Ứng dụng CNTT trong ngân hàng chưa đều

Ứng dụng CNTT trong ngân hàng chưa đều ảnh 1

Ảnh: minh họa

Còn khó khăn trong kết nối

Phát biểu tại hội thảo Banking Việt Nam 2009, sự kiện CNTT do Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 10/12 tại TP.HCM, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngân hàng được xem là một trong những ngành ứng dụng CNTT tốt nhất, khi tỷ lệ máy tính/đầu người trong lĩnh vực ngân hàng cao, chiếm tới 80% (trong đó 100% nhân viên đều có nghiệp vụ), 98% máy tính ở các ngân hàng được kết nối mạng và 57% máy tính kết nối băng thông rộng.

Hệ thống an ninh mạng cũng được xếp vào loại tốt khi 90% đã có tường lửa, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn IDS/IPS, 79% có mạng riêng ảo VPN và 100% được trang bị các biện pháp phòng chống virus, hơn 85% có hệ thống dự phòng sẵn sàng cao. Có 6 ngân hàng đã xây dựng Data Center. Phía ngân hàng cũng đã bước đầu áp dụng chính sách an ninh theo chuẩn quốc tế và tỉ lệ đầu tư phần cứng hay phần mềm cũng cao (65/35).

Cùng với đó, các ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ cũng đã có nhiều bước tiến như có hệ thống thanh toán quốc gia, các ngân hàng đã có cổng thông tin điện tử, website, áp dụng hệ thống Core banking và các dịch vụ hiện đại như internet banking, mobile banking, ví điện tử…

Tuy nhiên theo ông Hùng, mặc dù ứng dụng CNTT tốt như thế, nhưng phía ngân hàng cũng còn rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực này, cụ thể là không đồng đều, dẫn đến gây ra cản trở trong việc kết nối giữa các ngân hàng với nhau, tốn nhiều thời gian cũng như kinh phí. Và một vấn đề muôn thuở nữa chính là nguồn nhân lực CNTT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; Các chính sách, tiêu chuẩn và hướng dẫn CNTT thiếu, chưa đồng bộ giữa nhà nước và ngành; Chi phí đầu tư, rủi ro cao và nghiệp vụ ứng dụng CNTT còn hạn chế, thiếu liên kết.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng có cùng quan điểm về tình hình khó khăn như trên trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Bên cạnh đó ông Dũng cũng cho rằng, đa số các ngân hàng đã có hạ tầng kỹ thuật về CNTT tốt, nhưng hầu hết ứng dụng lại chủ yếu dừng lại ở kết nối giao dịch toàn hệ thống mà chưa có chính sách phát triển sản phẩm dịch vụ ra công chúng.

Ngoài ra còn có những yếu tố khách quan ảnh hưởng như thu nhập của dân cư còn thấp, chưa hiểu biết nhiều về dịch vụ của ngân hàng và người dân còn có thói quen phổ biến sử dụng tiền mặt. Áp lực cạnh tranh trên thị trường dịch vụ giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt cùng với sự gia nhập thị trường tiền tệ - dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài; các định chế về tài chính khác tại Việt Nam.

Ứng dụng CNTT trong ngân hàng chưa đều ảnh 2

Tiếp tục đầu tư mạnh về CNTT

Trước những khó khăn như trên, ông Hùng cho biết đó là chuyện rất bình thường trong điều kiện phát triển của các ngân hàng hiện nay. Vấn đề này sẽ được khắc phục trong thời gian tới, mà cụ thể là phía Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh việc đầu tư ứng dụng CNTT trong các ngân hàng, đưa ra các định hướng về chính sách, mô hình nghiệp vụ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực.

Về việc ứng dụng CNTT không đồng đều gây ra khó khăn trong việc kết nối giữa các ngân hàng, phía Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành những tiêu chuẩn về các công nghệ trong hoạt động. Đồng thời tổ chức các buổi hội thảo như Ebanking để đưa ra các định hướng, giải pháp để giúp các ngân hàng khắc phục các điểm yếu của mình; liên kết với các bên cung cấp dịch vụ về CNTT để các ngân hàng chọn các giải pháp cần áp dụng. Khó khăn về nhân lực sẽ được giải quyết bằng cách sẽ đưa ra các chính sách thu hút nhân tài như ở các nước tiên tiến khác trên thế giới.

Việc làm được xem là thiết thực nhất chính là định hướng trang bị các hạ tầng mạng diện rộng tốc độ cao, xây dựng an ninh CNTT theo tiêu chuẩn ISO 27001, xây dựng các trung tâm dữ liệu – dự phòng thảm hoạ, hình thành các tổ chức cung ứng dịch vụ…Việc quản lý rủi ro về CNTT trong từng ngân hàng cũng sẽ từng bước được hoàn thiện.

Nhìn chung trong thời gian tới việc ứng dụng CNTT ở các ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh và theo định hướng đến năm 2015, các ngân hàng sẽ có một hạ tầng kỹ thuật CNTT hoàn chỉnh, hiện đại, đem lại hiệu quả thiết thực cho ngành và nền kinh tế đất nước.

Chiến lược phát triển CNTT chung của ngân hàng trong thời gian tới sẽ hướng đến việc đa dạng hoá sản phẩm như cung cấp dịch vụ ngân hàng qua di động, Internet, hay các dịch vụ mới như ứng dụng 3G, nhằm đưa các dịch vụ đến người dân đơn giản hơn.

Theo Lê Mỹ (ICTnews)

Đọc thêm