"Tội đồ nước Mỹ” suýt trở thành “Nhân vật của năm”

"Tội đồ nước Mỹ” suýt trở thành “Nhân vật của năm” ảnh 1

Những tiết lộ đầu tiên về chương trình theo dõi người dùng di động và Internet toàn cầu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) xuất hiện trên báo The Guardian hồi tháng 6 năm nay. Không chỉ nhà mạng Verizon trao toàn bộ bản ghi dữ liệu cuộc gọi khách hàng cho chính phủ Mỹ, hàng loạt công ty công nghệ tên tuổi như Google, Yahoo, Facebook cũng trở thành một phần trong chương trình giám sát có tên PRISM.

Chỉ 4 ngày sau khi bài báo trên The Guardian được đăng tải, danh tính của người loan tin cũng được tiết lộ. Đó chính là Edward Snowden, cựu nhà thầu quốc phòng của NSA. Đó mới chỉ là sự khởi đầu. Tới thời điểm hiện tại, liên tiếp nhiều tài liệu tuyệt mật liên quan tới chương trình được công khai. Gần như mỗi tuần đều có thêm tình tiết mới tràn ngập khắp các mặt báo trên toàn cầu.

Chưa bao giờ NSA trở thành tâm điểm truyền thông như lúc này. Nếu không có Snowden, NSA và đồng minh – Cơ quan Tình báo Anh (GCHQ) – chắc chắn không bị công chúng, luật gia cùng chính trị gia để ý. Ngay cả những nhân vật từng được xem là “tội đồ” khác cũng đề cao tầm quan trọng của Snowden trong lịch sử.

“Theo quan điểm của tôi, trong lịch sử Mỹ không có tin tức rò rỉ nào quan trọng hơn tiết lộ của Snowden về NSA”, Daniel Ellsberg – người từng tiết lộ tài liệu của Lầu Năm góc, vạch trần sự dối trá của chính phủ Mỹ về chiến tranh Việt Nam – viết.

Dù là một anh hùng hay một kẻ phản bội, Snowden xứng đáng nằm trong tốp đầu danh sách Nhân vật của năm của Time. Quyết định đánh cắp tài liệu khi đang hoạt động như một nhà thầu NSA đã trở thành câu chuyện của năm và hiệu ứng còn kéo dài mãi mãi.

Những chương trình giám sát và quy mô của chúng xứng đáng bị đem ra mổ xẻ, thảo luận và đánh giá bởi công dân và đại biểu của họ. Snowden đã làm cho điều đó trở nên khả thi.

Theo Du Lam (ICTnews / Mashable)

Đọc thêm