Vẫn mất tiền vì quà “ảo”

Vẫn mất tiền vì quà “ảo” ảnh 1

Mới sáng sớm ngày thứ 2 đầu tuần, ngày làm việc đầu tiên sau dịp nghỉ Tết Nguyên Đán dài ngày, chiếc iPhone của anh Hoàng (nhân viên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đã rung lên vì nhận được tin nhắn: “Chúc mừng năm mới 091XXX. Bạn đã nhận được quà tặng Chúc mừng năm mới qua tổng đài từ người thân. Để nhận dịch vụ quà tặng về máy điện thoại, soạn CT gửi 8754” (đầu số 8X54 do công ty TNHH Thương mại dịch vụ Mắt Bão tại TP.HCM đứng tên cung cấp dịch vụ - PV).

Thấy số điện thoại của mình hiện đầy đủ trong tin nhắn, ngỡ được ai đó dành cho món quà… bất ngờ nhưng họ lại giấu tên, ngay lập tức anh Hoàng soạn lại theo đúng cú pháp được hướng dẫn. Thế nhưng, khi tin bay đi thành công thì anh cũng nhanh chóng nhận được hai tin nhắn với cùng nội dung là đề nghị tải nhạc… “Chúc mừng năm mới và phần mềm Yahoo Chat”. “Chẳng ai đi tặng bài hát Chúc mừng năm mới (mà cũng không hiểu đấy là bài gì) khi Tết đã hết cả tuần lễ!”. Ớ người nhận ra mình dính “bẫy”, anh Hoàng vội kiểm tra tài khoản thì mới biết vừa bị rút 15.000 đồng.

Cũng trong ngày 22/2/2010 chị Dung (sử dụng số 09861XX của mạng di động Viettel) cũng nhận được tin nhắn gửi từ số thuê bao 043.213691812 với nội dung tương tự tin nhắn của anh Hoàng, nhưng lại bị dụ soạn theo cú pháp “G” gửi tới 8781 và “quà” cũng vẫn là lời đề nghị kết nối GPRS để tải bài hát chúc mừng năm mới và phần mềm Chat của Yahoo.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo BĐVN, từ dịp gần Tết Nguyên Đán 2010 cho tới nay, rất nhiều thuê bao trả trước và trả sau thuộc các mạng di động VinaPhone, Mobifone, Viettel… nhận được SMS như hai trường hợp nêu trên, và đây cũng chính là loại tin nhắn “lừa” phổ biến nhất. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao vẫn nhiều người mắc lừa, có thể nhận thấy, kể từ khi SMS rác với “công nghệ” núp dưới dạng nội dung tặng quà hay thông báo trúng thưởng đơn thuần ngày càng khó lừa người dùng, thì không ít đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung đã “uốn lưỡi” chuyển sang bám riết chiêu cho hiển thị đầy đủ số điện thoại mà các “khổ chủ” đang sở hữu.

Về vấn đề lừa đảo nêu trên, trao đổi với phóng viên BĐVN, đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết đã từng lên tiếng cảnh báo người dùng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời cũng khuyến cáo về mức cước sẽ phải trả đối với từng loại tin nhắn (như với dạng X7XX là 15000 đồng, X6XX là 10000 đồng, 5000 đồng với X5XX…), nhưng do rất nhiều người vì tò mò vẫn dễ mắc lừa.

Được biết, hiện bất kỳ ai muốn mua bộ thiết bị và phần mềm có khả năng phát tán hàng nghìn tin nhắn SMS mỗi giờ như iNET Smart SMS, GSM Modem, SMS Seller… với giá từ trên 1-2 triệu đồng, vẫn rất dễ dàng.

Theo Nguyên Đức (ICTnews )

Đọc thêm