Trai làng thời In-tơ-nét

Câu chuyện này được ghi lại ở một vùng quê nghèo đồng bằng Bắc Bộ, cách TP Hải Dương gần 20km.

Cà phê “chuồng”, rượu và nickname… gây sốc

19h, khi bữa cơm vừa kết thúc thì cũng là lúc có tiếng nhạc dội lên thình thình, cái loa thùng được bật hết công suất thét the thé vào lỗ tai bất cứ ai từ khắp đầu làng cuối xóm. Hòa, cậu em họ 17 tuổi của ông bạn, nói với tôi bằng giọng đầy tự hào: “Quán cà phê nhạc sống duy nhất của làng em, cách đây hơn 300m thôi. Bây giờ cuối tuần mà không có nhạc sống, chat chit, thanh niên làng em như phát cuồng anh ạ!”

Trời tối mịt. Đường dẫn đến nơi phát ra tiếng nhạc đầy “mìn” do trâu bò cài cắm. Từ ngoài đường nhìn vào, tụ điểm nom khá rộng, dọc lối đi dẫn vào sân khấu thỉnh thoảng có chiếc đèn lồng đỏ treo toòng teng. Ngay chính giữa bục sân khấu chình ình chiếc đàn điện tử, một màn hình ti vi cộng thêm cái đầu DVD gắn lủng lẳng 2 micro quấn đầy dây cao su. Thế nhưng, điều khiến tôi phải giật mình chính là hàng chục… “chuồng” xếp hàng dài. Tất nhiên, đó không phải là chuồng nhốt lợn, gà… như các nhà ở chốn thôn quê này vẫn làm! “Chuồng“ ở đây rộng chỉ hơn 2m2, chỉ dành cho mục đích duy nhất là giúp các đôi cặp kê trả tiền xin được... nhốt, y hệt như điểm “cà phê em út“ (hay còn gọi là “cà sờ”, “cà ôm”...) trên đường Bưởi ở Hà Nội.

Khi anh chàng em-xi (MC) tóc vuốt keo nom như củ hành cầm micro bước ra hô hào “hãy hát hết mình đi”, hơn hai chục thanh niên cả trai lẫn gái vỗ tay rầm rập. Tuy nhiên, hôm nay người đánh đàn Yamaha bận việc gia đình nên tay MC được kiêm luôn vai trò… nhạc công. Anh ta còn thận trọng thả một câu rào trước: Nếu bài nào… khó quá, bộ đầu karaoke vi tính mới được chủ quán sắm về từ trên Hà Nội, ổ cứng trong CPU chứa đến vài chục ngàn bài hát sẽ nhanh chóng đáp ứng được tất cả những bài hát khách đăng kí!

Vậy là rượu Vodka ào ào rót ra, tiếng cắn hạt dưa tí tách rộn ràng, nước chanh, sinh tố bưng tíu tít… Chứng kiến cảnh ấy, tôi ngỡ mình như đang dự một cuộc sinh nhật nào đó trên thành phố chứ không phải ở chốn làng quê này. Thanh niên Hòa nói như quát vào tai: “Thanh niên làng em hay gom chung tiền đi cải thiện văn hoá lắm!”

Ra thế! Trong khi đám trai làng nhao lên giành nhau micro ca những bản tân nhạc với tiếng hát không chịu đi chung một đường với… nhạc, thì lác đác có đôi tay trong tay từ ngoài cổng bước nhanh vào “chuồng”. Tôi chợt hiểu, đã “quê” lắm rồi cái thời thanh niên thôn quê dắt díu nhau ra bờ đê, gốc cây tâm sự… Theo lời Hòa, đám trai làng từ 14-17 tuổi, mỗi khi có tiền đều vào quán này chơi “tới bến“…

Văn hoá kệch cỡm “chọi” làng quê nghèo

22h, cả tụ điểm nhạc sống với hơn hai chục con người vẫn xôm tụ. Tiếng hát như “đánh dậm” cứ tưng tửng. Mấy cô nàng ăn mặc đỏm dáng ngồi ghẹo mấy chàng trai. Sau lượt rượu lần thứ… tiếp theo (vì tôi không thể đếm được) cạn sạch bách chai Vodka Hà Nội, 4 chàng “cao bồi thôn” ngồi bàn kế bên chúng tôi bỗng từ từ… lột áo bước thẳng lên bục hát cuồng nhiệt và nhảy loạn xị ngậu. Sau hơn 20 phút, tiếng nhạc chùng xuống thì cũng là lúc họ như lên cơn mê. Bốn thanh niên cởi trần chụm đầu vào nhau thành vòng tròn bắt đầu… phiêu. Mắt lờ đờ, chân tay cà giựt, bốn cái đầu cứ gật lên, gật xuống liên hồi như thể đang đồng ý một chuyện rất sung sướng nào đó…

Không bỏ lỡ cơ hội cảnh giai làng đang nhảy nhót ca hát, tôi liền lấy chiếc máy ảnh tắt đèn flash chớp lấy mấy kiểu. Thấy chiếc máy ảnh số, mấy đứa nhóc đi cùng Hòa nhao nhao: “Chú chụp cháu với!” Tôi chưa kịp trả lời thì Hòa rỉ tai: “Anh cứ chụp đi, rồi gửi qua yahoo chat, e-mail cho chúng nó, chả phải rửa thành tấm đâu! Bọn trẻ con quê em giờ tiên tiến lắm!”

Vậy là đám trẻ tha hồ khoe “nick”: “trai tien trieu-an choi-94”, “tinh yeu bat tu-khong xa roi95”, “khong duoc dai gai - 9X”…! Tôi dám chắc, nếu không gắn thêm “đuôi” 9X thì khi lên mạng mấy đứa nhóc mới học lớp 5, lớp 6 này cũng có thể “lừa” được… khối cô!

Đêm càng khuya, tiếng nhạc càng như muốn xé toạc sự tĩnh lặng vốn cố hữu từ ngàn đời ở cái vùng quê yên ả này. “Trai làng mình dùng thuốc lắc hả em?” Thấy tôi trêu, cô nàng phục vụ quán cười rinh rích: “Trai làng em đả rượu vào nhẩy nhiệt tình lắm! Hôm nay có cả thanh niên làng Thượng sang giao lưu nên càng bốc!”

Sống giữa cái thời in - tơ- nét len lách vào khắp mọi nơi như bây giờ, văn hoá mạng với sếch - xi đầy ra đấy thì cái sự… chạy theo thị thành dường như là “lẽ đương nhiên”. Câu chuyện “đen hoá” xã hội nông thôn đang diễn ra khắp nơi. Như với làng quê này, cách đây mới hơn một năm, chỉ cần đến 19h thì dễ có 90% các nhà đã tắt điện đi ngủ. Vậy mà khi đám trai trẻ - người trở về sau thời gian đi làm ăn lao động bên Malaysia, Hàn Quốc, những người đi làm trên thành phố… là nguyên nhân “đưa“ thứ văn hóa xa lạ về “đổ” ngập ngụa làng quê…

Với cái kiểu kệch cỡm ấy, những người nông dân chất phác là ông, bà, bố, mẹ… của họ quanh năm chỉ biết sống bằng hạt lúa, mớ rau thấy xa lạ lắm lắm... Biết con em mình lười nhác không chịu làm ăn, lại học đòi đám trai thành thị trên ti-vi, in-tơ-nét, họ chỉ biết thở dài ngao ngán, lo lắng cho một tương lai “lớp trẻ thời đại mới” đang bị đủ thứ văn hóa xa lạ cuốn đi…

Theo ICTNews

Đọc thêm