KỲ II:

“Vì người rẻ hơn chứ sao”

Trên tất cả mặt sau của iPod, iPhone và iPad, cũng như dưới đáy của laptop Mac, bạn đều bắt gặp dòng chữ: “Được thiết kế bởi Apple tại California. Lắp ráp tại Trung Quốc”.

Bản thân các linh kiện được Apple đặt mua và tập hợp từ hơn 150 công ty trên khắp thế giới. Đại đa số chúng, từ angten, màn hình kính, kim loại, bộ cảm biến, chip... đều được sản xuất tại nước ngoài.

“Vì người rẻ hơn chứ sao” ảnh 1

Cách mà Apple tìm kiếm linh kiện, sản xuất các sản phẩm ở nước ngoài thực ra là một định thức phổ biến trong giới công nghệ. Các nhà máy tại châu Á luôn được đánh giá là có giá thành rẻ hơn và linh động hơn hẳn so với bất cứ châu lục nào khác.

Nhưng với tư cách là hãng công nghệ có giá trị thị trường lớn nhất thế giới, nhiều người coi Apple là một “hình mẫu” kinh doanh. Vì thế, việc Táo khuyết dựa dẫm vào lực lượng lao động rẻ mạt ngoại quốc – đáng chú ý nhất là ở chuỗi nhà máy Foxconn, đã bị một loạt các kênh truyền thông lớn như CNN, The New York Times mở cuộc điều tra, chỉ trích gay gắt.

Apple hiện là khách hàng sộp nhất của Foxconn, bên cạnh Amazon.com, HP, Microsoft và một số đại gia công nghệ khác.Tuy nhiên, Foxconn đang là tâm điểm của mọi sự tranh cãi, khi truyền thông phương Tây lật tẩy nhiều góc khuất tại chuỗi nhà máy này. Đỉnh điểm là một loạt các vụ tự sát hồi cuối năm 2010 và việc nhiều công nhân vừa đe dọa sẽ tiếp tục tự tử hồi cuối tháng Một vừa qua.

Như phóng sự kỳ I của CNN đã cho thấy, hầu hết các công nhân tại Foxconn phải làm việc quần quật cả ngày để thỏa mãn nhu cầu gần như bất tận dành cho các sản phẩm của Apple.

Chỉ trong ba tháng cuối năm 2011, Apple đã bán được tổng cộng 37 triệu iPhone, 15,4 triệu iPad, 15,4 triệu iPod và 5,2 triệu máy tính Mac. Quy đổi ra, hãng đã bỏ túi 46,3 tỷ USD doanh thu và 13,1 tỷ USD lợi nhuận, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010.

Tiền từ đâu?

Câu hỏi đặt ra là: tất cả những lợi nhuận đó từ đâu mà có?

Hãy lấy iPhone làm thí dụ. iPhone 4S hiện đang bán với giá 199 USD nếu như khách hàng đăng ký thêm một hợp đồng 2 năm với nhà mạng. Song AT&T, Sprint Nextel và Verizon đều phải trả cho Apple một khoản tiền lớn hơn vậy nhiều (trong mô hình kinh doanh di động, người ta gọi đây là việc trợ giá). Trên thực tế, nếu người dùng muốn sở hữu một con dế không khóa, họ sẽ phải trả ít nhất 649 USD cho Apple.

Thế nhưng theo ước tính của hãng nghiên cứu iSuppli, chi phí mua linh kiện và lắp ráp iPhone 4S chỉ vào khoảng 196 USD, tức là thấp hơn tới 453 USD cho một chiếc điện thoại không khóa. Tất nhiên, Apple còn mất thêm tiền tiếp thị và nghiên cứu, nhưng dù cho bạn có tính thế nào, Apple vẫn kiếm được khoản lãi béo bở trên mỗi con dế bán được, chuyên gia Tom Dinges của iSuppli kết luận.

Ai cần ai?

Apple hiện quy tụ hơn 60.000 nhân viên nhưng hầu hết đang làm việc trong các cửa hàng bán lẻ. Đối với công tác chế tạo linh kiện và lắp ráp sản phẩm, Apple có một danh sách đối tác dài dằng dặc. Một phần lý do là để tránh phải lệ thuộc vào bất cứ một đối tác/nhà sản xuất nào, đồng thời Apple sẽ có lợi thế khi đàm phán hợp đồng, bởi hãng nào cũng sợ bị cạnh tranh.

Mặc dù vậy, Apple cũng đồng thời tiết chế số lượng đối tác thân thiết. Bằng cách đó, Apple mới có thể duy trì sức ảnh hưởng của mình khi luôn là một trong những khách hàng sộp nhất, Dinges phân tích.

Trong một báo cáo trước đây về các nhà cung cấp, Apple tiết lộ rằng 156 công ty đối tác chiếm khoảng 97% lượng tiền mà Apple chi cho nguyên vật liệu, lắp ráp và sản xuất thiết bị. Khi có một khách hàng lớn như Apple, giành được hợp đồng đều là một sự kiện trọng đại trong mắt của cả 156 công ty đó. Còn trên phố Wall, chúng sẽ đẩy giá cổ phiếu tăng vọt. Nhưng cái giá để có được Apple trong danh sách khách hàng không hề nhỏ. Táo khuyết là một kẻ đàm phán rất rắn mặt và xảo quyệt. Không có gì khó hiểu khi nhiều đối tác phải thúc ép nhân viên và cắt giảm chi phí để có thể tăng lợi nhuận khi làm việc cùng Apple.

Nói hay là chuyện khác

Sau những chỉ trích liên quan đến điều kiện làm việc ở Foxconn, Apple từng công khai tuyên bố rằng họ “quan tâm tới mỗi một công nhân trong chuỗi cung ứng tòa cầu” của mình. Táo khuyết cũng là công ty đầu tiên gia nhập Hiệp hội Lao động Bình đẳng, một “tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu về cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động toàn thế giới”.

“Apple kiếm bộn lợi nhuận nhưng các đối tác thì chưa chắc. Có thể lợi nhuận của Foxconn kiếm được không nhiều như người ta nghĩ”, chuyên gia Geoffrey Crothall của Bản tin Lao động Trung Quốc nêu giả thiết. Hơn nữa, dù Apple có mạnh miệng về việc không tiếp tục làm việc với những đối tác không đáp ứng được môi trường làm việc an toàn, thực tế là rất khó tìm được một nhà sản xuất với chất lượng đảm bảo và tiến độ nhanh như Foxconn.

Sau hơn ba tuần dán hơn 4000 sticker mỗi ngày lên màn hình iPad bằng tay và làm việc 60 giờ mỗi tuần trên dây chuyền lắp ráp, Trần cho biết cô đã sẵn sàng đi học lại và không bao giờ quay lại Foxconn.

“Công việc ở đây thật là tẻ nhạt và tôi không thể chịu đựng được nữa”. Khi được hỏi vì sao con người lại phải làm các việc nặng của máy móc tại Foxconn, Trần nhún vai: “Vì người rẻ hơn chứ sao”.

Theo Trọng Cầm (VNN / CNN)

Đọc thêm