Truyền hình cáp: Vấn nạn phát không phép

“Được mùa”…

Nếu như cách đây khoảng 16,17 năm, thị trường dịch vụ truyền hình cáp mới chỉ có… độc nhất nhà cung cấp dịch vụ là công ty truyền hình cáp Saigontourist SCTV, thì tới thời điểm này, Việt Nam đã có khá nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường được đánh giá là màu mỡ này.

Sau SCTV, các đài truyền hình của trung ương và địa phương đã tham gia cung cấp dịch vụ như VCTV (Đài truyền hình Việt Nam), HTVC (Đài truyền hình Hà Nội), truyền hình cáp của PTTH Nam Định, Nghệ An…

Ưu điểm của loại hình dịch vụ này là có thể cung cấp rất nhiều kênh chương trình đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài các kênh chương trình trong nước, người dùng có thể tiếp cận trực tiếp với hàng chục kênh quốc tế thông qua dịch vụ này.

... nhưng “động đâu, sai phạm đó”

Nam Định là địa phương phát triển hệ thống truyền hình cáp khá sớm so với các địa phương trên cả nước. Theo đánh giá của đại diện sở Thông tin và Truyền thông Nam Định, những năm qua, hoạt động truyền hình cáp phát triển nhanh, thu được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đáp ứng yêu cầu thưởng thức truyền trình chất lượng cao của người dân.

Song vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó là hoạt động kinh doanh loại hình dịch vụ này “động đâu, sai phạm tới đó”. Vấn nạn phát không phép về nội dung, phát tăng kênh so với đăng ký đang diễn ra khá tràn lan.

Khi tiến hành thanh tra hoat động truyền hình cáp tại thành phố Nam Định (dịch vụ do Đài PTTH phối hợp với công ty TNHH truyền hình cáp Nam Định thực hiện) và tại hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng do công ty cổ phân Viễn thông và Du lịch Rạng Đông thực hiện đều phát hiện những sai phạm phải xử lý hành chính. Một trong những sai phạm đó là phát chương trình nội dung chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng đề cập tới tình trạng này, Giám đốc sở TT&TT TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết, hiện sở đang thanh tra một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Kết quả thanh tra cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phát tăng hơn 30% số kênh so với đăng ký và được cấp phép.

Cùng với đó, theo ông Hà, sự lỏng lẻo trong quản nội dung chương trình truyền hình cáp cũng đang đặt ra cho các cơ quan chủ quản cùng cơ quan quản lý nhà nước phải có những biện pháp xử lý, xiết chặt. Ở thời điểm này là chưa muộn, nhưng nếu không được quan tâm đúng mức thì sẽ gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng khó lường trước.

Phải xiết chặt công tác quản lý

Từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực phát thanh truyền hình nói chung và truyền hình cáp nói riêng, sở TT&TT Nam Định đã đặt ra một số vấn đề. Hiện các văn bản quản lý nhà nước còn thiếu, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, do vậy quá trình thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Sự nhập nhèm trong việc hợp tác cung cấp dịch vụ truyền hình cáp giữa các đài truyền hình với doanh nghiệp đang tạo nên một lỗ hổng lớn trong quản lý. Đã có hiện tượng một mô hình đài truyền hình được hình thành khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp mà thực chất đây chỉ là dịch vụ mua - bán chương trình cho người sử dụng.

Xét về tư cách pháp nhân, Đài PTTH địa phương là đơn vị phù hợp nhất để đứng ra triển khai dịch vụ này. Tuy nhiên, năng lực tài chính của đài địa phương lại có hạn, chưa đáp ứng được do hoàn toàn phụ thuộc vào kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước nên phải phối hợp với một doanh nghiệp, tổ chức khác để thực hiện. Do vậy, việc tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của mạng truyền hình cáp còn nhiều bất cập cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

Giám đốc sở TT&TT TP.HCM Lê Mạnh Hà cho rằng, cần phải có những biện pháp quản lý tốt hơn dịch vụ này. Hiện nay, việc cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp còn nhiều sơ hở, nhất là vấn đề quản lý nội dung còn khá lỏng lẻo.

Được biết, mới đây, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BTTTT quy định một số yêu cầu về quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự tại đầu cuối của người sử dụng dịch vụ. Thông tư quy định cụ thể yêu cầu về dải tần số hoạt động, tín hiệu cao tần, tín hiệu hình, tín hiệu tiếng…

Theo thông tư, việc cấp phép, quản lý hoạt động của đơn vị cung cấp dịch vụ THC tương tự được thực hiện theo Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Nhà nước đối với cơ quan báo chí.

Các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm (trước 15/12) với các nội dung: Phát triển thuê bao, Phát triển hạ tầng, Phát triển dịch vụ, Phát triển nội dung chương trình, Công tác giải quyết khiếu nại, chăm sóc khách hàng, Công tác đảm bảo chất lượng…

Chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2009, tin rằng, thông tư sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho việc quản lý loại hình dịch vụ này đi vào khuôn khổ.

Theo VnMedia

Đọc thêm