Thưởng thức “nhạc thuốc”

Nhạc trị liệu và thư giãn có thể là tiếng suối róc rách, tiếng chim hót, tiếng thiên nhiên được hòa âm lại thành bài nhạc. Theo đó, dân mê nhạc thích mở nhạc liu riu để vừa nghe vừa làm việc, thậm chí có người còn dùng để tiếp khách nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

Dùng nhạc trị liệu để hút khách

Thời gian gần đây, dòng nhạc trị liệu và thư giãn xuất hiện và lan tỏa mạnh trong giới chơi âm nhạc lẫn kinh doanh. Ban đầu là các khách sạn, spa lớn, sau đó là bắt đầu lan sang các dịch vụ bình dân hơn. Không chỉ những nơi sang trọng, một vài quán nhậu ở quận 1 cũng bắt đầu sử dụng nhạc trị liệu để tạo sự khác lạ. Bên ngoài là quán nhậu thấp lè tè thế nhưng trong toilet lại hết sức sang trọng với máy lạnh và có loa phát âm nhạc trị liệu. Nhờ nét lạ, những quán này lúc nào cũng đông khách hơn các quán bình thường.

Anh Minh, chủ cửa hiệu tóc nhỏ ở đường Điện Biên Phủ (quận 3) - một trong những cửa hiệu nhanh tay dùng nhạc trị liệu để hút khách, cho biết anh kinh doanh hớt tóc hơn 15 năm thế nhưng cũng đã phải thay đổi qua nhiều dòng nhạc. Đặc biệt là có thời điểm do phải chiều khách, anh phải sử dụng dòng nhạc “giật” nên bản thân anh cũng mệt mà tiệm thì mỗi khách mỗi ý nên khách thưa dần. Sau thời gian nghiên cứu trên mạng, anh bắt đầu tìm đến dòng nhạc thư giãn và áp dụng cho hệ thống tiệm. Dòng nhạc thiên nhiên rỉ rả làm khách thích thú, ngay cả chính anh cũng cảm thấy thoải mái khi làm việc. “Nhờ thiết kế loa mỏng, đẹp mắt, cộng với âm nhạc thư giãn, lượng khách đến tiệm tăng mạnh, đặc biệt là không còn kiểu chín người mười ý mà chính mình cũng phải mệt” - anh Minh chia sẻ.

Thưởng thức “nhạc thuốc” ảnh 1

Vừa thưởng thức âm nhạc giải trí không lời, vừa làm việc là xu hướng mới của nhiều người. Ảnh: BH

Theo anh Nguyễn Hùng Sơn, Giám đốc Công ty Loa tranh AA, âm nhạc giải trí, trị liệu nhiều năm nay trở thành thứ không thể thiếu đối với công việc của anh. Mỗi khi đi làm về mở cửa phòng là anh bật công tắc mở nhạc trị liệu và thư giãn. Đặc biệt, nhờ nghe dòng nhạc này anh đã nghĩ ra những mẫu mã loa tranh mới đẹp mắt hơn.

Không chỉ người lớn tuổi, nhiều người trẻ cũng bắt đầu hướng sang dòng nhạc mới này. Anh H., một thành viên trên một diễn đàn chia sẻ nhạc trị liệu, chia sẻ: “Ban đầu khi nghe các album của nghệ sĩ này mình thích thôi. Thế nhưng tiếng suối chảy, chim kêu, tiếng vó ngựa trên thảo thuyên xanh thẳm, hòa lẫn trong tiếng sáo và tiếng đàn piano... tất cả đều mang lại những giây phút thư giãn tuyệt vời”.

Tăng đẳng cấp người nghe

Theo anh Nguyễn Hùng Sơn, dòng nhạc “sến” tồn tại bấy lâu nay, ngoài giải trí nó có thể khiến một số người lâm vào cảnh u ám buồn thảm. Thế nhưng nhạc trị liệu và thư giãn thì lại khác, nó sẽ đưa con người hòa nhịp với thiên nhiên. Trong khi đó, xu thế trở về với thiên nhiên là xu thế mà cuộc sống bận rộn con người luôn muốn trở về với những gì gần gũi nhất. Và chỉ âm nhạc trị liệu và thư giãn mới có thể giúp họ trở về thiên nhiên dễ dàng và đơn giản nhất.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Vũ - một nghệ nhân “mê” nhạc trị liệu và thư giãn, do dòng âm nhạc trị liệu có cách nghe đơn giản (dòng thác, tiếng chim hay tiếng thiên nhiên) nên nó dễ đi vào lòng người. Thực ra dòng nhạc này phát triển và đã có từ lâu ở các nước tiến bộ thế nhưng tại Việt Nam, có lẽ do phát triển sau nên mới được chú ý. “Có thể việc phát triển nhạc trị liệu trong giới kinh doanh lẫn cá nhân chỉ là xu thế phát triển, cũng có thể là một trào lưu ngắn. Thế nhưng những hiệu quả mà nó mang lại thì ít ai có thể phủ nhận. Riêng bản thân tôi thì nó tạo ra nhiều giá trị cảm hứng cho việc nghiên cứu và sáng tác” - ông Nguyễn Vũ nhận định.

Nhiều giá trị về y học

Ngoài tác dụng tăng cảm hứng làm việc, theo một số nghiên cứu mới đây thì nhạc trị liệu có thể áp dụng cho những người bị stress, trầm cảm, bi quan, đối tượng lao động trí óc căng thẳng, một số trường hợp mắc bệnh mất ngủ, tai biến cần hồi phục chức năng… Cụ thể, nhạc trị liệu không lời có thể dùng để giảm stress, giảm đau. Đơn cử như nhạc cồng chiêng lại có đặc điểm tạo hiệu ứng tham gia sinh hoạt cộng đồng, nhảy múa ở phần dưới chân nhiều hơn, nhạc Trịnh dùng vào trị liệu thư giãn, giảm căng thẳng.

NHƯ VŨ

Đọc thêm