Trâng tráo như hàng Apple nhái tại Việt Nam

Nhái từ máy cho đến AppStore, cửa hàng chính hãng

Cách đây chừng vài tháng, một phóng viên nước ngoài đã đăng tải bài viết phẫn nộ về chuỗi cửa hàng Apple rởm tại Côn Minh (Trung Quốc) và ngay sau đó cơ quan lập pháp nước này đã vào cuộc làm rõ trắng đen, đóng cửa các đơn vị này.

Nhưng hỡi ôi, đó chỉ là thực tế ở nước bạn, còn tại Việt Nam, số lượng cửa hàng dán nhãn Authorized Reseller hay Premium Reseller nhiều nhan nhản đến mức ngay cả người trong cuộc cũng không phân biệt được thật giả.

Thử dạo qua một vòng các tuyến phố như Xã Đàn, đường Hoàng Cầu mới, Nguyễn Du, không khó khăn để bắt gặp những cửa hàng dán mác "uỷ quyền" của Apple trong khi thực tế thì không hoàn toàn là vậy.

Một phần trong số này là các đại lý bán lẻ của các đơn vị được chứng nhận của Apple nhưng sử dụng các chứng nhận một cách tuỳ tiện và từ đó phát sinh ra những hệ luỵ "cửa hàng nhái".

Anh Anh Tuấn, du học sinh Mỹ về Việt Nam cho biết: "Tuần trước tôi ra cửa hàng dán nhãn Apple Authorized Reseller để làm dịch vụ bảo hành iPod Touch mua tại Mỹ thì tại đây từ chối và chỉ nhận bảo hành dịch vụ với mức giá trên trời. Điều đáng nói là, ngoài việc sửa chữa máy, cửa hàng này cũng bao luôn việc ghép SIM unlock iPhone, jailbreak máy - những hành động mà Apple tuyệt đối cấm với các đơn vị bán lẻ của mình".

Đây là thực trạng chung tại các cửa hàng bán không thuộc mạng lưới chính thống của Apple và có lẽ tình trạng này sẽ mãi là muôn thưở.

Trâng tráo như hàng Apple nhái tại Việt Nam ảnh 1

Ngay cả khi cầm trên tay, không phải ai cũng có thể nhận ra đây không phải Apple iPhone 4S.
Trong một diễn biến khác, chị Lương Minh Hoà kể lại việc suýt bị lừa mua iPhone 4S bằng một điện thoại chiếc điện thoại i xì, và được bảo hành chính hãng, có hoá đơn tại Việt Nam. Chiếc điện thoại chị đề cập đến chính là chiếc HKPhone 4S Retina, hiện đang được một đơn vị kinh doanh có tư cách pháp nhân quảng cáo và rao bán rầm rộ tại Việt Nam.

Lợi dụng hình thức y hệt từ chất liệu cho tới phần mềm giao diện của HKPhone 4S Retina, kẻ lừa đảo đã suýt lừa được chị Hoà bằng chiêu bài "em đang túng tiền thua bóng, cần bán gấp" và may mắn thay trước khi mua máy, chị đã chột dạ gọi điện nhờ em trai đến xem hộ và phát giác.

Điều đáng nói là, với việc "nhái" toàn bộ kiểu dáng iPhone 4S, doanh nghiệp kinh doanh HKPhone cũng thản nhiên quảng cáo rằng chiếc điện thoại họ phân phối giống 99% siêu di động của Apple và quả thực, nếu không phải là người trong nghề, cầm 2 chiếc điện thoại một của Apple, một của HKPhone thì chắc chắn khó lòng mà phân biệt được.

Trao đổi với anh Tiến Dương, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực sửa chữa và bảo hành sản phẩm Apple, anh cho biết: "Các sản phẩm của HKPhone đều có xuất xứ từ Trung Quốc với một vài linh kiện và kiểu dáng ăn theo sản phẩm của Apple hay các hãng như HTC, Sony Ericsson. Tuy nhiên, vì Apple hay các nhà sản xuất kia không tham gia đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam nên việc HKPhone đường đường chính chính phân phối điện thoại nhái iPhone 4S chẳng khác nào vụ việc “xe máy Piaggio ruột Honda” mà báo chí phản ánh cách đây ít lâu".

Quả thật, nếu thoạt nhìn chiếc HKPhone Retina 4S này, phải thừa nhận rằng sẽ có tới 90% người tưởng rằng đây là điện thoại do Apple sản xuất. Kết cấu máy y hệt, màn hình có độ nét cao và chỉ có thể phát hiện khi truy xuất các ứng dụng trong máy bởi chiếc máy này chạy trên nền Android thay vì iOS như các sản phẩm của Apple. Tuy nhiên, rất nhiều phản hồi về chất lượng pin, loa ngoài cũng như một vài tính năng khác như chơi game, rung phản hồi của điện thoại này là rất kém - một sự chênh lệch giữa siêu di động trị giá hơn 16 triệu và hàng "nhái" chỉ 4,2 triệu.

Nhái "phần cứng" từ cửa hàng cho đến máy như thế, các "tay chơi" Việt Nam còn không ngại bệ nguyên xi cả kho ứng dụng của Apple thành đồ của mình, kinh doanh chợ ứng dụng ảo tại AppStore.vn.

AppStore là thương hiệu vốn cả Apple và Amazon vẫn đang tranh giành sở hữu, còn tại Việt Nam, tên miền AppStore.vn nghiễm nhiên thuộc quyền quản lý của một đơn vị tư nhân và thực hiện kinh doanh các ứng dụng... vi phạm bản quyền.

Chỉ hỗ trợ các dòng máy iOS, AppStore.vn thu hút hàng ngàn lượt truy cập mỗi ngày để chia sẻ nguồn nội dung từ ứng dụng cho tới game cao cấp, game... người lớn trên nền HĐH này. Việc trở thành thành viên là hoàn toàn miễn phí nhưng để tải được các ứng dụng/game nhanh và cập nhật hơn, người dùng sẽ phải trả phí qua hình thức nhắn tin đầu số ngắn đầu số 6x81.

Điều đáng nói là, ban quản lý website này đã đẩy quả bóng trách nhiệm sang thành viên bằng cách cho rằng thành viên sẽ phải chịu trách nhiệm về bản quyền, nội dung tải lên, chia sẻ tại AppStore.vn, còn về phần mình, họ sẽ... kinh doanh và thu phí một cách... vô tội. Và theo tìm hiểu thì hầu hết những nội dung số trên kho dữ liệu này đa phần toàn ứng dụng vi phạm bản quyền - vốn luôn là thứ hàng “hot” đối với người dùng.

Khi được hỏi về bản quyền tại kho ứng dụng này, một đại diện của Gameloft cho biết, họ có nghe đến sự tồn tại của AppStore.vn nhưng chắc chắn không liên quan cũng như đưa nội dung lên kho ứng dụng này. Gameloft hiện chỉ phát hành ứng dụng thông qua các kênh phân phối chính là các mạng di động và các kho ứng dụng của các hãng gồm Apple, Amazon và Google.

Trâng tráo như hàng Apple nhái tại Việt Nam ảnh 2

Kho ứng dụng "nhái" chuyên doanh đồ... lậu, vi phạm bản quyền nội dung số.
Người dùng Việt hãy tự bảo vệ mình!

"Hãy tự bảo vệ mình trước những kẻ ăn cắp trâng tráo", đó là lời của anh Nguyễn Khắc Toàn, luật sư một văn phòng luật tại Hà Nội. Theo anh cho biết, với chế tài và các hàng lang pháp lý như hiện nay, rất khó để phân xử được trừ phi xác định rõ được đối tượng lừa đảo và thiệt hại gây ra.

Trong khi đó, đơn cử như việc iPhone 4S "nhái" được rao bán chính hãng, có hoá đơn, có bảo hành như một sự thách đố với các cơ quan lập pháp cũng như những đại lý làm ăn chân chính. Câu chuyện này được ví như tranh cãi giữa Honda, Piaggio và xe Diamond Blue và theo anh Toàn thì: "Nếu HKPhone đăng ký sở hữu bản quyền kiểu dáng công nghiệp thì cũng...bằng hoà" và rồi vụ việc sẽ chẳng đi đến đâu.

Ở một diễn biến khác, việc AppStore.vn đăng tải các nội dung vi phạm bản quyền rõ như ban ngày thì việc đẩy trách nhiệm này sang các thành viên upload đang là một hướng đi đầy khôn lỏi và toan tính của ban quản trị. Ngay khi có bài báo đăng tải về ông chủ của kho dữ liệu này, hàng loạt lời bình đã chỉ trích gay gắt cách làm giàu kiểu chụp giật trên công sức của người khác mà AppStore.vn đang tiến hành.

Về pháp lý, AppStore.vn chỉ là một cái kho để nhà phát hành, thành viên tự do đăng ký, đăng nhập và tải nội dung lên để chia sẻ với các thành viên khác, và người dùng muốn lấy dữ liệu về, muốn được hưởng những quyền lợi như download nhanh hơn, cập nhật mới hơn thì phải... trả tiền cho AppStore.vn. Lẽ dĩ nhiên, những ai tải bản ứng dụng "lậu" từ đây về để cài đặt đều đã phải jailbreak máy (vi phạm quy định bảo hành chính hãng) cũng như không có khả năng cập nhật ứng dụng một cách chính thống từ nhà phát hành.

Đó là còn chưa tính tới trường hợp các ứng dụng tải về từ đây nhiều khả năng sẽ bị gắn kèm mã độc hay virus, dẫn tới các tình huống mất mát dữ liệu hoặc gây hỏng máy do các xung đột phần mềm.

Vậy là, trước khi được một chế tài bảo vệ, người tiêu dùng buộc phải học cách tự bảo vệ mình trước. Nhưng, bảo vệ ra sao và bằng cách nào thì lại tuỳ thuộc độ hiểu biết về thương hiệu, công nghệ của từng người bởi rõ ràng, những "hàng nhái" kia hiện đang được dập dấu... chính hãng!
Theo Vương Long (VNN)

Đọc thêm