Trạm Vũ trụ quốc tế bị nhiễm độc vì USB

Trạm Vũ trụ quốc tế bị nhiễm độc vì USB ảnh 1

 Trạm Vũ trụ quốc tế. Ảnh: Internet

Phát biểu trước phóng viên tại sự kiện Câu lạc bộ báo chí quốc gia diễn ra tại Úc tuần trước, Kaspersky cho biết phi hành gia người Nga mang theo USB và gây nhiễm độc máy tính trên trạm. Ông không nêu rõ tác động tới ISS cũng như thời điểm xảy ra sự cố nhưng có lẽ là vào trước tháng 5 năm nay khi công ty giám sát hoạt động của ISS, United Space Alliance (USA) thay toàn bộ hệ điều hành từ Windows XP sang Linux để “ổn định và đáng tin cậy hơn”.

Trước đây, nhiều laptop dùng trên trạm không gian đều sử dụng hệ điều hành Windows XP của Microsoft, dễ bị tổn thương và nhiễm độc hơn hẳn Linux. Theo Kaspersky, sự cố xảy ra khi nhà khoa học mang theo laptop Windows và USB khi ghé thăm trạm ISS. Trang ExtremeTech đưa tin khoảng năm 2008, một laptop Windows XP được phi hành gia người Nga đưa lên ISS song thiết bị bị nhiễm virus W32.Gammima.AG và nhanh chóng lây lan sang các laptop khác trên trạm. Tất cả các máy đều dùng Windows XP.

Đây là ví dụ cho thấy không kết nối Internet không đồng nghĩa ngăn chặn được tình trạng nhiễm độc. Ngoài ra, Kaspersky còn tiết lộ một cơ sở hạt nhân của Nga dù đã bị “đoạn tuyệt” với Internet cũng bị mã độc Stuxnet “dày vò”.

Stuxnet là một trong những mã độc “khét tiếng” được cho là do chính phủ Mỹ và Israel tạo ra, nhằm vào nhà máy nguyên tử của Iran để ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân. Chi phí của các mã độc dạng này có thể mất tới 10 triệu USD do đòi hỏi quá trình phức tạp.

Nói về tội phạm mạng, Kaspersky cho biết một nửa mã độc được viết bằng tiếng Trung Quốc, 1/3 viết bằng tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha. Ông thêm rằng mã độc của Nga là loại tinh vi nhất.

Theo Du Lam (ICTnews / Ibtimes)

Đọc thêm