Ứng dụng di động "made in Việt Nam" chưa đủ tầm?

Ứng dụng di động "made in Việt Nam" chưa đủ tầm? ảnh 1

Nhiều ứng dụng của các CP Việt Nam chưa đủ tầm. (Ảnh minh họa. Nguồn: Viettel)
Tiềm năng lớn...

Theo các chuyên gia, thị trường cho các nhà cung cấp nội dung di động của Việt Nam hiện nay đầy tiềm năng khi số thuê bao di động vẫn ở mức cao hơn dân số. Bên cạnh đó, dịch vụ 3G ngày càng phát triển sẽ góp phần không nhỏ thúc đẩy thị trường này.

Đưa ra một ví dụ cụ thể, ông Fabien Lotz (Giám đốc bộ phận phát triển ứng dụng và dịch vụ Nokia Đông Dương) cho hay, hiện mỗi ngày có hơn 9 triệu lượt tải ứng dụng của Ovi trên toàn cầu. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất cao khi nằm trong 5 quốc gia có lượt tải nhiều nhất trên Ovi với 8 triệu lượt/tháng và tiếp tục có xu hướng tăng.

Để khuyến khích khách hàng, Ovi Store sẽ áp dụng nhiều hình thức thanh toán như cho người dùng trải nghiệm ứng dụng rồi mới trả tiền, hoặc có thể mua luôn ứng dụng.

Nhận định đây là một thị trường chiến lược, Nokia đã giúp tạo ra kênh phân phối cho sản phẩm, thúc đẩy những hoạt động marketing để quảng bá đến người dùng, cung cấp các khóa đào tạo, huấn luyện và cả các công cụ, phương tiện hoàn toàn miễn phí hỗ trợ cho CP có thêm điều kiện phát triển.

“Chúng tôi sẽ xây dựng đội ngũ hỗ trợ các CP bởi khi họ giàu, nhà mạng sẽ giàu và Nokia cũng giàu,” ông Fabien Lotz nói.

Thông thường, CP khi có sản phẩm thường liên kết với các nhà mạng để quảng bá và bán dịch vụ. Ngoài ra, một kênh phân phối sản phẩm khác chính là “chợ” của các đơn vị sản xuất (Apple Store, Ovi Store, F-Store…). Tuy nhiên, thị trường này ở Việt Nam cũng chứng kiến sự vào cuộc của một số hệ thống bán lẻ và đây cũng sẽ là cơ hội cho các CP “ăn chia” sản phẩm của mình với giá cao hơn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh ngành hàng dịch vụ giá trị gia tăng của Công ty Viễn thông A nhận định, thời gian tới thị trường điện thoại thông minh (smartphone) tại các đô thị lớn sẽ phát triển. Đây chính là cơ hội vàng dành cho các nhà cung cấp nội dung.

Phía Nokia khuyến khích các đơn vị cung cấp ứng dụng hợp tác với tỷ lệ 70%-30%. Trong 30% thu được, Nokia sẽ trích ra để trả phí cho nhà mạng.

Về phần mình, Viễn thông A đã “nhảy” vào thị trường nội dung số từ đầu 2011. Đơn vị này đã hợp tác với 10 nhà cung cấp nội dung, cung cấp 50 ứng dụng cho khách hàng. Theo đó, khi khách hàng muốn có ứng dụng sẽ phải trả phí được phát một “key” để cài đặt. Cuối tháng, sẽ căn cứ vào số “key” bán được để trả tiền người viết ứng dụng theo tỷ lệ 40% cho Viễn thông A và 60% cho các CP.

“Với việc hợp tác cùng nhà bán lẻ, các CP sẽ không phải lệ thuộc vào các nhà mạng. Ngoài ra, chúng tôi còn tư vấn trực tiếp cho khách hàng trên từng ứng dụng, cài từng loại máy… để bảo đảm quyền lợi của nhiều phía,” ông Tuấn nói.

...nhưng “chợ” vẫn lèo tèo

Rõ ràng hơn lúc nào hết, cơ hội kiếm tiền của các CP đang được mở ra một cách rõ rệt. Nó rộng hơn rất nhiều so với khoảng thời gian trước, khi mà họ chỉ có đường duy nhất là bán sản phẩm thông qua các nhà mạng.

Nhìn thẳng, các chuyên gia cho rằng, các ứng dụng mà CP Việt Nam xây dựng chưa thực sự có tầm để thu hút được người dùng. Các CP còn phát triển nhiều ứng dụng “na ná” nhau, không có quá nhiều khác biệt, không tạo được giá trị lớn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, vấn đề ý tưởng cũng còn hạn chế. Nhiều nhà cung cấp nội dung viết ứng dụng nhưng không để ý đến nhu cầu, mong muốn của người dùng.

“Nếu chỉ làm như vậy, các CP sẽ khó tạo ra được sự khác biệt. Điều quan trọng là họ cần phải biết xây dựng được ý tưởng dựa trên cơ sở người dùng muốn gì, cần có trải nghiệm gì, để từ đó có những ứng dụng phù hợp đối với nhu cầu thị trường, tạo nên sự khác biệt so với các doanh nghiệp khác và đồng thời mở rộng được thị trường,” ông Fabien Lotz cho biết.

Do đó, muốn thành công, các CP cần phải có chiến lược rõ ràng, tạo ra các ứng dụng có giá trị cao. Ngoài ra, họ phải quảng bá ứng dụng trên nhiều kệnh phân phối để tiếp cận gần hơn nữa với khách hàng.

Phía Nokia cũng cho biết, trên Ovi Store, phần lớn khách hàng ở Việt Nam tải ứng dụng nước ngoài. Số ứng dụng “made in Việt Nam” được tải còn rất ít. Chỉ có ứng dụng Socbay iMedia của Công ty Nairscorp là được gần 2 triệu lượt tải.

Trong cẩm nang dành cho khách hàng, trong số 12 ứng dụng được Nokia giới thiệu nổi bật cũng mới chỉ có VietnamPlus Mobile - phần mềm đọc báo đa ngôn ngữ đầu tiên trên mạng viễn thông tại Việt Nam - và Zing MP3 là phần mềm của Việt Nam.

Tại Viễn thông A, các ứng dụng bán ra cũng chỉ phần lớn tập trung vào diệt virus, từ điển… mà thôi.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ ở góc độ CP, ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng Giám đốc Nairscorp cho biết, để nắm lấy “cơ hội vàng” này, các CP nên phát triển các ứng dụng theo 3 hướng: Ứng dụng cho dòng máy chạm (Touch), phát triển các ứng dụng định vị và các ứng dụng thanh toán qua Mobile.

“Tôi đồng quan điểm với các nhà mạng, nếu các CP vẫn tiếp tục khai thác các nội dung phổ biến như sổ xố, bóng đá, nhạc… thì chắc chắn giá trị mang lại sẽ không lớn. Muốn thành công, các CP phải đưa ra các giải pháp, ứng dụng khác trên mobile có giá trị thực thụ, tạo ra giá trị cho cộng đồng,” ông Tài chốt lại./.
Mobile Monday: Thúc đẩy hợp tác ngành di động

Mobile Monday (MoMo) là cộng đồng mở toàn cầu được thành lập lần đầu tiên tại Helsinki (Phần Lan) năm 2000 và đến nay đã có mặt tại trên 70 quốc gia.

MoMo được biết đến như một cộng đồng dành riêng cho ngành công nghệ di động, thông qua các sự kiện, các buổi gặp mặt trực tiếp cùng với sự tiếp xúc trong môi trường ảo để xây dựng, thiết lập các mối quan hệ giữa các cá nhân, cùng nhau chia sẻ kiến thức, tầm nhìn về thị trường di động.

Năm 2008, MoMo được khai sinh tại Việt Nam, sau đó một thời gian, cộng đồng này ngừng hoạt động. Đến tháng 9/2011, MoMo Việt Nam chính thức trở lại, được tổ chức định kỳ 2 tháng/lần, luân phiên ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện cho MoMo Việt Nam là ông Lê Quang Anh, Giám đốc AiTi Aptech, ông Dương Hữu Quang, Giám đốc Topica và ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng giám đốc Naiscorp.

Theo Trung Hiền (Vietnam+)

Đọc thêm