Tin tặc lừa đảo "dựa hơi" động đất Nhật Bản

Tin tặc lừa đảo "dựa hơi" động đất Nhật Bản ảnh 1
Thế giới đang hướng về nước Nhật - Ảnh: Boston.
Theo US-CERT, người dùng máy tính nên thận trọng trước các email có nội dung lừa đảo, phần mềm diệt virus giả, cũng như các kiểu tấn công lừa đảo truyền thống, như gửi email liên quan tới động đất và sóng thần tại Nhật kèm theo đường link nguy hiểm (phising).

"Email lừa đảo có thể chứa các đường link hay tệp đính kèm để lừa người dùng bấm vào và bị chuyển sang một trang giả mạo chứa đầy phần mềm độc hại và bị khai thác các thông tin cá nhân", US-CERT cho hay trong một thông báo.

"Những email phising sẽ lợi dụng nội dung quyên tiền từ thiện để ủng hộ nạn nhân của các vụ thảm họa thiên nhiên khiến mọi người dễ dàng bị lầm tưởng. Còn phần mềm diệt virus giả có thể xuất hiện ở các cửa sổ pop-up có cảnh báo an toàn và hỏi người dùng về thông tin thẻ tín dụng", cơ quan trên cảnh báo.

Hôm qua (15/3), một tin nhắn thất thiệt về phóng xạ Nhật Bản đã lan truyền trên mạng Internet và hệ thống điện thoại, khiến dân chúng nhiều nước châu Á hoảng sợ. Tin nhắn nói rằng, đây là thông báo khẩn từ hãng tin BBC, đồng thời khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà để tránh bị nhiễm xạ.

"Một nhà máy hạt nhân tại Fukumi, Nhật đã phát nổ lúc 4h30 sáng nay. Nếu ngày mai hoặc ngày kia trời mưa, đừng ra khỏi nhà. Nếu đang ở ngoài, cẩn thận đừng để mưa rơi vào người, vì đó là mưa axit. Bạn có thể bị bỏng, rụng tóc và bị ung thư. Xin hãy chuyển thông điệp này tới những người khác", tin nhắn viết.

Tin đồn này vốn xuất phát từ Philippines hôm 14/3. Mặc dù các chuyên gia hạt nhân ở Philippines đã phủ nhận tính xác thực, nhưng tin đồn này đã lan truyền với tốc độ chóng mặt khắp châu Á thông qua Facebook, Twitter, trong đó có cả Việt Nam, khiến dư luận hoang mang sợ hãi.

Viện nghiên cứu hạt nhân Philippines (PNRI) cho biết, mức độ bức xạ trong không khí Philippines vẫn bình thường và không có dấu hiệu tăng lên. Chính quyền nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Singapore và Philippines đã khuyến cáo người dân không nên phát tán những thông tin kiểu trên khi chưa có sự kiểm chứng.

Trong khi đó, ở Việt Nam, cơn mưa chiều qua đã được những kẻ reo rắc sợ hãi lợi dụng "hô biến" thành mưa axit và tung đi khắp nơi bằng tin nhắn Yahoo Chat, spam SMS và trên các mạng xã hội, khiến nhiều gia đình có con nhỏ đang đi học phải chạy đi đón sớm vì sợ dính... mưa axit.

Các chuyên gia trong nước đã khẳng định, không phải là mưa axit, và Việt Nam chưa chịu tác động nào từ các vụ nổ ở lò phản ứng của Nhật Bản.

Trong bối cảnh cả thế giới đang hướng về Nhật Bản, những tin nhắn lừa đảo trên mạng sẽ thừa cơ sinh sôi và giới tin tặc sẽ tung ra nhiều đòn lừa hiểm độc hơn, để lấy cắp mật mã thẻ tín dụng, thông tin cá nhân của những người nhẹ dạ, phục vụ cho các mục đích trục lợi xấu xa.
(Theo VnEconomy)

Đọc thêm