xẻ” để tìm ra vấn đề tại sao doanh nghiệp vẫn “ngại” ứng dụng HQĐT. Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đặt ra tình huống về việc mất dữ liệu khi xảy ra nghẽn mạng, cắt điện bất ngờ. Đây chính là băn khoăn lớn nhất mà các doanh nghiệp “ngại” khi ứng dụng HQĐT.

Điều này đã xảy ra đối với các doanh nghiệp ở TP.HCM khi đang kê khai gần xong thì máy tính bị treo (do đường truyền quá tải) nên toàn bộ dữ liệu bị mất sạch, khiến hàng chục tờ khai của các doanh nghiệp bị “kẹt” lại, không thể chuyển tới hải quan.

Để giải quyết thắc mắc của các doanh nghiệp Đà Nẵng, theo đại diện của Công ty Phát triển công nghệ Thái Sơn, doanh nghiệp không nên khai báo thủ tục hải quan ở một máy tính duy nhất, bởi nếu hỏng máy dữ liệu sẽ bị mất, mà nên lưu ở 3 máy tính khác nhau để tránh tình trạng mất dữ liệu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên in ra giấy các dữ liệu để “yên tâm” hơn. Tuy nhiên, đó không phải là phương án có thể giải quyết một cách triệt để.

Ông Phạm Duy Nhất, Phòng CNTT, Cục Hải quan Đà Nẵng đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp nên kết hợp vận hành vừa tự động vừa thủ công. Bởi hiện nay các sự cố về kỹ thuật vẫn xảy ra do đường truyền và phần mềm còn chậm. Cũng theo ông Nhất, mức tự động hoá khai báo thủ tục HQĐT chỉ có thể đạt tối đa từ 70-80%, phần còn lại các doanh nghiệp nên thực hiện bằng thủ công. Với cách làm nửa tự động, nửa thủ công, các doanh nghiệp đang lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến thời gian doanh nghiệp chờ đợi chấp nhận xuất nhập khẩu từ phía hải quan.

Ông Lê Văn Minh, Trưởng Ban cải cách hiện đại hoá, Tổng cục Hải quan cho rằng, vì hiện nay đang thí nghiệm HQĐT tại 7 địa phương nên mỗi nơi tự thực hiện độc lập, chưa có sự liên kết. Tuy nhiên, cố gắng đến năm 2012, có thể liên thông khai báo trên hệ thống. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho các doanh nghiệp chỉ cần khai báo tại Cục hải quan địa phương khi hàng hoá xuất nhập khẩu qua bất kỳ cảng nào từ TP.HCM, Hải Phòng… Từ đó hệ thống điện tử sẽ gửi khai báo đến các chi cục hải quan mà doanh nghiệp đó chuyển hàng.

Sẽ thân thiện hơn!

Ông Lê Văn Minh cho biết: “Tuỳ theo vị trí, đặc điểm riêng của từng địa phương mà triển khai HQĐT cho phù hợp. Theo đó, sẽ triển khai mô hình nhiệm vụ 3 khối với trung tâm xử lý đặt tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố”. Khối 1 sẽ tiếp nhận thông tin; khối 2 sẽ kiểm tra sơ bộ thông tin kê khai điện tử và kiểm tra chi tiết các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan; khối 3 sẽ đảm nhận việc kiểm tra hàng hoá thực tế. Theo ông Minh, việc triển khai thủ tục HQĐT cần phải có thời gian để các doanh nghiệp “thích nghi” và có lộ trình để thực hiện.

Hải quan Đà Nẵng được đánh giá là đơn vị đi đầu trong việc triển khai công tác khai báo hải quan qua mạng. Đà Nẵng với vị trí là thành phố có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, số lượng doanh nghiệp lớn nên thực hiện khai báo thủ tục HQĐT sẽ góp phần giảm “gánh nặng” cho cả Hải quan lẫn doanh nghiệp. Nếu như năm 2004 chỉ có 474 tờ khai qua mạng thì đến năm 2006 đã tăng lên 10.183 tờ khai và năm 2008 là hơn 19.000 tờ khai.

Dựa trên những kết quả đã đạt được, bắt đầu từ tháng 7/2009 cùng với một số địa phương khác trong cả nước, Hải quan Đà Nẵng tiếp tục thí điểm triển khai khai báo thủ tục điện tử.

Ông Phạm Duy Nhất cho biết: “Trong tháng 7/2009 chúng tôi sẽ chọn 10 doanh nghiệp để ứng dụng thí điểm việc khai báo thủ tục điện tử, đến đầu năm 2010 sẽ mở rộng khai báo cho tất cả doanh nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn ban đầu khi ứng dụng, chúng tôi tin là việc thực hiện hình thức mới này sẽ thân thiện hơn với các doanh nghiệp”.

Theo báo cáo tổng kết của ngành Hải quan, đến nay có khoảng 10.000 doanh nghiệp đăng ký thực hiện thủ tục HQĐT. Mặc dù thủ tục HQĐT còn trong giai đoạn thí điểm, còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng doanh nghiệp đã rất chủ động thực hiện khai báo điện tử. Hiện có 7 địa phương đã triển khai HQĐT là Lạng Sơn, Sơn La, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Báo Bưu Điện VN/ ICTnews

Đọc thêm