Vi phạm tên miền quốc tế bị phạt tới 30 triệu đồng

Cuối tháng 8, Bộ TT-TT, Bộ Công an đã có cuộc họp với các nhà đăng ký tên miền quốc tế nhằm xiết chặt quản lý tên miền quốc tế.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) xung quanh vấn đề này.

Sau cuộc họp trên, Bộ TT-TT đã có quy định thêm trách nhiệm cho các Nhà đăng ký và các chủ thể đăng ký chưa và tình hình tiến triển đến đâu, thưa ông?

Nhằm ngăn chặn việc sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP. Trong đó có các điều khoản quy định cụ thể về việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế, quản lý hoạt động nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ TT-TT đã có Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT, quy định cụ thể về quản lý hoạt động nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam tại hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam làm đại lý cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế (các nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam) phải đăng ký hoạt động với Bộ TT-TT và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo danh sách tên miền quốc tế mà mình đang quản lý theo định kỳ quy định.

Khi triển khai thực hiện các quy định này, thống kê sơ bộ đã có khoảng trên 70 đơn vị đang cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam thuộc diện phải đăng ký hoạt động nhà đăng ký tên miền quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế vẫn còn chưa được quản lý chặt chẽ.

Xuất phát từ lý do đó, Bộ TT-TT, Bộ Công an đã họp với các nhà đăng ký tên miền quốc tế nhằm phổ biến rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà đăng ký tên miền, thông tin của các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đã đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế; các quy định về báo cáo, hướng dẫn chủ thể đăng ký tên miền thông báo sử dụng tên miền quốc tế qua môi trường mạng với Bộ TT-TT. Thống nhất các biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện các quy định quản lý, báo cáo giữa các cơ quan quản lý và các nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.

Đến nay đã có 63 đơn vị hoàn tất thủ tục đăng ký hoạt động nhà đăng ký tên miền quốc tế và đang tiến hành việc tổng hợp, báo cáo danh sách tên miền quốc tế về Bộ TT-&TT qua môi trường mạng.

VNNIC cũng đã tiến hành gửi thông báo nhắc nhở đến các chủ thể sử dụng tên miền quốc tế nhưng chưa thông báo qua môi trường mạng tại website www.thongbaotenmien.vn. Hiện số lượng chủ thể thông báo về Bộ TT-TT tăng nhanh trong hai tuần vừa qua.

Hầu hết các nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam đều nắm được khá đầy đủ cơ sở dữ liệu về khách hàng. Đây là điều kiện thuận lợi để các Nhà đăng ký hoàn tất nhiệm vụ báo cáo theo quy định. Ông đánh giá thế nào về kết quả thực thi đến thời điểm này?

Về nguyên tắc, các nhà đăng ký phải nắm được đầy đủ cơ sở dữ liệu về khách hàng, thông tin về chủ thể, địa chỉ liên hệ của chủ thể thì mới thực hiện được việc thu phí dịch vụ hàng năm. Đây là điều kiện rất thuận lợi và hầu như không gây bất kỳ khó khăn nào cho nhà đăng ký khi thực hiện việc báo cáo danh sách tên miền qua môi trường mạng về Bộ TT-TT, hoàn tất nhiệm vụ báo cáo theo quy định.

Tuy nhiên, đến hết tháng 8-2009, các nhà đăng ký mới báo cáo được 18.500 tên miền trên tổng số hơn 70.000 tên miền quốc tế đã được đăng ký sử dụng tại Việt Nam, chứng tỏ ý thức thực hiện của các nhà đăng ký vẫn chưa tốt. Sau khi được phổ biến rõ các quy định tại cuộc họp, đặc biệt là các quy định xử phạt vi phạm, chắc chắn các Nhà đăng ký sẽ thực hiện tốt hơn trong tháng tới.

Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam
Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam

Thưa ông, nếu chủ thể muốn vi phạm có thể dễ dàng đăng ký trực tiếp với nước ngoài chứ không cần thông qua nhà đăng ký tên miền tại Việt Nam hay không? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trách nhiệm của các nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam là thực hiện nghĩa vụ quản lý thông tin khách hàng, báo cáo đầy đủ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, bản thân các tổ chức, cá nhân đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế (khác với tên miền .vn) cũng phải có nghĩa vụ thông báo trên môi trường mạng với Bộ TT-&TT, ngay cả trong trường hợp đăng ký trực tiếp với các đại lý ở nước ngoài, đăng ký tên miền dưới tên các quốc gia khác như .tv, .jp, .tk... Vì vậy, không thể nói là nếu chủ thể muốn vi phạm thì có thể dễ dàng đăng ký trực tiếp với nước ngoài mà không cần thông qua nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.

Đây là lý do mà Chính phủ đã quyết định quản lý chặt vấn đề này. Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây cũng có đầy đủ chế tài xử phạt tại Thông tư số 05/2004/TT-BBCVT với mức xử phạt từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tên miền quốc tế mà không thông báo.

VNNIC sẽ xử lý thế nào đối với 11 nhà đăng ký tên miền quốc tế chưa thông báo với Bộ về danh sách tên miền mà mình quản lý và 73% tên miền quốc tế chưa được thông báo thông tin về chủ thể đăng ký (tính đến cuối tháng 8)?

11 đơn vị nêu trên chỉ là các đơn vị còn lại trong số 70 đơn vị mà VNNIC đã gửi thông báo nhắc nhở. Trên thực tế số các đơn vị hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế còn cao hơn.

Đối với các đơn vị chưa đăng ký hoạt động nhưng vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ kể cả khi đã được thông báo nhắc nhở thì cơ quan thanh tra sẽ xử lý vi phạm với mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng theo Điều 12 Nghị định số 28/2008/NĐ-CP về phạt hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.

Theo ông, để siết chặt quản lý thì cần thêm biện pháp gì?

Trước hết, rất cần các cơ quan thông tin, truyền thông phối hợp tuyên truyền, phổ biến để chính các tổ chức, cá nhân đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế biết về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong thực hiệc các quy định của pháp luật.

Các nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam cần phải thực hiện tốt nghĩa vụ báo cáo đầy đủ danh sách tên miền quốc tế mà mình đang quản lý về Bộ TT-TT. Đặc biệt, rất cần sự phối hợp của Thanh tra các Sở TT-TT, Thanh tra Bộ trong việc thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm trên cơ sở một hành lang pháp lý đã rất đầy đủ.

Xin cám ơn ông.

Theo quy định rất mở của Bộ TT-TT hiện nay, để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình (thông báo, đăng ký, báo cáo danh sách qua mạng với Bộ TT-TT) các chủ thể, Nhà đăng ký chỉ mất vài phút.

Các thông tin mà tổ chức, cá nhân khi thiết lập trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải thông báo gồm: Tên tổ chức, cá nhân đăng ký tên miền, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, e-mail liên hệ và các tên miền quốc tế đã đăng ký (đối với cá nhân thì bổ sung thêm số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu).

Danh sách tên miền quốc tế mà nhà đăng ký phải thông báo (trước ngày 15 của tháng đầu tiên hàng quý) bao gồm: tên miền, tên chủ thể, địa chỉ liên hệ, e-mail, điện thoại.

Theo THẾ TÙNG thực hiện (ICTnews)

Đọc thêm