Tìm cảm hứng công việc từ chơi game

Nguyễn Hậu - "người thổi hồn vào âm nhạc số"

Với giới nghệ sỹ tại Gia Lai và các tỉnh lân cận, Nguyễn Hậu là một nhân vật khá quen thuộc. Anh không chỉ nổi tiếng với ngón đàn guitar điêu luyện mà còn được mệnh danh là "người thổi hồn vào âm nhạc số".

Cái tên Nguyễn Hậu từ lâu gắn liền với những tác phẩm nhạc múa được viết cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh, các đoàn nghệ thuật quần chúng. Anh đã đoạt nhiều huy chương vàng bạc trong các hội diễn cấp tỉnh, cấp khu vực và cả toàn quốc. Nghe những bản nhạc anh viết và phối khí không ai có thể tin rằng tất cả đều được thực hiện từ chiếc máy tính và cây đàn Yamaha 510 cũ kỹ.

Tìm cảm hứng công việc từ chơi game ảnh 1

Nguyễn Hậu (phải). Ảnh do nhân vật cung cấp.

Anh bắt đầu làm quen với âm nhạc số khi đã bước vào tuổi ngoài 50. Cơ duyên đưa anh đến với niềm đam mê nhạc số chính là từ các game mà anh được chơi nhờ trên máy tính của người bạn làm nghề giáo viên dạy toán.

Hậu kể, lần đầu tiên đến nhà người bạn nhỏ hơn anh 14 tuổi, thấy thầy giáo đó đang chơi trò WarCraft trên máy vi tính, anh thích thú tò mò đứng xem và rồi đâm mê lúc nào không biết, dù lúc đó với anh máy tính hoàn toàn xa lạ. Sau khi năn nỉ người bạn nhỏ chỉ cho cách sử dụng, anh Hậu có thể tự mình mở máy chơi game. Hiện nay, tuổi cao và vốn kiến thức về vi tính rơi rụng khá nhiều, nên anh ghi tất cả trong quyển sổ tay, lúc nào cũng mang theo mình để lỡ quên thì mở ra xem lại.

Rồi anh được người bạn thân giới thiệu một phần mềm viết nhạc trên máy tính với khả năng có thể thay thế cho cả dàn nhạc người chơi. Lúc đầu, anh không quan tâm lắm vì thấy âm nhạc viết trên máy sao có vẻ "khô quá", không có hồn. Tuy nhiên, qua thời gian mày mò tự học, đọc tài liệu trên mạng cùng với sự giúp sức về tư duy kỹ thuật của người bạn nhỏ, càng ngày anh càng phát hiện ra sức mạnh tiềm tàng của phần mềm xử lý âm nhạc số. “Nó có thể tạo nên những giai điệu mượt mà, những cú vuốt dây guitar như thật, cùng với những tuyệt chiêu chơi trống mà người chơi cũng khó thực hiện được”, anh Hậu hào hứng kể.

"Ông già mê game" bị cuốn hút vào việc sáng tạo âm nhạc số lúc nào không hay. Càng đam mê, anh càng phát hiện ra nhiều điều mới giúp anh giải quyết các trở ngại mà trước đây khi viết nhạc bằng tay anh không thể thực hiện được. Các tác phẩm nhạc múa, nhạc giao hưởng của anh dần ra đời và liên tiếp đoạt huy chương vàng trong các hội diễn toàn tỉnh. Anh cũng góp phần kiến tạo cái nhìn thiện cảm hơn về âm nhạc số trong giới nhạc sĩ.

Tiếng tăm của Nguyễn Hậu được khẳng định khi các đoàn nghệ thuật chuyên cũng như không chuyên liên tục tìm đến anh để đặt hàng sáng tác. Từ đó thu nhập hằng tháng của người nghệ sỹ cũng khá hơn. Anh có thể nuôi được cả gia đình sống tiện nghi và với số tiền có từ việc viết nhạc anh đã nuôi được 3 đứa con ăn học thành tài.

Khi được hỏi về đam mê chơi game ngày nào, anh Hậu cười hiền: “Vẫn thế, vẫn say mê. Game và nhạc là 2 thứ không thể thiếu trong máu của mình. Khi nào sáng tác nhạc mệt quá hoặc bí ý tưởng, mình lại để đấy, lên mạng chơi một trận Empires hoặc FIFA Online 2 thì thấy nhẹ nhõm đầu óc ngay. Sau đó lại trở về với công việc sáng tác. Ước gì có giải game online cho người cao tuổi nhỉ, mình sẽ tham gia ngay”.

Trở thành giảng viên tin học bắt đầu từ mê... game

Thầy Phạm Văn Phúc chính là người bạn đã truyền cảm hứng máy tính và game cho nghệ sỹ nhạc số Nguyễn Hậu. Hiện nay thầy Phúc là thạc sỹ và đang giảng dạy chuyên ngành công nghệ thông tin tại một trường cao đẳng ở Bình Dương.

Tìm cảm hứng công việc từ chơi game ảnh 2

Một lớp học của thầy Phúc tại Bình Dương. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Kể về thời xưa của mình, thầy Phúc nói: “Lúc đó máy tính là một cái gì cao xa lắm bởi nó đắt ngang chiếc xe Dream Thái đập hộp”. Hè năm 1990, khi ghé thăm một người bạn dạy ở trường Đại học Nha Trang, thầy được làm quen với trò chơi máy tính. “Có điều, mỗi lần muốn chơi lại phải nhờ bạn mở máy và trò chơi. Cứ mỗi lần như thế lại phải nộp cho nó một ly cà phê. Ức quá, mình quyết tâm đi học sử dụng máy tính để có thể tự mở máy chơi trò chơi mà không phải nhờ vả ai cả. Bạn đừng cười nhé, đó thực sự là 'động cơ học tập' của mình khi đi học máy tính đấy”, Phúc cười kể.

Thời đó, anh Phúc toàn học về DOS, WIN311, VRES, NC, FOX BASE mà đến nay hầu như đã “tuyệt chủng”. “Thực sự bước đầu mình đến với ngành CNTT vì mình mê chơi game. Tuy nhiên, dần dần mình thấy khả năng ứng dụng của công nghệ thông tin vào các công việc phục vụ chuyên môn giảng dạy ngày càng lớn. Thế là mình lao vào tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi”, thầy Phúc bộc bạch.

Đến năm 1996, Phúc đã lấy được tấm bằng đại học thứ 2 ngành công nghệ thông tin. Sản phẩm đầu tay của thầy là phần mềm quản lý thi tốt nghiệp trung học cơ sở áp dụng cho thành phố Pleiku được viết bằng Foxpro 2.6, trước khi có phần mềm quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là phần mềm dùng cho việc quản lý thi cử từ lên danh sách thí sinh, chia phòng thi, in phiếu dự thi tới lên điểm thi… và sau này cũng được một số trường khác trong tỉnh Gia Lai sử dụng.

Sau khi hoàn tất khóa cao học về công nghệ thông tin, thầy Phúc đã được mời về công tác tại trường Cao đẳng ở Bình Dương và trở thành một trong những giảng viên nòng cốt của trường. Thầy tâm sự: “Mình vẫn chơi game như hồi trước. Hiện nay, mỗi ngày mình bỏ ra một tiếng đồng hồ để chơi game. Mình có nhân vật cấp 80 trong Võ lâm truyền kỳ và đội bóng cấp 90 trong FIFA Online 2”.

Theo thầy Phúc, bản thân trò chơi trực tuyến không thể gây ra các tệ nạn xã hội, nó cũng như rượu, xe máy... đều là phương tiện phục vụ cho cuộc sống con người. Nếu mình làm chủ thì các phương tiện đó là công cụ giúp cho mình có cuộc sống thú vị, còn ngược lại thì chúng sẽ đem lại rất nhiều điều không hay trong cuộc sống. Yếu tố quyết định vẫn là con người.

Kiến trúc sư 8x mê game

Hiền Tâm, Giám đốc công ty Nguyễn Hiền, có vẻ ngoài dường như không phải là người làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Với dáng thư sinh, da trắng, những ngón tay thon dài như con gái cùng với mái tóc được chăm sóc cẩn thận, anh dễ làm cho người đối diện nghĩ là nghệ sỹ hơn là một kiến trúc sư, đồng thời là một doanh nhân thành đạt.

Tâm kể, anh được tiếp xúc với máy tính khá sớm, từ khi mới học lớp 7. Cậu học trò đến với máy tính vì mê trò chơi Tam quốcFifa 94. “Hồi đó đi học thêm toán ở nhà thầy, thấy thầy giáo hay chơi mấy game này, mình đứng xem và mê mẩn những hình ảnh đẹp trong Tam quốc cũng như sự hấp dẫn kỳ lạ trong trò đá bóng trên máy”, Tâm nhớ lại.

Tìm cảm hứng công việc từ chơi game ảnh 3

Kiến trúc sư Hiền Tâm. Ảnh: B.V.

Để được chơi, Tâm nghĩ ra việc nhờ bố xin học thêm máy tính ở nhà thầy. Thấy con trai thích học máy tính, ông bố cũng chiều lòng xin cho. Anh vẫn nhớ như in ngày đầu đã “mặc cả” với thầy dạy: “Con học xong sớm thầy cho con chơi game nha thầy”.

Và cứ thế, suốt những năm học phổ thông, những bài học vỡ lòng Pascal đi vào trong anh cùng với những trò chơi như Commandos, Warcraft, Empires, Fifa...

Là học sinh đoạt giải 3 cấp quốc gia về môn văn, nhưng Tâm chọn thi vào Đại học kiến trúc với một lý do không dám nói cho ai biết: Học kiến trúc, có lý do chính đáng để được mua máy laptop, thoải mái chơi game không bị giám sát.

Suốt thời gian học đại học, Tâm vẫn vừa chơi game vừa học với cái laptop của mình. Anh trở thành một game thủ có tiếng trong trò MU với nickname Gialang và vẫn tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi, đoạt giải 3 về ý tưởng thiết kế không gian lễ hội cho đồng bào thiểu số ở quê anh, mà trong đó một phần lớn ý tưởng đồ án phát sinh trong lúc anh đang “cày” MU.

Ra trường, đi làm, rồi thành lập công ty Nguyễn Hiền của riêng mình, Tâm cho biết vẫn coi game là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Anh chơi khi cần giảm stress, chơi để đầu óc thoải mái trước khi gặp khách hàng, chơi sau khi hoàn thành bản vẽ... Không những thế, Tâm còn khuyến khích nhân viên của mình chơi game, vì theo anh đó cũng là một cách để tạo nên tinh thần đồng đội trong công ty của mình.

Vị kiến trúc sư trẻ tâm sự: “Game cũng như vitamin, nếu sử dụng đúng liều lượng thì sẽ tăng cường sức khỏe cho cơ thể, còn nếu quá lạm dụng thì tất yếu cơ thể sẽ bị ảnh hưởng ngay. Vấn đề là ở liều lượng thôi, mà liều lượng thì đâu ai giống ai”.

Theo Bích Vân (VNE)

Đọc thêm