Thương buôn thời số hóa

Không gian mạng xuất hiện nhiều thương buôn công nghệ cao cùng với việc bán hàng hóa thông thường cũng có nhiều ý tưởng như bán hàng khuyến mãi, hàng lạ, thậm chí là tiền mã... tạo nên thị trường sôi động.

Kiếm lời nhờ hàng lạ

Cũng như nhiều thương buôn khác, anh Trần Tường Sinh (quận 7) sở hữu khá nhiều sản phẩm có giá trị lịch sử: Tiền cổ, bật lửa Zippo cổ, các loại kỷ vật chiến tranh… Thế nhưng anh rất băn khoăn làm thế nào để bán được, bởi trong khi những chuyên gia về đồ cổ hoặc người sưu tập kỷ vật chiến tranh phải đánh đổi rất nhiều thời gian và công sức để có trong tay những kỷ vật này thì đối với người bình thường, những sản phẩm này quá lạc hậu.

Sau một thời gian dài nghiên cứu cộng với sự hỗ trợ của bạn bè, anh Sinh phát hiện ra trang web ebay.com, chiếm thị phần lớn trên toàn thế giới, đặc biệt là trang web này có hình thức đấu giá “hàng độc”. Thế là anh bắt đầu rao bán các sản phẩm của mình trên mạng. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, gian hàng của anh đã thu hút và chinh phục được rất nhiều khách hàng người nước ngoài, đa phần là những người am hiểu về các kỷ vật chiến tranh nên rất hào hứng tham gia đấu giá các sản phẩm đăng bán.

Thương buôn thời số hóa ảnh 1

Một trang web bán hàng qua mạng được nhiều người tham gia. Ảnh: BH

Từ số vốn chỉ 2 triệu đồng, chiếc máy tính cũ kỹ và đường truyền Internet chung với nhà hàng xóm, Tấn Thanh, một sinh viên nghèo đã cùng mẹ vượt qua thời gian khó khăn nhất sau khi bố mất. Mới đầu chỉ lên mạng chơi game, dần dà Thanh nhận ra phải biết cách dùng Internet để giúp mẹ kiếm tiền. Thanh lên các diễn đàn, các trang cho rao vặt miễn phí quảng cáo những món ăn do mẹ nấu và hai mẹ con túc tắc làm dịch vụ cơm hộp để mưu sinh, đủ trang trải cho cuộc sống và việc học hành.

Ngoài ra còn khá nhiều thương buôn khác vẫn sống khỏe nhờ các diễn đàn mạng hoặc các trang bán hàng trực tuyến. Chị Nguyễn Thị Hồng Nga thấy được nhu cầu xài hàng hiệu ngày càng lớn nên mở “shop” buôn bán đồ hiệu cũ. Hay chị Hà Phương (Hà Nội) bán được mặt hàng rất độc đáo là tiền âm phủ của Việt Nam. Với mặt hàng này, giá trị tại Việt Nam dường như bằng 0 nhưng khi đưa lên eBay.vn, nó thành hàng độc đối với những thành viên có sở thích sưu tầm đồ độc, đồ lạ trên toàn thế giới. Tiền âm phủ có giá bán trong nước khoảng 5.000 đồng/100 tờ đã bán được 11 USD/sáu tờ (khoảng 35.000 đồng/tờ) trên eBay.vn.

Món gì cũng bán được

Theo một số thương buôn, lợi thế của làm thương buôn qua mạng là người bán không phải lo chi phí thuê mặt bằng làm cửa hiệu, cũng không cần thuê nhiều nhân viên trông coi, vốn đầu tư ít. Ngoài các website chuyên nghiệp như enbac.com, eBay.vn, hiện ở Việt Nam còn có vô số website khác cho phép lập gian hàng riêng, hoặc các trang cho đăng tin quảng cáo miễn phí như YouShop, 123mua, vatgia, diễn đàn 5giay, muare... nên thu hút được lượng người mua bán lớn.

Anh Lê Xuân Yên, chủ cửa hàng Hanoi Moment trên mạng, từng có nhận định: “Nếu chỉ đầu tư vào các cửa hàng trong nước sẽ không tiếp cận được với những khách hàng tiềm năng nước ngoài. Vì vậy, việc mở rộng giao thương bên ngoài là xu thế mới. Thông qua trang eBay.vn, chúng tôi đã bán được những chiếc xe máy hay đồng hồ bằng giấy cuốn có giá trị cao gấp bốn lần giá bán tại cửa hàng Việt Nam, đạt tỉ lệ lợi nhuận lên đến 400%”.

Không chỉ quảng bá trong nước, một số thương buôn giỏi ngoại ngữ còn tự liên hệ mở cửa hàng trên trang web quốc tế. Anh Trần Tường Sinh (quận 7) cho biết: “Thực tế, việc quảng bá các sản phẩm lên trang web trong nước cũng có nhiều trở ngại, đơn cử như mức phí, thời gian thanh toán, vận chuyển dài. Hiện tôi đang hướng sang các trang quốc tế, tính quảng bá sản phẩm cao và lợi nhuận thì khá hơn”.

Những trang web “hàng độc”

Ngoài một số trang web quốc tế, một số thương buôn cũng tự mở web với các ý tưởng độc đáo không kém, đơn cử như dokhuyenmai.com, saigonvechai.com, choicaigi.com (gian hàng đồ chơi lạ)... Thậm chí một doanh nghiệp mới còn mở cả dịch vụ kinh doanh tổ chức sinh nhật thông qua mạng với trang web sinhnhat.vn.

BÁ HUY

Đọc thêm