Tuyệt chiêu bảo vệ điện thoại

Không chỉ canh giật điện thoại lén lút, kẻ cướp ngày càng táo tợn khi mới đây chúng giật máy tính bảng trước mặt khổ chủ đang ngồi uống nước. Vấn nạn cướp giật càng khiến người dùng đề phòng, sử dụng các thiết bị công nghệ cẩn thận hơn và tìm ra nhiều giải pháp bảo vệ.

Ra đường không dám nghe máy

AnhTrương Đức Long, một dân chơi smartphone (quận Phú Nhuận), cho biết trước vấn nạn cướp giật, anh cũng như nhiều bạn bè mê công nghệ tự tìm những giải pháp bảo vệ khác nhau. Ngoại trừ việc nhìn trước ngó sau khi nghe điện thoại ngoài đường, anh Long chọn giải pháp dùng một điện thoại “cùi” để xài kèm chiếc smartphone đắt tiền. Qua đó, anh dùng dịch vụ chuyển cuộc gọi của nhà mạng, mỗi khi có người gọi đến chiếc smartphone điện thoại lập tức máy sẽ chuyển sang số của chiếc điện thoại rẻ tiền.

Còn theo anh Hoàng Giang (quận 1), anh từng là nạn nhân của một vụ giật điện thoại, khi đó anh đang chụp ảnh cho nhóm bạn thì bị kẻ cướp từ đằng sau bóp cổ và giật mất chiếc HTC Titan. Từ đó đến nay anh xài điện thoại hết sức kỹ lưỡng, chịu khó mua thêm một chiếc tai nghe hầu như lúc nào anh cũng mang theo tai nghe Bluetooth khi ra đường. Mặc dù hơi bất tiện và không quen nhưng đây là giải pháp chống cướp giật khá hiệu quả. Thậm chí đến quán cà phê, khi dùng thiết bị anh Giang cũng không dám ngồi ở quán cóc và chỉ ngồi ở các hàng ghế trong cùng.

Anh Trần Lâm Thông, quản trị một diễn đàn công nghệ, cho biết hiện nay chính anh và nhiều thành viên trên diễn đàn chấp nhận bỏ tiền để mua các phần mềm như Bkav, Kasperky để cài vào máy. Các phần mềm này dẫu mất phí nhưng việc chống trộm hiệu quả và an toàn hơn phần mềm miễn phí.

Tuyệt chiêu bảo vệ điện thoại ảnh 1

Việc tìm ra phần mềm chống mất cắp điện thoại miễn phí không còn là chuyện khó. Ảnh: BÁ HUY

Phòng bệnh hơn chữa bệnh               

Bên cạnh thói quen của nhiều người dùng thay đổi, trên các diễn đàn mạng xuất hiện khá nhiều “chiêu” chống trộm khá thú vị. Theo đó, khuyên người dùng khi mới mua máy nên nhớ thông tin mã số của máy. Có thể dùng bút tàng hình viết địa chỉ, số điện thoại nhà riêng lên cả điện thoại và pin để dễ nhận dạng. Hoặc thiết lập địa chỉ lên màn hình khóa, kẻ trộm hay người nhặt được biết địa chỉ trao trả. Ngoài ra, người dùng cũng có thể cài đặt bảo vệ và chống trộm bằng SIM. Sau khi cài đặt, mỗi khi điện thoại bị tháo và lắp vào SIM khác vào sẽ có tin nhắn tự động gửi về số điện thoại thứ hai đã được thiết lập trước.

Mặc dù có khá nhiều chiêu trò chống cướp giật thế nhưng theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển Bkav, tình trạng trộm cướp hoành hành thì thói quen người dùng đã có thay đổi nhưng thực tế việc thay đổi này chưa nhiều. Nhiều người vẫn xem smartphone là thiết bị thời trang nên các quy tắc về bảo mật hay chống trộm vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Còn theo anh Lê Duy, quản trị của diễn đàn Mobiworld, thực tế các giải pháp chống trộm có nhiều nhưng việc tìm lại được thiết bị thì không dễ, khó khăn từ khâu tìm ra địa điểm đến cả việc báo công an. Với những kẻ trộm “cao tay”, sau khi giật được máy họ tháo pin và có thể đến các tiệm sửa chữa cài đặt lại thiết bị, khi đó mọi dữ liệu hay khả năng truy tìm sẽ không còn. Việc chống trộm thì người dùng đề phòng trước khi sự cố xảy ra là quan trọng hơn cả.

Tràn ngập giải pháp chống trộm

Việc chống mất cắp điện thoại hay máy tính bảng đang trở thành xu hướng được quan tâm. Trên kho các kho ứng dụng như Android hay Appstore xuất hiện khá nhiều phần mềm chuyên dụng lẫn phần mềm diệt virus có chức năng chống trộm. Những phần mềm loại này cho phép người dùng điều khiển, kiểm soát được điện thoại di động từ xa khi điện thoại đó kết nối Internet hay 3G, thậm chí có thể chụp ảnh cả đối tượng. Ngay chính các hãng sản xuất, đơn cử như Samsung cũng tích hợp sẵn dịch vụ chống trộm bằng dịch vụ riêng.

NHƯ VŨ

Đọc thêm