VAIP kiến nghị Quốc hội "cởi trói" cho phần mềm

Trong văn bản đề ngày 22/5 vừa qua, Hội tin học Việt Nam - tổ chức tự nguyện của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý, kinh doanh, phổ biến và ứng dụng CNTT-TT - đã nêu ra một loạt bất cập của Luật SHTT 2005 về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính.

Điểm bao trùm nhất là Luật SHTT năm 2005 quy định bảo hộ chương trình máy tính như tác phẩm viết. Cụ thể, các tác giả có tất cả các quyền nhân thân như tác giả các tác phẩm văn học nghệ thuật khác - ví dụ như quyền đặt tên, quyền đứng tên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm - được bảo hộ trong 50 năm sau khi tác giả cuối cùng chết. Luật SHTT không cho phép đăng ký tác giả là một pháp nhân dẫn đến bất cập: Nếu giám đốc công ty đứng tên tác giả sẽ đối đầu với việc một trong các lập trình viên hoặc những người tham gia dự án phần mềm vì họ trực tiếp tham gia vào công việc viết hoặc sáng tạo ra phần mềm nên hiển nhiên được pháp luật thừa nhận là tác giả.

Nếu theo quy định quyền đứng tên, đưa tên tất các các lập trình viên tham gia dự án vào danh sách tác giả thì có thể sẽ có phần mềm có tới hàng nghìn người. Ghi tên tất cả những người này vào tờ đăng ký bản quyền và giấy chứng nhận bản quyền được cho là thiếu thực tế.

Đặc biệt với quy định về quyền nhân thân tác giả, công ty là chủ sở hữu tác phẩm phần mềm muốn phát triển, sửa đổi, công bố ngừng hay hủy bỏ dự án phần mềm phải được sự đồng ý của tất cả các tác giả (lập trình viên tham gia dự án phần mềm). Điều này tương đồng với việc mỗi khi công ty muốn nâng cấp phần mềm đều phải hỏi ý kiến của các lập trình viên (kể cả khi lập trình viên này không còn làm việc tại công ty nữa) và nếu một trong số họ không đồng ý thì dự án nâng cấp coi như phải ngừng.

Về cơ quan quản lý nhà nước về bản quyền phần mềm, Hội Tin học Việt Nam cho rằng từ năm 2007, các Bộ đã được cơ cấu lại nên Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật. Còn Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức, thực hiện các qui định của pháp luật về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm báo chí, xuất bản và dịch vụ công nghệ thông tin, hay nói theo cách khác là các sản phẩm công nghiệp phần cứng và công nghiệp phần mềm.

Trên cơ sở các kiến nghị của các tổ chức, các doanh nghiệp và các cá nhân hội viên của mình về vấn đề quan đến lĩnh vực CNTT trong Luật SHTT, Hội Tin học Việt Nam xin gửi tới Quốc hội các kiến nghị cụ thể sau:

1. Trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ thay các cụm từ Bộ Văn hoá Thông tin trong điều 11 (3 lần) bằng cụm từ: Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Tại điều về “Quyền tác giả đối vớichương trình máy tính, sưu tập dữ liệu”, đề nghị bổ sung quy định “Giao chính phủ quy định chi tiết việc bảo vệ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu" để Chính phủ có cơ sở xây dựng Nghị định quy định chi tiết phù hợp các đặc thù của quyền tác giả đối với phần mềm máy tính, sưu tập dữ liệu.

Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của SHTT đã được Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng hôm nay. Hai kiến nghị trên đây cũng trùng với ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội.

Theo ICTNews

Đọc thêm