“Tôi tên là Vertu”

“Tôi tên là Vertu” ảnh 1

Cho đến khi sắp nghỉ hưu, Frank Nouvo mới bắt đầu thiết kế chiếc điện thoại cho riêng mình.

Ít người biết rằng thương hiệu đã trở thành biểu tượng của sự giàu có và thời trang này lại được ra đời bởi một chuyên gia… sắp nghỉ hưu.

Năm 2006, Frank Nuovo kỷ niệm sinh nhật lần thứ 45 với vị trí giám đốc thiết kế sản phẩm của Nokia – hãng sản xuất di động lớn nhất thế giới. “Nhưng khi đó tôi cảm thấy hình như mình đã đánh mất tâm hồn”, Frank nói và sau đó là một quyết định hết sức bất ngờ: đệ đơn xin nghỉ việc và làm lại từ đầu.

Khi còn là giám đốc thiết kế của Nokia, Frank chịu trách nhiệm lãnh đạo một đội ngũ kỹ sư thiết kế và tung ra thị trường khoảng 250 mẫu sản phẩm mỗi năm. Tuy nhiên, Nokia và thế giới di động phải nhớ đến Frank bởi ông là cha đẻ của sáng kiến “điện thoại có thể thay vỏ mới”, biến chúng thành những vật dụng thể hiện được phong cách và thời trang của mỗi người dùng. Đây cũng chính là đặc tính không thể lẫn lộn của những sản phẩm do Nokia sản xuất và góp một phần rất lớn vào sự phát triển như vũ bão của Nokia trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Frank Nouvo được mọi người ca tụng bằng những danh hiệu như “Henry Ford hay Calvin Klein của ngành điện thoại di động” nên quyết định rời khỏi Nokia khi sự nghiệp đang thăng hoa của Frank được không ít người coi là một sự “điên rồ”. “Đó là một quyết định khó khăn. Trở thành giám đốc thiết kế của Nokia là một công việc đáng mơ ước nhưng ở đó tôi phải nói nhiều hơn làm. Và tất cả những gì tôi cần khi đó là bắt tay vào làm một cái gì đó thật cụ thể”.

Vài ngày sau sinh nhật lần thứ 45, Frank Nouvo từ chức và trở về tự học lại những kiến thức cũ, bổ túc lại kỹ năng sử dụng những công cụ thiết kế và đi học thêm về Photoshop… Tất cả vì mục đích đưa Vertu lên một tầm cao mới.

Với một số người, họ dè bỉu công việc mới của Frank và cho rằng ông đang cố “tìm lại linh hồn của mình” bằng việc tạo ra thứ chỉ dành cho những người giàu nhất thế giới nhưng với ông, Vertu mới chính là nơi dành cho ông vì tại đó ông được thỏa sức sáng tạo, được cầm tận tay những sản phẩm do mình làm ra trao cho khách hàng. Điện thoại Vertu của Frank thường được làm bằng vàng, bạch kim, titan hay chí ít là thép không gỉ. Một số mẫu còn được bọc da đà điểu, đá thiên thạch hay gốm dùng trong công nghiệp vũ trụ… và giá khởi điểm của chúng là 5.000 USD cho đến 25.000 USD. Với các phiên bản đặc biệt, giá thấp nhất là 80.000 USD và cao nhất có thể là khoảng 325.000 USD.

Có một blog công nghệ đã nói: “Siêu đắt và xa xỉ đó là Vertu” nhưng Frank Nouvo lại không cho là như thế. “Bất cứ thứ gì đẹp đều đáng ngưỡng mộ”, người đàn ông thường xuyên ăn mặc rất đơn giản với áo phông đen này nói, “điện thoại di động đang ngày càng phổ biến và công việc của tôi là biến nó thành một thứ “có phong cách” hơn”.

“Tôi tên là Vertu” ảnh 2

Một mẫu di động xa xỉ của Vertu.

Vertu của Frank không bao giờ công bố doanh số tiêu thụ bởi họ không bao giờ quan tâm đến số lượng sản phẩm được bán ra nhưng với hơn 80 cửa hàng thường được đặt tại những thành phố lớn như Tokyo, Dubai, Milan, Las Vegas hay London… Vertu vẫn mang về những khoản lợi nhuận khổng lồ ngay cả khi nền kinh tế thế giới lao đao trong khủng hoảng.

Đó cũng chính là một phần trong bí quyết thành công của Vertu: Sự độc nhất làm nên sức mạnh của một thương hiệu. Theo yêu cầu của Frank, những chiếc điện thoại của Vertu phải “vừa tay”, chúng phải có trọng lượng vừa đủ nặng để tạo cảm giác chắc chắn nhưng không được nặng đến mức dễ tuột khỏi túi áo. Chúng phải được trượt mở với một tốc độ chậm rãi và chuyển động chính xác “tạo dáng” cho chủ nhân và thậm chí những bản nhạc chuông của chúng cũng phải được thiết kế riêng biệt để không thể lẫn lộn với bất cứ dòng di động nào khác.

Kể từ khi có Frank Nouvo, Vertu đã tiến lên “hàng ngũ” của những sản phẩm luôn tiềm ẩn khả năng “gây nghiện” như bút máy Montblanc, đồng hồ Rolex, “Có thể bạn chẳng cần nó nhưng chắc chắn lúc nào bạn cũng muốn có một chiếc”, Frank nói.

Và ở tuổi đã bắt đầu có thể nghỉ hưu, Frank Nouvo mới đang bắt đầu tự thiết kế một phiên bản Vertu với số lượng chỉ một chiếc duy nhất dành cho… chính mình.

Theo Lương Hương (ICTnews / New York Times)

Đọc thêm