Vẫn còn công ty ngang nhiên rao bán phần mềm nghe lén

Thông tin giới thiệu phần mềm nghe lén iPhone 5 trên trang congtyphanmemanhduc.com. Ảnh chụp màn hình ngày 22/7.

Thông tin giới thiệu phần mềm nghe lén iPhone 5 trên trang congtyphanmemanhduc.com. Ảnh chụp màn hình ngày 22/7.

Thời gian qua trên mạng xuất hiện khá nhiều thông tin rao bán phần mềm nghe lén điện thoại như Amaza Tracker, Copyphone, Spyphone, Mobile Spy, Ptracker… dành cho điện thoại chạy hệ điều hành Android, iOS, Windows Phone, BlackBerry với giá bán từ 1-3 triệu đồng hoặc sử dụng theo dạng thuê bao hàng tháng.

Về cơ chế hoạt động, các phần mềm hầu hết đều có tính năng đánh cắp danh bạ, tin nhắn, thông tin cuộc gọi và thậm chí là ghi âm thanh xung quanh, hình ảnh, thống kê lịch sử truy cập trang web, vị trí của máy bị giám sát, phục vụ mục đích nghe lén đối tác, kiểm soát vợ chồng ngoại tình... của khách hàng.

Tìm hiểu của PV trong thời gian gần đây cho thấy, sau khi báo chí lên tiếng phản ánh và mới nhất là việc cơ quan công an khởi tố vụ án Công ty TNHH Việt Hồng về hành vi kinh doanh trái phép phần mềm nghe lén điện thoại Ptracker khiến 14000 thuê bao điện thoại Android trở thành nạn nhân, thu lợi bất chính số tiền 900 triệu đồng, đến nay một số doanh nghiệp do thấy “động” đã nhanh chóng xóa thông tin rao bán phần mềm nghe lén trên website.

Cụ thể, có thể kể đến công ty như A.Đ (trụ sở tại TP.HCM), công ty T.L (trụ sở tại TP.HCM), công ty phần mềm thám tử H.T…; một số website như phanmemthamtu.com, phanmemtheodoidienthoai.com… cũng đã cho rút nội dung rao bán.

Dù vậy, bên cạnh những doanh nghiệp “biết sợ” nói trên, hiện vẫn còn không ít công ty phớt lờ lệnh cấm, ngang nhiên cho đăng thông tin rao bán loại phần mềm này.

Xuất hiện cả phần mềm nghe lén dành cho điện thoại HKPhone.

Xuất hiện cả phần mềm nghe lén dành cho điện thoại HKPhone.

Công ty Cung cấp phần mềm quản lý Anh Đức (địa chỉ tại phố Minh Khai, Hà Nội) là một ví dụ. Hiện công ty này đang rao bán loạt phần mềm giám sát con cái, ngoại tình, giám sát nhân viên… dành cho iPhone, Nokia, BlackBerry và thậm chí cả Vertu. Tuy nhiên trên website không công khai đưa ra giá bán mà đề nghị khách hàng có nhu cầu sử dụng phải liên hệ trực tiếp.

Tại website www.phanmemthamtudienthoai.com của công ty khác có tên Thám tử tư Tứ Hải (địa chỉ tại TP.HCM) hiện đang quảng cáo nhận cài phần mềm theo dõi điện thoại với mức giá 3 tháng 200 USD, 12 tháng 400 USD… kèm theo địa chỉ, số điện thoại chi tiết để khách hàng giao dịch.

Đáng chú ý, hiện cũng có website chỉ đưa ra duy nhất số điện thoại di động và đề nghị người có nhu cầu gọi điện để được hướng dẫn thanh toán, cài đặt từ xa trên phạm vi toàn quốc (như tại website phanmemtham...).

Cũng qua tìm hiểu của ICTnews, hầu hết các công ty, website đăng thông tin rao bán phần mềm nghe lén đều kèm theo các điều kiện khách hàng phải “tự chịu trách nhiệm về mục đích sử dụng phần mềm”, “công ty không chịu trách nhiệm trong việc sử dụng phần mềm vào việc tư lợi hay làm hại người khác”...

Điều 125 Bộ Luật hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”

1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 - 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 - 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm.

( Theo ICTnews)

Đọc thêm